Những người “canh giấc” hến và tờ 1.000 đồng
Những người “canh giấc” hến
Nhiều ngày nay, người dân sống dọc sông Trường Giang, đoạn qua các xã Duy Thành, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được mùa hến. Theo nhiều người dân nơi đây, hến có quanh năm, nhưng thường vào đầu hạ, khi nước sông cạn, khoảng tháng 2 đến tháng 9 âm lịch, thời gian này được xem là mùa sinh sôi của hến.
Chúng tôi có mặt vào lúc 8 giờ sáng tại xã Duy Thành cạnh con sông Trường Giang, lúc này những người cào hến vừa kết thúc một đêm “đi sông” của mình.
Không giấu được những mệt mỏi vì ban ngày đi làm vườn, buôn bán,…, đêm đến chỉ ngủ được 3-4 tiếng, rồi thức dậy trước lúc gà gáy. Chính lúc 2 giờ sáng, khi nhiều người còn say giấc thì dòng sông Trường Giang sáng rực bởi những chiếc đèn treo trên thuyền, bắt đầu những giờ “canh giấc” hến.
Anh Hà, người có đến 20 năm làm nghề hến, với anh nó là nghề cha truyền con nối, là bữa cơm của cả nhà. Anh nói: “Tôi vốn làm biển, nhưng cứ vào tháng biển động, tôi đi cào hến. Công việc nói là dễ thì cũng không phải, nhưng thứ nhất là không sợ lạnh khi nửa đêm lội xuống sông, tiếp đến là có sức, quen với việc kéo hến từ dưới đáy sông lên”.
Hến thường bám vào ven sông và ở lưu vực nước sâu, người làm hến lâu năm thường có kinh nghiệm quan sát dựa theo triền nước, việc chèo ghe thuyền trên sông cũng phải hết sức chậm, không phải nổ máy ầm ầm, tránh nước động sẽ “đánh thức” hến.
Anh Hà cho biết: “Công việc của người cào hến là thả chiếc vợt hình vuông thả xuống sông, cố gắng để phần đáy vợt chạm đến đáy sông, sau khi cảm thấy nặng tay, người ngồi trên đầu máy thuyền phải cho nổ máy kéo, kéo vợt lên càng nhanh càng tốt, để tránh lọt vài con hến nhỏ”.
Tuy nhiên, nghề “canh giấc” hến này cũng khá nguy hiểm, nhất là khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhiều người vì muốn kiếm được kha khá hến vẫn đội nón đi đêm, băng mưa, ra thuyền cào hến.
1.000 đồng/kg hến
Người làm nghề cào hến thường chua xót nói rằng, họ đổi tính mạng lấy 1.000 đồng. Nhiều người đã quá tuổi 60 vẫn lặn lội một mình đi ghe ra giữa sông. Bà Phan Thị Xê, 63 tuổi, hành nghề này khoảng 8 năm nay, nói: “Mình sức cũng yếu, giữa con nước lớn đôi khi trở tay thuyền không kịp. Trời lạnh mà mỗi thuyền chỉ độc một chiếc đèn, mạnh ai nấy kéo, nên nhiều lúc rơi sông cũng chẳng biết kêu kịp không”.
Ở đây, đàn bà cũng như đàn ông, phải lội nước đến 1m, nặng tay để kéo vợt, đãi hến, cho vào bao và đi cân.
Nước sông Trường Giang sâu và rộng, nếu trời yên thì không có hến, chỉ khi trời mưa thì hến mới sinh sôi nhiều, nên nhiều người dân phải bất chấp cả tính mạng để đi ghe nửa đêm. Người dân kể cho chúng tôi nghe chuyện bỏ thuyền giữa sông, để bơi ra vớt hến, thậm chí lội xuống, lặn xuống để “soi dấu vết” hến.
Vậy mà hiện tại, giá bán qua thương lái chỉ 1.000 đồng/kg hến. Chưa năm nào thấp như năm nay. Anh Mai Văn Thơi, thôn An Lạc, nhìn con nước, buồn bã nói: “Giá mà hến được giá như những năm trước, 5-10 nghìn đồng/kg thì người cào hến còn có có thu, giờ chỉ đi kiếm thêm vài trăm để sống qua ngày”.
Anh Thơi cho biết, mỗi đêm anh kéo chừng 4-5 tạ, thu nhập được 400 nghìn đồng; nhưng bù chi phí xăng dầu, phí tổn lưới,… chỉ vừa đủ sống qua ngày.
Anh Thơi chia sẻ: “Thay vì như trước kia phải đãi chín bán, bây giờ nhiều thương lái ở Nha Trang đã chọn cách tìm đến tận ven sông, thu mua hến sống, do vậy dù giá thấp hơn nhưng chúng tôi lại đỡ nhọc công hơn và đỡ qua nhiều khâu trung gian”.
Người dân ven sông, mỗi mùa nước nổi lại ra ghe, với hi vọng kéo được vài tạ hến, trang trải kinh tế gia đình những ngày không đi biển động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo