Phân tích

Những thuận lợi và cơ hội của Việt Nam khi vào TPP

(DNVN) - "Tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế", Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết.

Chiều nay 9/10, Bộ Công Thương tổ chức buổi gặp mặt cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã đưa ra những thuận lợi và cơ hội cho Việt Nam khi vào TPP. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ với báo chí.

Về mặt kinh tếThứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, , theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước TPP. Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada đang giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. 

Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới. 

Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tang.

Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.

Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. 

 

Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ  cao hơn.

Thứ trưởng ngành Công thương cũng cho biết, cam kết theo TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực tong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng khi Hiệp định TPP có hiện lực. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của Việt Nam cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này không lớn do khả năng cạng tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài còn thấp. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... 

Thứ trưởng Khánh dẫn số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công của các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhận định, cũng như tham gia Tổ chức Thương mại Thế giớ (WTO), tham gia TPP, một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của nước ta, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đây cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. 

 

Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, ví dụ như sản xuất dược phẩm, trong đó có thuốc sinh học (đặc biệt là với vắc-xin và một số sản phẩm ta có bước phát triển mạnh trong các năm qua).

Về mặt xã hội, Thứ trưởng Quốc Khánh cho biết, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Do nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước TPP chưa có FTA với Việt Nam phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên nếu có một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an ninh xã hội, ta có thể xử lý các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia TPP. 

Đặc biệt, do Hiệp định TPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp ta tăng trưởng bền vững hơn.

Về thể chế, tương tự như WTO, Hiêp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo