Những ông chủ con miệt thị quyền tài sản
Trên cơ sở những quy định của pháp luật và sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền, chắc chắn vụ việc ở Tiên Lãng sẽ được giải quyết công bằng, hợp lý. Thế nhưng phải thấy rằng vụ việc ở Tiên Lãng không phải là trường hợp cá biệt. Trên thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự.
Duy trì quá lâu cơ chế tạo sự lạm quyền
Theo quy định của Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai 1987, 1993, 2003, đất đai ở Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức… được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ là người có quyền sử dụng đất. Với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước có thể lấy lại quyền sử dụng đất của họ thông qua hoạt động thu hồi đất.
Hiện trên thế giới còn nhiều nước chỉ thừa nhận một hình thức sở hữu duy nhất đối với đất đai. Ở Anh và các nước thuộc Vương quốc Anh, đất đai, về nguyên tắc thuộc sở hữu của Nữ hoàng. Ngay cả ở những nước thừa nhận nhiều hình thức sở hữu đối với đất đai thì diện tích đất thuộc sở hữu nhà nước vẫn chiếm một tỉ lệ lớn so với đất thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, ở những quốc gia này trong quá trình thực hiện quyền sở hữu đất đai của nhà nước không xuất hiện tình trạng như ở Việt Nam. Theo xu hướng tiếp cận quyền sở hữu hiện đại, việc đất đai thuộc sở hữu của ai không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là ai đang là người trực tiếp chi phối, kiểm soát chúng.
Như vậy, vấn đề cần bàn không phải ở chỗ đất đai thuộc sở hữu duy nhất của nhà nước mà là ở cơ chế thực hiện quyền sở hữu. Nhà nước là chủ sở hữu đất đai nhưng đồng thời cũng là chủ thể của quyền lực công. Nhà nước đã sử dụng quyền lực công như một công cụ để thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu.
Ví dụ: Việc nhà nước giao đất, cho thuê đất là hoạt động xuất phát từ quyền sở hữu nhưng quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại là quyết định hành chính. Chính vì vậy mối quan hệ giữa nhà nước với người sử dụng đất là quan hệ bất đối xứng. Điều này càng trở lên trầm trọng khi các cơ quan nhà nước lạm dụng quyền lực công để thực hiện quyền tài sản. Mặt khác, tuy là chủ sở hữu đất đai nhưng bản thân nhà nước cũng là một chủ thể trừu tượng và không thể là chủ thể của những quan hệ pháp luật đất đai cụ thể mà phải thông qua những cơ quan nhà nước. Đến lượt những cơ quan này, họ lại phải thông qua những cá nhân hoặc nhóm cá nhân có thẩm quyền. Cơ chế này có thể dẫn đến tình trạng những tập thể, cá nhân có thẩm quyền lợi dụng quyền hạn được trao để định đoạt đất đai vì lợi ích cục bộ, vi phạm lợi ích của người sử dụng đất.
Không thể hở chút là thu hồi
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền sử dụng đất của người sử dụng đất là quyền tài sản và được bảo vệ như quyền sở hữu (Bộ luật Dân sự 2005). Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đất đai thì đất đai vẫn chưa được đối xử như quyền tài sản. Nếu quyền sử dụng đất là quyền tài sản, về nguyên tắc nó là tài sản của người sử dụng đất, khi Nhà nước cần lấy lại quyền sử dụng đất của người đang sử dụng để sử dụng vào mục đích chung thì phải nhận chuyển nhượng, trưng mua, trưng dụng theo Điều 23 của Hiến pháp 1992 và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản mà không nên thu hồi như hiện nay. Ngoài ra, trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn giữa Nhà nước với người sử dụng đất thì phải giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự theo đúng bản chất của tranh chấp về tài sản.
Trong vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng, khi ông Vươn không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND huyện, theo quy định của pháp luật hiện hành, ông phải khiếu nại đến chính UBND đã ra quyết định thu hồi. Vậy là UBND vừa là người đại diện chủ sở hữu trong mối quan hệ tài sản với ông Vươn, vừa là người có hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của ông và đồng thời cũng là cơ quan tài phán.
Xem nhẹ lợi ích của người sử dụng đất
Nhận thức của người thi hành pháp luật cũng là một nội dung cần bàn đến. Phát biểu của một số quan chức trong vụ việc ở Tiên Lãng được đăng tải trên báo chí cho thấy nhận thức của một số quan chức địa phương còn có biểu hiện lệch lạc, phiến diện theo hướng miệt thị, xem nhẹ lợi ích của người sử dụng đất. Chẳng hạn, họ coi ông Vươn là dân ngụ cư, cho rằng ông Vươn sử dụng nhiều đất là thiếu công bằng hoặc thu hồi đất là để tránh Nhà nước phải bồi thường khi thực hiện dự án xây dựng sân bay… mà không căn cứ vào chủ trương phát triển kinh tế trang trại, tích tụ và tập trung ruộng đất của Đảng và Nhà nước, không căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành. Theo nguyên tắc pháp chế, các cơ quan nhà nước không thể vì lý do công bằng mang tính hình thức, vì lý do bảo vệ quyền lợi của Nhà nước để vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
TS PHẠM VĂN VÕ, Chủ nhiệm bộ môn Luật Đất đai-Môi trường ĐH Luật TP.HCM
Công chức nắm quyền định đoạt: Trái quy luật!
Vụ Tiên Lãng chỉ là giọt nước tràn ly của cơ chế quản lý nhà nước về đất đai không phù hợp với quy luật kinh tế, mà nguyên nhân sâu xa là do không giải quyết một cách triệt để vấn đề kinh tế khi tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân vào những năm 1980.
Từ chế định này, các cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ có thẩm quyền, ngoài việc thực hiện quyền năng của nhà nước, quản lý hành chính, bảo vệ tài nguyên, tài sản đặc biệt của quốc gia, họ còn thực hiện quyền năng của chủ sở hữu (đại diện quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân).
Cơ quan hành chính nhà nước được trao quyền quản lý một loại tài sản vô giá, có giá trị kinh tế cao nhưng pháp luật lại không tách bạch đâu là quản lý mang tính mệnh lệnh hành chính, đâu là quản lý tài sản. Cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ có thẩm quyền được quyền quyết định việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và quyết định cả việc giá cả của nó như thế nào trong việc thu tiền sử dụng đất, thuê đất và cả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác. Việc trao quyền này cho công chức nhà nước là trái với quy luật kinh tế, tạo ra kẽ hở cho họ tham nhũng, họ lợi dụng quyền lực nhà nước để phục vụ lợi ích của một nhóm người.
“Rừng” luật gây mù mờ Việc người thực thi pháp luật phải ngập mình trong cả một “rừng” văn bản để lựa chọn văn bản áp dụng cho từng trường hợp quả là công việc khó khăn và rất dễ xảy ra tình trạng áp dụng sai. Việc nhầm lẫn càng trở lên nghiêm trọng khi những quy định của pháp luật không chỉ quá nhiều mà về nội dung còn có nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn. |
Cũng từ chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên Nhà nước không “bán đất” cho người sử dụng; Nhà nước chỉ giao đất hoặc cho thuê đất. Để có quyền sử dụng, người có nhu cầu sử dụng đất (trừ các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi) phải bỏ ra một khoản tiền trả cho Nhà nước (chủ sở hữu) để được quyền kinh doanh trên mảnh đất đó trong một thời hạn nhất định. Đáng lưu ý là quan hệ “mua - bán” này lại hoàn toàn bất bình đẳng. Giữa người “mua - bán” không có quyền thỏa thuận như các quan hệ tài sản khác, không phải người có nhu cầu muốn mua là mua được và cũng không có quyền “trả giá”. Tất cả đều phụ thuộc vào quyết định của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ có thẩm quyền.
Hiện pháp luật đất đai chỉ mới mở rộng quyền cho người sử dụng đất trong mối quan hệ giữa họ với nhau khi thực hiện quyền giao dịch. Ngược lại, các quy định của pháp luật áp dụng cho mối quan hệ giữa Nhà nước - chủ sở hữu với người sử dụng đất lại đẩy người dân vào thế bất lợi. Các quyết định hành chính, mệnh lệnh hành chính đang là công cụ duy nhất điều chỉnh mối quan hệ về tài sản trong trường hợp này. Ngay cả việc để có quyền sử dụng đất theo quy hoạch chủ sở hữu cũng không bỏ tiền ra để bồi thường, giải phóng mặt bằng mà người có nhu cầu sử dụng phải ứng tiền trước để bồi thường; sau đó Nhà nước - chủ sở hữu sẽ quyết định số tiền ứng trước được khấu trừ bao nhiêu trong số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải trả. Chính điều này đã đưa đất đai là loại tài sản đặc biệt vào thế độc quyền.
Luật sư NGUYỄN THỊ CAM, UV BCH Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Theo PL.TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo