Những nông dân Mông tỷ phú nơi phên giậu của Tổ Quốc
Trong khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, những ngôi nhà người Mông xa xa như những vết chấm nhỏ nằm lọt thỏm bao quanh giữa thung lũng. Những tia nắng ban mai của sáng sớm xuyên qua làm sương trắng khiến một vạt rừng đỏ quạch như được tô điểm thêm sắc màu.
Từng đồi dứa, rừng chuối bạt ngàn xanh mướt được người Mông trồng trên những quả đồi dựng đứng như chực… đổ xuống, khiến những ai qua đây đều bày tỏ sự thán phục với những tỷ phú chân đất làm giàu từ chính mảnh đất nơi phên giậu của Tổ Quốc.
Khai hoang từ vùng đất chết
Con dốc dựng đứng, cheo leo bên vách núi, vượt qua những khúc cua tay áo, chiếc xe Minsk lấm lem bùn đất, gầm rú, phụt từng làn khói đen kịt mới “cõng” được chúng tôi đến vùng trồng dứa Cốc Phương, xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) ở nơi khởi thủy của dòng suối Na Lốc.
Ðến đầu trung tâm xã, những ngôi nhà cao tầng mới xây với đầy đủ tiện nghi, những chiếc xế hộp đắt tiền cũng đỗ ngay trước cửa làm cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay của xã biên cương đất nước.
Trong ngôi nhà đang được xây mới giữa bản Cốc Phương, gã trai bản người Mông Thào Minh kể lại, những năm 90 của thế kỷ trước, vùng đất này hoang vu, lau lách rậm rạp. Ðất đai rộng, có suối nước tự nhiên thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt nhưng không có đường đi nên bản bị ngăn cách với bên ngoài.
Ðất đai bỏ hoang không người khai phá, trong khi hằng năm cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, hàng chục, hàng trăm hộ gia đình người Mông ở vùng núi trơ đá, thiếu nước khắc nghiệt như Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu... lại kéo nhau di cư sang Lai Châu, Sơn La, thậm chí vào tận Tây Nguyên tìm vùng đất hứa, nhưng rồi lại thất vọng quay về. Và, cái đói nghèo, cuộc sống cơ cực cứ bủa vây bản làng hết ngày này qua tháng khác.
Nhả khói thuốc lào nghi ngút, mời chúng tôi bát rượu ngô thơm lừng, Thào Minh bảo, gia đình đang ở Dìn Chin, đói quá, vợ chồng bàn tính di cư đi nơi khác thì ông Hoàng Chúng, Chủ tịch huyện Mường Khương đến thăm và hỏi đất đai ở Cốc Phương rất rộng, sao không đến đấy làm ăn mà lại bỏ đi đâu?
Thế rồi, mất một ngày đường, Thào Minh cùng Chủ tịch huyện Mường Khương cắt rừng, băng qua nhiều con đèo, lội suối để đến được Cốc Phương. Nhìn đồi rộng, suối dài, lại giáp biên giới Trung Quốc thấy nước bạn trồng nhiều dứa, chuối xanh tốt, Thào Minh tự nhủ với ý nghĩ sẽ phủ xanh đồi bằng những cây dứa, rừng chuối.
Và, gã trai bản người Mông cùng các hộ dân khác lầm lũi cầm dao quắm lên đồi, đốn hạ từng bụi cây rậm rạp, xới những thớ đất có lẫn đá khiến cuốc xẻng bổ xuống cong queo, mẻ cả lưỡi. Thậm chí, có lần, họ còn đào được cả bom, đạn từ thời chiến tranh biên giới để lại.
Câu chuyện của chúng tôi ngược sang hướng khác khi gã trai bản vạm vỡ người Mông cầm cái cuốc và con giao quắm đi rừng về. Đó là Thào Diu, một trong 10 hộ gia đình đầu tiên có công khai hoang mảnh đất cằn cỗi và tiến hành thử nghiệm trồng các cây nông nghiệp làm giàu quê hương.
Dáng người đen sạm vì sương gió, rắn chắc, đôi mắt dại đặc trưng của người Mông, Thào Diu bảo, những năm 90, đồng bào nơi đây chỉ quen với cây lúa nương, cây ngô. Có năm mất mùa, đói quá, người dân chỉ còn biết rủ nhau đi làm thuê.
Không cam chịu đói nghèo, Thào Diu đã âm thầm học cách làm trồng cây mới trong những tháng ngày đi làm thuê. Anh không nhận tiền công mà xin được trả bằng những gốc dứa, buồng chuối rồi đem về trồng thử.
Vụ đầu tiên, năm 1991, hai gã trai bản người Mông trồng 30.000 gốc nhưng khi dứa chín, trời đổ mưa suốt tuần lễ, dứa bị thối hết. Trắng tay, Thào Minh và Thào Diu không nản, tính toán thời vụ trồng lại. Dứa chín đều, to quả, nhà máy đóng hộp cho người đến mua hết, hai người bán được hơn 10 triệu đồng.
Hai gã người Mông vội vã trở về quê cũ vận động họ hàng, bà con đến định cư ở vùng đất mới Cốc Phương. Thào Diu được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, tích cực vận động nhân dân trồng dứa thay làm lúa nương, sẵn sàng giúp giống, vốn và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người nghèo trong thôn bản trồng dứa để thoát nghèo. Vùng dứa Cốc Phương cứ thế xanh thêm và rộng dần ra.
Xây nhà lầu, tậu xe tiền tỷ
Theo con đường gồ ghề sát con suối Na Lốc, xe chạy hơn 1 giờ xuyên qua các rừng chuối xanh ngút chúng tôi tới bản Na Lốc 3. Bản vắng hoe. Thiếu tá Nguyễn Quốc Phong, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Bản Lầu cho biết: “Bà con đi làm hết rồi, ở bản chỉ còn người già và trẻ nhỏ thôi. Ai cũng ham việc kiếm tiền.”
Tới thăm đồi dứa của Thào Diu, luống dứa xếp hàng ngay sát ven đường, leo lên đồi cao, trườn xuống thung lũng ven suối, có chỗ bám vào lưng núi cao chót vót, lẫn trong mây, trải dài ngút tầm mắt một mầu xanh thẫm, lởm chởm lá răng cưa.
Ngừng tay hái quả, Thào Diu cười thật hiền: “Dứa cũng như con lợn thôi, cho ăn no mới béo. Phải làm cỏ, tỉa thưa, bón phân đúng cách cho chồi dứa phát triển tốt, thì vụ thu hoạch quả mới to, đều, nhiều nước, ngọt thơm.”
Theo Thào Diu, vụ này, nhà gã chỉ trồng có 200.000 gốc cả dứa và chuối, trong vòng từ 9-12 tháng thì sẽ được thu hoạch.
“Trừ tiền phân bón, công chăm sóc, mỗi năm thu lãi về được 300 triệu đồng. Thế nên, ở bản, sau vài vụ dứa và chuối thì ai cũng xây nhà lầu, tậu xe tiền tỷ để thụ hưởng cuộc sống sau những chuỗi ngày vất vả,” Thào Dìu thành thật nói.
Bản Lầu-thủ phủ dứa Lào Cai
Nhà Vàng Seo Dìn, 35 tuổi, tỷ phú người Mông trẻ nhất ở đây, nằm ở ven đường, ngay cạnh bãi chuối rộng. Căn nhà 2 tầng khanh trạng rộng rãi. Chỉ tay vào tổ ấm mới làm xong, Sèo Dìn nói: “Căn nhà này xây hết 600 triệu đồng từ năm ngoái. Còn chiếc ôtô đậu dưới kia mới mua đầu năm nay với giá gần 500 triệu đồng đấy. Nó như con ngựa thôi".
Nói về công việc thu hoạch nông sản và bao tiêu sản phẩm, gã trai Mông này thành thật bảo rằng, bây giờ người dân tộc ở đây đã sắm 'cái alô' đẹp lắm, tiền triệu đấy, từ bán dứa mà. Tiện lợi lắm, bẻ dứa, cho vào lù cở tập kết xuống cạnh đường kia xong, alô một cái là chủ hàng từ thành phố Lào Cai đánh xe tải vào cân hàng, trả tiền. Lại còn biết được giá cao hay thấp để bán dứa khỏi thiệt'.
Mùa thu hoạch, từng đoàn xe tải biển số Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa chạy rầm rập, nối nhau chờ “ăn” hàng, làm dậy lên sức sống của một vùng biên giới. Sáu thôn biên giới của Bản Lầu giờ ngát xanh mầu dứa, trở thành “thủ phủ” dứa của Lào Cai.
Theo ông Ðỗ Duy Phiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Lầu cho biết, địa phương đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, dựa trên những lợi thế sẵn có, biến cái khó thành cái thuận, khai thác cao nhất hiệu quả kinh tế đất đai và sức lao động của người dân. Toàn xã có hơn 300 hộ, chiếm khoảng 50% số hộ thoát nghèo và giàu lên nhờ trồng dứa, nhiều gia đình có thu nhập hằng năm từ 80 đến 300 triệu đồng.
“Bản Lầu đã có vùng dứa hàng hóa hơn 500 ha, chất lượng tốt, với năng suất đạt tới 20 tấn/ha, hằng năm cung cấp cho các nhà máy chế biến đóng hộp và quả ăn tươi cỡ 8.500-10.000 tấn, đem về cho người dân nơi đây hàng chục tỷ đồng. Sáu thôn không còn hộ nghèo, rất nhiều hộ giàu, đời sống người dân vùng biên giới đang ngày càng khởi sắc,” ông Phiên khẳng định./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024