Những người ăn Tết muộn
Trong lúc mọi người về quê đón tết thì tại TPHCM, không ít người vẫn ở lại vì công việc mưu sinh. Sau Tết, người người quay trở lại cũng là lúc họ tay xách, nách mang quà cáp, đồ đạc về quê ăn Tết muộn.
Gần chục năm nay, cứ vào độ mùng 5, mùng 6 Tết, bà Tăng Thanh Hiếu (SN 1958, quê Cà Mau) mới bắt xe khách từ Bình Phước về bến xe Miền Đông (TPHCM), rồi đón xe khách về Cà Mau để ăn Tết muộn với gia đình. Vừa xuống xe, một tay bà xách thùng quà to nặng, toàn trái cây ở Bình Phước mang về cho nội ngoại hai bên.
Quê bà ở tận Cà Mau, căn nhà nhỏ nằm sâu trong vùng sông nước của huyện Ngọc Hiển. Muốn về đến nhà, bà phải đi thêm một chuyến đò. Nhưng đò không chạy vào ban đêm nên từ Bình Phước về TPHCM, bà phải ở lại chờ đến buổi tối mới bắt xe khách từ TPHCM về Cà Mau để cho kịp trời sáng bắt đò về nhà.
Bà Hiếu kể: “Tuổi mình cũng lớn, tìm được công việc giữ lô cao su ở Bình Phước có thu nhập ổn định không phải dễ, nên năm nào cũng ở lại trông coi cho hết Tết. Đến lúc người ta ăn Tết xong mình mới đón xe về quê cùng gia đình. Nhưng còn ai ở đó đâu”.
Một đứa con trai lập gia đình ở Tây Ninh. Tết về thăm nội ngoại ở Cà Mau vừa lên hôm mùng 4 Tết. Đứa con gái cũng vừa lên mùng 5 Tết, cũng là lúc bà về nhà. “Về nhà ăn Tết mà mấy đứa nhỏ quay lên Sài Gòn hết nên buồn lắm. Nhưng vì công việc nên phải chịu thôi. Cũng nhờ công việc ổn định mà giờ mình mới nuôi được hai đứa con đều học xong đại học cả”, bà Hiếu nói.
Đối với gia đình chị Lê Thị Hạnh (SN 1975, quê Quảng Ngãi, tạm trú quận Thủ Đức) vì công việc nên tận mùng 5 Tết cả gia đình mới bắt xe về Quảng Ngãi. Chồng chị vào TPHCM làm nghề phụ hồ, Tết vẫn theo công trình. Còn chị ở lại bán hàng rong mấy ngày Tết trên đường hoa Hàm Nghi (quận 1) để kiếm thêm tiền về quê.
Chị Hạnh cho biết, ở khu trọ của chị, nhiều người chung hoàn cảnh, phải đi bán hàng rong quanh năm suốt tháng. Mấy ai được về quê ăn Tết cùng gia đình. Có khi vài ba năm họ vẫn chưa về. Làm quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ tiêu xài ở đất Sài Gòn, chứ tiền đâu về Tết. “Tiền về Tết đủ để cả gia đình ăn uống gần nửa năm. Nên ai cũng đắn đo suy nghĩ mỗi khi về. Năm nay, mấy đứa nhỏ đòi về quê với ông bà quá nên mình cùng chồng làm liều về, về sau Tết tiền vé cũng không đắt lắm”, chị Hạnh nói.
Ăn tết ngoài đường
Công việc lặng thầm hơn, những người công nhân quét dọn vệ sinh ở TPHCM cũng không được nghỉ Tết, thậm chí ngày Tết còn là giờ cao điểm của họ trong việc dọn vệ sinh, làm sạch thành phố. Trưa 30 tháng Chạp, khi chợ hoa Công viên 23/9 (quận 1), bắt đầu dọn chợ, từng đống rác nằm ngổn ngang khắp công viên, chị Trần Thị Hà (SN 1977, quê Nha Trang) cùng tổ của mình bắt đầu quét dọn.
Chị cho biết: “Vào Sài Gòn gần chục năm, gắn bó với công việc này đến nay, chưa có năm nào tôi đón giao thừa bên gia đình đang thuê nhà trọ ở Sài Gòn, chứ nói chi đến việc về quê ăn Tết. Năm nào cũng đón giao thừa ở ngoài đường cả. Mấy anh chị em xúm lại ăn ổ bánh mì, bánh bao để chờ bắn pháo hoa xong là lao vào công việc quét dọn”.
Vào TPHCM mưu sinh, rồi chị lấy chồng cùng quê, hai người thuê căn nhà trọ ở quận Thủ Đức. Chồng chị cũng đi làm thuê kiếm sống, công việc không ổn định. Hai người có đứa con trai 13 tuổi. Từ sáng 30 Tết chị đã cùng tổ ra công viên chuẩn bị quét dọn và trực đến hết ngày mùng 4 Tết, khi đường hoa Hàm Nghi dọn xong. Lúc đó công việc mới nhẹ hơn. “Trong tổ anh chị em không ai về quê đón Tết, cả năm cứ làm suốt. Cố gắng làm xong lịch trực vào những ngày cao điểm, lúc đó mới có thời gian về nhà mua sắm, ăn Tết với chồng con”, chị Hà nói.
Bà Phạm Thị Là, tổ trưởng tổ dọn vệ sinh công viên 23/9 thuộc Công viên Cây xanh TPHCM cho biết, những ngày Tết, tổ của bà được tăng cường gấp ba, bốn lần lực lượng để tranh thủ quét dọn rác. Năm nào cũng vậy, công việc của các anh chị em trong đội vệ sinh vào những ngày cuối năm rất bận rộn. Không ai về ăn Tết, cũng chẳng ai có thời gian bên gia đình.
“Tiền về Tết đủ để cả gia đình ăn uống gần nửa năm. Nên ai cũng đắn đo suy nghĩ mỗi khi về. Năm nay, mấy đứa nhỏ đòi về quê với ông bà quá nên mình cùng chồng làm liều về, về sau Tết tiền vé cũng không đắt lắm”.
Chị Lê Thị Hạnh, sinh 1975, quê Quảng Ngãi, tạm trú tại quận Thủ Đức (TPHCM)
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Long An phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9% trong năm 2025
Kỳ vọng đầu tư công, đầu tư tư nhân và xuất nhập khẩu duy trì tăng
Cột tin quảng cáo