Tin tức - Sự kiện

Những phong tục đẹp của người Việt ngày Tết

Những ngày Tết đang đến rất gần với người Việt Nam. Đối với người Việt chúng ta, phong tục đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của mỗi gia đình.

Tiễn ông Công ông Táo về trời

Ông Công được coi là thần giữ nhà và biểu tượng của ông là cây nêu ngày tết. Ông Táo là vị thần cai quản việc bếp núc trong gia đình. Sau một năm làm việc, ngày 23 tháng chạp, các vị thần này sẽ  tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. 

Lễ cúng ông Táo về trời. Ảnh: Internet

Vào ngày này, người Việt sẽ làm một mâm cơm và bao gồm các lễ vật bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Ba con cá chép sống. Cá chép sẽ là phương tiện giúp các vị thần này về với thiên đình. Phong tục đẹp ngày tết này với ý nghĩa tâm linh rất lớn. Điều này sẽ luôn mang mọi điều tốt lành cho gia chủ trong suốt một năm tới, theo tin tức trên báo VTC.

Gói bánh chưng, bánh tét

Tục gói bánh chưng đã tồn tại từ thời đại vua Hùng. Và trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây, phong tục gói bánh Chưng dâng lên tổ tiên vẫn được giữ gìn. 

Bánh chưng độc đáo từ nguyên liệu tới cách gói đã là một sợi dây kết nối tình thân trong gia đình. Những thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau quây quần gói bánh chưng, luộc bánh trong suốt 10 tiếng đồng hồ bên bếp lửa hồng. Mâm cỗ ngày tết làm sao có thể thiếu được vị bánh này.

Gói bánh chưng bánh tét ngày Tết. Ảnh: Internet

Bánh chưng phổ biến tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Đến với miền Nam bánh tét được thay thế cho bánh chưng. Nguyên liệu, màu sắc hương vị không khác bánh chưng là mấy nhưng hình dáng được thay thế bằng hình trụ tròn.

 

Chơi hoa

Mỗi dịp xuân về, chúng ta đều đón Tết vào đầu năm mới âm lịch. Không khí Tết thực sự bắt đầu vào rằm tháng chạp. Ai trồng hoa bích đào (miền Bắc) và mai (miền Nam) đều biết ngày này, ngày mà người ta phải bứt bỏ lá để cho hoa trổ bông đúng ngày mồng một Tết.

Không phải ai cũng làm công việc này vì tính chuyên nghiệp trồng hoa cảnh rất cao, tuy nhiên, chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết là một truyền thống, và để hoa nở đúng ngày mồng 1 Tết thì duy nhất có ở Việt Nam.

Miền Bắc thường mua đào ngày Tết. Ảnh: Internet

Nếu như người Nhật tự hào về bonsai thì người Việt Nam tự hào về chơi hoa. Nhưng đáng tiếc có một số loài hoa quý như thủy tiên, hoa quỳnh, thường được giới thượng lưu ngày xưa xếp vào loại hoa đón Tết cao cấp, xem hoa nở để đoán vận may, thì đến nay hầu như không còn mấy ai biết đến trong ngày Tết. 

Miền Nam thường dùng hoa mai. Ảnh: Internet

Thời gian thay đổi thì các thú vui ngày Tết cũng có những đổi thay, song truyền thống hoa Tết đại chúng ở Việt Nam ngày nay còn có thêm nhiều loại như hoa lan, hoa cúc, hoa tulíp… được phát triển từ trong nước và du nhập từ nước ngoài vào, báo VnExpress đưa tin.

 

Đi chợ Tết, xin chữ về thờ

Đi chợ Tết ngày xưa chủ yếu là mua lá dong, mua thịt, mua hành để về gói bánh chưng. Ngoài ra, người ta không quên qua cổng chợ xin thầy đồ mấy chữ về thờ vì ngày xưa đa phần không biết chữ nên mới có phong tục thờ chữ trong nhà để mơ ước con cháu sau này được học hành, làm ăn phát đạt.

Xin chữ Tết. Ảnh: Internet

Chữ được chọn để thờ thường là chữ Tâm, Phúc, Đức… Phong tục thờ chữ ngày nay đang được phục hồi bằng thư pháp thể hiện một dân tộc hiếu học trong lịch sử và hôm nay.

Đón giao thừa

Giao thừa là lúc chứng kiến trời đất gặp nhau. Khi trời đất gặp nhau sẽ toát ra một linh khí mà ai lúc đó được chứng kiến sẽ thấy trào dâng cảm xúc. Đón giao thừa bao giờ cũng cúng ngoài trời, có thể cúng mặn hoặc cúng hoa quả. Cùng với việc cúng giao thừa này, trên bàn thờ trong nhà bao giờ cũng có ngũ quả gồm chuối (chuối tiêu), bưởi, bòng, cam quýt.

 

Mâm ngũ quả. Ảnh: Internet

Ở miền Nam thờ trái theo ngôn ngữ nên thường có ngũ quả gồm mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc) hoặc dứa (thơm); đó là cầu - vừa - đủ - xài - sung hoặc cầu - vừa - đủ - xài - thơm.

Xông đất mồng 1 

Xông đất có thể là chọn người từ trước và người được chọn sẽ đến vào lúc sớm nhất trong năm. Xông đất được tính từ lúc sáng sớm (mặt trời hé rạng) và trong ngày mồng một. Người kỹ tính không đến thăm nhà khác vào ngày mồng một, nhất là người còn để tang người thân. Cũng có người chọn sự ngẫu nhiên trong việc xông nhà để chiêm nghiệm trong năm. 

Nên đọc
Trung Hùng (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo