Những phận đời neo mình bên kênh rạch
Họ cũng là thị dân Sài Gòn, ngày tất bật mưu sinh, đêm về chui rúc trong những “ngôi nhà” chật hẹp, lạnh lẽo… Cuộc sống của họ gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Nỗi lòng thị dân kênh rạch
Có nhiều nguyên nhân khiến người ta phải sống đời “tạm cư” bên kênh rạch. Có thể vì đã cám cảnh đời sông nước thương hồ, muốn tìm đất lành để dừng chân. Cũng có người vì kiếp đỏ đen mà đánh mất tương lai của chính mình. Hay từ một người có nghề nghiệp, có nhà cửa bỗng chốc trở thành kẻ vô gia cư… vì những chuyện không đâu từ trên trời rơi xuống.
Một ngày đầu tháng 9, Sài Gòn đổ mưa sớm. Người đàn ông bước thấp bước cao hì hục gia cố lại mái vòm chiếc ghe rách bươn, trống huơ trống hoác neo đậu bên rạch Đỉa (huyện Nhà Bè). Tên cúng cơm của ông là Nguyễn Văn Nhì, tên thường gọi là 3 Đế. Hỏi quê quán, ông lắc đầu, không biết. Hỏi tới nữa thì ông bảo: “Nghe người ta nói cha mẹ tôi quê tận Châu Đốc, An Giang. Còn làng, xã nào thì tôi đành chịu. Cha mẹ chết vì lũ cuốn từ lúc tôi lên 4”. Một người bạn của cha ông cưu mang, nuôi nấng rồi đặt cho ông cái tên Nhì từ ngày định mệnh ấy. Ông này có một người con trai tên Nhất. “Còn cái tên 3 Đế?” - tôi hỏi. “Tôi uống rượu nhiều nên họ gọi tôi vậy”.
Trở lại chuyện “ngôi nhà” của ông Nhì. Đó là một chiếc ghe có tuổi đời quá nửa tuổi ông, tôi đoán thế. Để đặt “nhà” bên kênh rạch Đỉa, ông phải mất hơn một tuần canh con nước lớn để lai dắt ghe từ rạch Trắng (huyện Bình Chánh) về đây. Ghe không hoạt động được đơn giản vì không có động cơ, mọi chi tiết cũng đã có dấu hiệu rệu rã. “Hồi mới mua cũng ngon lành lắm, 3 cây vàng chứ có ít đâu. Một thời gian sau máy “bệnh” tùm lum, kêu thợ đến sửa nói giá cao hơn giá trị chiếc ghe”.
Nghĩ đến chuyện bán ghe nhưng vì người ta trả giá gỗ mục, hơn nữa ông cần một chỗ để ngả lưng nên quyết giữ nó cho đến hôm nay. Thế là ông cho ghe nằm ụ và hàng ngày lội kênh, sông, rạch thả lưới bắt cá đổi gạo. 3 Đế là người có thâm niên gửi mình nơi con rạch nồng nặc mùi tanh tưởi này. Đầu những năm 2000, ông đã đưa ghe về đây.
Từ đường lộ, muốn sang “nhà” của ông phải gửi xe ở nhà dân rồi đi bộ hơn 400m mới có đường đến. “Trước tôi ở “mặt tiền” đàng hoàng, nhưng chính quyền địa phương không cho phép neo đậu vì cản trở luồng lạch, yêu cầu tôi đi ra xa. Biết chỗ nào mà đi, hơn nữa chiếc ghe này đã “xuống cấp” hơn cả tôi, đi sao được. Tôi phải kéo nó qua đây” - ông nói.
Khi con nước lớn, chúng tôi có cảm giác như “nhà” nằm tựa vào dải đất ven rạch. Nhưng lúc nước ròng, “nhà” ngả nghiêng như chực ngã nhào xuống. Thấy khách có vẻ ái ngại vì “nhà” chông chênh, ông 3 Đế trấn an: “Nó ngã là ngã từ lâu rồi. Chấp chục người như chú lên nhún cũng chẳng ăn thua gì”. Ông nói đúng, dẫu con nước có lớn cũng chẳng cần phải dùng dây neo ghe, bởi nó đã “cắm” sâu dưới bùn nhiều năm nay rồi.
Ước mơ cho đời sau
Sau ông 3 Đế, nhiều mảnh đời thương hồ cám cảnh cuộc sống sông nước cũng đã chọn rạch Đỉa làm chốn dừng chân. Gần cả cuộc đời lênh đênh sông nước, từ những con rạch nhỏ ra con sông lớn, chẳng mấy ai có được cuộc sống ấm no, sung túc. “Đến khi chồn chân mỏi gối thì phương tiện mưu sinh cũng là nhà, mà là nhà đã mục nát. Cũng đành chấp nhận vì không thể để con cái khổ như mình. Chúng nó cần có cái chữ” - ông Bá, “hàng xóm” của ông 3 Đế nói. Lý do mà ông Bá phải neo ghe cũng là lý do của những mảnh đời cùng cảnh.
Hàng xóm thân tình và cũng là bạn rượu của ông Bá, ông 3 Đế còn có anh Thành. Trông bề ngoài đen đúa, hom hem, gò má xương xẩu, khó mà tin được anh vừa bước sang cái tuổi 40. Thành ít nói, họa hoằn lắm mới thấy nhoẻn miệng cười. Dù Thành giấu khư khư cái quá khứ đáng nguyền rủa với anh, nhưng ông 3 Đế huỵch toẹt: “Con ma đề hại nó. Từng theo ghe chở trái cây từ Vĩnh Long lên kênh Tẻ bán, nhưng vì đam mê cờ bạc mà sự nghiệp tiêu tan”. Thành ngồi cúi gằm mặt, chẳng buồn uống khi ly rượu vòng đã đến. Ông 3 Đế nhắc: “Uống đi, suy nghĩ cái quái gì. Tự mình gây ra thì mình phải gánh lấy. Tụi tao đã có tuổi, đi xin việc làm chẳng ai nhận. Mày còn trẻ, cơ hội làm lại cuộc đời vẫn còn đó”.
Ngược về hướng trung tâm Sài Gòn, bên con rạch Bàng (quận 7), một “ngôi nhà” cũng được dựng dã chiến từ chiếc ghe nhỏ. Nơi ấy đã che nắng, che mưa cho 5 con người. Chủ nhân của “ngôi nhà” ấy là ông Lê Văn Đực, đến từ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Là người con xứ biển với ba đời sinh sống bằng nghề đánh bắt cá nhưng ông Đực đành phải trôi dạt lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Răng rụng gần hết, miệng móm mém điếu thuốc rê, ông chia sẻ: “Tôi rời làng biển, lang bạt kỳ hồ khắp nơi nhưng vẫn theo nghề đánh lưới.
Đến ngày nọ, chiếc ghe đổ bệnh, không thể ngược xuôi. Nghĩ về quê thì chẳng biết làm gì để nuôi 5 miệng ăn. Trong khi nhà không có, đất trồng trọt lại càng không. Tôi bàn với bả (tức vợ ông, bà Nguyễn Thị Vĩnh - PV) lên Sài Gòn, tấp vào chỗ nào đó mà nương tựa”. Từ cái ngày đó đến nay cũng đã ngót 7 năm rồi. Một ngôi nhà đơn độc nằm nép mình dưới lùm dừa nước ven kênh, chỉ cách đường Nguyễn Hữu Thọ vài bước chân.
Nhờ có “địa thế” tốt, mỗi ngày sau khi đi bán vé số về, ông Đực thường mang theo bao nylon, gỗ tạp… về che chắn, chăm chút góc “nhà” của mình thêm tươm tất, gọn gàng. Ông Đực chỉ tay về phía bụi lùm phủ kín bởi dừa nước và lau sậy, nói: “Góc đó là bếp. Còn đây là phòng khách. Còn chỗ ngủ là ghe”. Ông cất giọng hài hước: “Có cửa lớn, cửa sổ hẳn hoi chứ chẳng phải đùa, bốn mùa lồng lộng gió. Đêm xuống hoặc trời mưa là thả bạt xuống, ngày nắng thì cuốn lên”.
Có được chốn “dựng nhà” như bây giờ, ông Đực đã lặn lội “tiền trạm” hết con rạch này đến con kênh khác. Trước đó, gia đình ông cũng đã chuyển tới chuyển lui cả chục nơi, nhưng rồi phải dọn đi vì đất không lành. Ông Đực hóm hỉnh, lạc quan: “Sau bao nhiêu năm sống cảnh lênh đênh sông nước, bây giờ cũng có cuộc sống yên ả. Ở đây chẳng có xóm giềng, chỉ có côn trùng là bầu bạn”.
Từ ngày “tạm cư” bên con rạch Bàng, ông Đực đi bán vé số. 4 đứa con lớn của ông, đứa đã tìm được việc làm ở Khu chế xuất Tân Thuận, đứa đi phụ hồ. Nhắc đến các con, bà Vĩnh trải lòng: “Đâu có đứa nào học hành đến nơi đến chốn, chỉ học được mấy chữ ở lớp học tình thương rồi xin đi làm. Con biết đọc biết viết là khá hơn cha mẹ rồi. Tụi nó cứ đòi về đây ở với chúng tôi nhưng làm sao được, đến tuổi lấy chồng rồi, phải thuê nhà ở đàng hoàng. Hơn nữa, sống kênh rạch thế này khó mà tránh khỏi những bất trắc”.
Dẫu không còn nặng chuyện cơm áo gạo tiền cho các con, nhưng vợ chồng ông Đực vẫn chọn nơi đây làm chốn ngả lưng. Như lời ông: “Mình mơ ước nhiều lắm, nhưng toàn là những gì viển vông. Thôi thì cứ sống đến ngày nào hay ngày ấy, chừng nào không thể tự đi lại mưu sinh thì hẳn nương nhờ con cháu. Được sống ở nhà trọ, được tắm rửa, giặt giũ bằng nước sạch ai mà không muốn. Nhưng nói thật, vợ chồng tôi đã quen sống thế này, “ghiền” cái mùi tanh tưởi của sình lầy, tiếng muỗi mòng bên tai suốt đêm rồi”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam