Những đứa con hiếu học của núi rừng Tây Bắc
“Đi từ nhà tới xã vài chục cây số, đường sá khó khăn, hết gần một buổi mới tới nơi... Nên mong ước lớn nhất của em là sau này học xong ra trường xin về xã công tác, sẽ thay đổi cách làm việc và mang lại cuộc sống ấm no cho người dân” - Giàng A Bê nói về ước mơ của mình.
Ngày vui của bản Hồng Lâu
Phải thừa nhận con đường từ trung tâm xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đến bản Hồng Lâu nhà Bê là một cực hình với những người quen đường nhựa chốn thị thành. Hôm chúng tôi đến, anh trai Bê chạy chiếc xe cũ tới đón. Đường gập ghềnh trải toàn đá tảng khiến mấy lần xe suýt trượt xuống vực sâu.
Nhà Bê nghèo quá. Cái đói nghèo len lỏi vào tận thùng gạo còn sót lại vài hạt đã mốc meo. Tường nhà vá tứ tung, chỗ này là nứa, chỗ kia là gỗ, đằng sau căng chiếc bạt rách rưới, nền nhà lồi lõm như ổ gà. Mùa mưa dột khắp nơi. Mùa lạnh gió rít từng cơn thổi vào. Năm 2011, bệnh tật đã cướp mất bố Bê. Chị em Bê lần lượt lấy chồng, lấy vợ sớm. Bê là đứa con duy nhất trong gia đình được ăn học đầy đủ.
Bê học không giỏi lắm nhưng có chí. Hết cấp I, Bê xin mẹ ra huyện học ở trường dân tộc nội trú. Cứ thế, Bê đi học biền biệt ngày tháng, một năm về được hai lần. Cậu học trò người Mông đã quen với cuộc sống tự lập từ khi mới lên 10. Hết THCS, Bê lại lặn lội ra ngoài TP Yên Bái cách nhà gần trăm cây số để thi vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Bê ở với bạn bè trong ký túc xá.
Học xong phổ thông, anh trai khuyên Bê về nhà lấy vợ nhưng Bê không chịu mà quyết tâm làm hồ sơ dự thi vào Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Thế rồi Trường đại học Văn hóa Hà Nội báo điểm, Bê đậu. Rời bản, rời núi rừng gió hú, Bê lên đường nhập học với chiếc balô, mấy cân măng khô mẹ gói cho làm thức ăn và một hoài bão: “Nhất định sau này con sẽ về quê, mang kiến thức học được về xây dựng bản làng mình ngày càng no ấm”.
Cả bản Hồng Lâu vui mừng, rộn rã. Ai nấy đều phấn khởi kéo đến đưa tiễn Bê lên đường “học khôn”. “Đồng bào người Mông chúng ta phải học thằng Bê nhiều rồi. Thằng Bê nhất định phải trở về rồi”...
Sống khó, vẫn đậu hai trường đại học
Giữa cái nắng hanh hao của núi rừng Tây Bắc, Đào Thị Xuân Mai (18 tuổi, khu Thắng Lợi, thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) cười tươi khoe quyết định nhập học khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội khi tới thăm bố tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hòa Bình.
Mai thi đỗ cùng lúc hai trường đại học. Tin vui ấy làm nhiều người ở thị trấn Thắng Lợi ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được khi Mai là cô bé bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, bố Mai bị chứng tâm thần phân liệt phải sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.
“Nhà ở Hà Nội rồi chuyển về Hòa Bình, lúc bố em ốm nặng thì nhà ở Hòa Bình cũng phải bán”- Mai kể lại. Sau khi bán nhà, bố Mai được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Mai ở với người này người kia cho đến khi được bác ruột ở Hòa Bình nhận về nuôi. Thiếu thốn là thế nhưng sự học của Mai chưa bao giờ bị gián đoạn.
Ngay từ lúc mới học lớp 9, Mai đã dạy kèm tiếng Anh cho các em nhỏ ở cùng thị trấn. Xuống Hà Nội thi đại học xong, trong khi các bạn về nhà nghỉ ngơi Mai ở lại nhà người quen tìm việc làm. Hằng ngày Mai đi bộ dọc con đường quanh phòng trọ, thấy ai treo biển cần tuyển người thì vào hỏi.
Thoạt đầu Mai được nhận vào phụ quán cơm, làm từ 7g sáng đến 7g tối mà lương chỉ được 2 triệu đồng mỗi tháng. Sau đó Mai nghỉ làm rồi xin phụ việc ở quán phở, quán cà phê với thời gian linh động hơn.
Lúc nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường đại học Thương mại, Mai đã tìm được việc làm giúp việc nhà theo giờ với mức lương gần 1 triệu đồng/tháng.
Mai mừng rỡ khoe: “Trước mắt em có việc làm thêm ổn định để trang trải việc học hành rồi”.
Chúng tôi gặp Mai giữa những ngày em tất bật việc làm thêm, đi về Hòa Bình thăm bố rồi rút hồ sơ ở Trường đại học Thương mại để nhập học khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội (trường có giấy báo nhập học sau).
Hỏi sao lại chọn khoa luật, Mai cười bảo: “Vì em thấy bây giờ người ta rất cần luật, nhất là các công ty. Hơn nữa học luật em có thể tự xin việc cho mình mà không phải chờ ai giúp đỡ...”.
“Con sẽ xây lại nhà cho mẹ...”
Dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen, khuôn mặt sáng ngời thông minh, ít nói nhưng hay cười là ấn tượng đầu tiên về Đào Văn Long (xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) với mọi người.
Trong một lần đi rừng bố Long mất. Năm đó Long tròn 4 tuổi. Nhà Long có ba anh em, Long thứ hai. Trên Long có một anh trai đang đi làm thuê ở tận Hải Dương, dưới còn một em gái đang học lớp 11. Mẹ Long làm nghề thu gom ve chai và buôn đủ thứ: buôn tằm, buôn hoa, bán rau... chắt chiu nuôi con ăn học thành người.
Thương mẹ vất vả, anh em Long ngoài giờ đi học lại tất bật trở về nhà phụ mẹ. Phân chia mỗi người một phần việc, em gái giặt giũ nấu ăn, còn Long tranh thủ đạp xe theo mẹ đến từng nhà hàng, quán ăn thu gom giấy vụn, vỏ lon bia... Tối nào cũng vậy, trước khi ngồi vào bàn học, Long lại tỉ mỉ phân loại đồ nhựa và nhôm, sắt để hôm sau mẹ cân cho thương lái.
Cực nhọc chồng chất lên vai thế nhưng 12 năm đi học Long luôn là niềm tự hào của thầy cô và gia đình. Ngoài học văn hóa tốt, Long còn có năng khiếu môn chạy điền kinh. Trong nhiều cuộc thi chạy điền kinh do huyện, tỉnh Lào Cai tổ chức, Long liên tục rinh giải thưởng. Giấy khen của Long treo chật kín một góc nhà đơn sơ.
Vừa qua Long thi đậu Trường đại học Giao thông vận tải. Để có tiền cho con nhập học, người mẹ phải chạy vay khắp nơi được 5 triệu đồng cho Long làm lộ phí nhập trường.
Những ngày đầu ở Hà Nội, nhớ nhà Long gọi điện cho mẹ thủ thỉ: “Ra trường có việc làm, tháng lương đầu tiên con sẽ dành tặng mẹ. Sau đó con sẽ xây lại nhà. Đời mẹ khổ nhiều rồi, con nhất định sẽ trưởng thành về báo hiếu mẹ”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc