Những người dám từ bỏ ghế quan
Họ muốn sống đời sống của mình, tự bươn chải trong cơ chế thị trường sôi động hay thỏa nguyện ước mơ nghiên cứu khoa học...
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều cựu quan chức nay là doanh nghiệp tư nhân cho biết, việc “rũ áo từ quan” là lựa chọn không có gì hối tiếc. Có người còn nói: Chức vụ, địa vị chỉ là nhất thời, cái còn lại là được sống và cống hiến đúng sở trường của mình.
Khi quan chức ngân hàng đổi vai
Năm 2008, giới ngân hàng xôn xao khi ông Kiều Hữu Dũng (sinh năm 1967 ) “dứt áo” khỏi chức Vụ trưởng Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) để đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Cty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS). Lý giải của ông Dũng khi đó là vì lý do riêng và muốn tìm một công việc phù hợp hơn. Cũng có người cho rằng, ông Dũng chuyển làm doanh nghiệp do được hứa hẹn lương bổng, chế độ đãi ngộ tốt hơn hẳn so với “lương ba cọc, ba đồng” ở Ngân hàng Nhà nước.
Trong các cuộc trao đổi với những chuyên gia nhiều kinh nghiệm về ngành ngân hàng, việc ông Dũng ra đi, chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán đua nhau ra đời, việc mời gọi những nhân lực chất lượng cao từ Ngân hàng Nhà nước cũng như các đơn vị của Bộ Tài chính là mong muốn của các doanh nghiệp (tham gia lĩnh vực tài chính). “Cơn sốt” lập ngân hàng, công ty tài chính đã khiến Ngân hàng Nhà nước chảy máu chất xám khoảng 100 người trong vòng một năm.
Nhiều tháng trời sau đó, dù các phóng viên thân thiết đặt câu hỏi, nhưng ông Dũng vẫn “lặng lẽ” trước mọi thông tin để dồn sức cho công việc mới. Đến năm 2012, cái tên Kiều Hữu Dũng lại một lần nữa gây xôn xao khi ông chính thức trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank (thành viên Hội đồng Quản trị độc lập). Và, tại đại hội cổ đông đầu năm 2014, ông Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng này.
Cũng “gây sóng” dư luận khi rời ghế Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối tại Ngân hàng Nhà nước năm 2007, vào TPHCM “dựng nghiệp”, ông Trương Văn Phước đã khẳng định được tên tuổi, vị thế của mình khi bước chân ra làm ngoài. Nhiều năm ròng, những cái tên như Nguyễn Đức Vinh, Trương Văn Phước được nhắc đến như “thế hệ vàng” CEO của ngành ngân hàng Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Vinh là người dám bỏ vị trí Phó TGĐ Tổng Cty Hàng không Việt Nam từ rất sớm để lăn lộn vào thương trường. Sau vài lần “nhảy việc”, giờ ông Vinh là Tổng GĐ VPBank.
Với ông Phước, việc “chuyển nghề” sang làm lãnh đạo tại Eximbank cũng một phần vì một câu nói trước đó. “Địa vị, chức vụ rồi cũng sẽ có ngày về hưu; nhân cách còn mãi mãi, không hưu bao giờ. Đây là câu tôi đã nói với vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thời bấy giờ. Khi nói câu đó xong, tôi chọn con đường hướng về Nam lập nghiệp”, vị cựu Vụ trưởng kể lại.
Không năng lực sẽ bị đào thải
Chia sẻ với Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất thân từ cán bộ nhà nước khẳng định: Làm doanh nghiệp có đủ cái sướng, đủ cái khổ. Sự sướng nhìn thấy rõ là lương bổng có thể nhận được tới vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng/tháng (nếu làm trong lĩnh vực ngân hàng); ít nhất cũng cỡ trăm triệu đồng/tháng (nếu ngồi ghế CEO ở doanh nghiệp). Việc có xe đưa, người rước, được hưởng ưu đãi này nọ ở mức cao cấp và đàng hoàng, tự tin.
Tuy nhiên, trong điều hành, dù mang danh CEO, mọi quyết định quan trọng vẫn do HĐQT quyết định và chỉ đạo điều hành trực tiếp. “Cái được với cá nhân tôi là được làm đúng chuyên môn, đúng sở thích và tránh được những gì mình nhận thấy sai hoặc không hợp lý”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Một cựu quan chức lý giải, việc doanh nghiệp chào đón quan chức (cả đương nhiệm lẫn về hưu) về làm việc trong bộ máy một phần rất lớn vì muốn tận dụng mối quan hệ có sẵn. Ngoài ra, đây là những người có địa vị, kiến thức, am hiểu luật pháp và đặc biệt có khả năng “kết nối”, mở rộng quan hệ cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Sau chục năm lăn lộn với nghề “buôn tiền”, cựu Vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nghiệp kinh doanh tài chính vốn gắn với đồng tiền của thiên hạ. Do đó, nếu không có năng lực, đủ bản lĩnh, người lãnh đạo xuất thân từ cơ quan nhà nước sẽ nhanh chóng bị đào thải. Ở đâu thì anh cũng phải tạo ra một giá trị tối ưu. “Hạnh phúc là tự cảm nhận của mỗi người. Rốt cuộc mọi thứ là vô cùng. Kiếm tiền hay danh vọng là tùy người”, ông Phước đúc kết.
Trao đổi với báo chí gần đây, ông Trương Văn Phước cho rằng, đối với quan chức khi ra “làm ngoài” khắc nghiệt nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. “CEO phải có tầm nhìn vượt ra chiếc áo của tổ chức, đôi khi dấn thân và đánh đổi, kiên quyết và đủ cứng rắn để thuyết phục Hội đồng Quản trị đồng lòng với mình. Gần đây, CEO ngân hàng còn phải có kỹ năng tự xoay xở trong môi trường hành lang pháp lý chưa hoàn thiện”.
Ông Trương Văn Phước
End of content
Không có tin nào tiếp theo