Tin tức - Sự kiện

Những tỉ phú giữa rừng xanh

Đổi 20kg sâm Ngọc Linh lấy một chiếc ôtô, bỏ ra 200 triệu đồng để học lấy bằng lái xe, nhưng mọi thứ phải gửi lại miền xuôi rồi leo dốc về làng hơn ba giờ đi bộ.

Vua sâm Ngọc Linh Hồ Văn Du - Ảnh: Tấn Vũ

 

Sở hữu hàng chục hecta sâm Ngọc Linh trị giá đến cả chục tỉ đồng nhưng cuộc sống vẫn nơm nớp trong âu lo. Tạo việc làm, tặng sâm giống cho người ăn trộm...

 
Trên núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam có nhiều tỉ phú sâm rừng vô cùng hào sảng.
 
Đổi sâm lấy ôtô
 
Ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, chỉ người đàn ông to lớn, tuổi ngoài 50 đu đưa trên chiếc võng trước lều của chúng tôi bảo: “Vua sâm trên đỉnh Ngọc Linh đấy! Tìm hiểu về sâm Ngọc Linh cứ hỏi ông ấy”. Tên ông là Hồ Văn Du, người nổi tiếng trong việc trồng sâm, kỹ thuật canh tác trên đỉnh núi này.
 
Ông Du kể chuyện trở thành tỉ phú và việc trồng sâm đến với ông khá bất ngờ. Sâm Ngọc Linh hiện giờ có rất nhiều loại với giá cả khác nhau tùy theo độ tuổi. Loại củ nhỏ, ít tuổi giá 20 triệu đồng/kg, loại 7-10 năm tuổi giá khoảng 40-50 triệu đồng/kg. Nhưng trước đây vào năm 1984, loại sâm rừng này người dân cõng thành từng gùi về biếu nhau hoặc bán cũng chỉ với giá khoảng 20-30 đồng/kg.
 
“Từ khi những nhà khoa học ở Hà Nội vào cuộc, khám phá ra sự kỳ diệu của loại sâm này mọi thứ bắt đầu rục rịch. Tôi thấy vậy mang thử mấy gốc về trồng, bón phân bằng thân cây mục. Ai ngờ sâm sống được và phát triển nhanh” - ông Du kể.
 
Khi sâm rừng ngày càng cạn kiệt, việc trồng sâm của ông Du cũng bắt đầu mở rộng. Qua 35 năm ăn ngủ cùng sâm rừng, ông tự khoanh vùng từng cánh rừng cho riêng mình rộng gần chục hecta ở độ cao 1.500m trên đỉnh núi để trồng sâm.
 
Ông Du cho biết mỗi hecta ít nhất phải được 50.000 cây sâm cắm xuống. Không những tự mình trồng, ông Du còn mở rộng và khuyến khích người dân trồng sâm bằng cách cho cây giống và hướng dẫn bà con trong làng cùng trồng.
 
“Nhà nào nghèo khó mình cho cây giống để họ trồng. Mình có tiền thì bà con cũng phải được chút ít” - ông Du chia sẻ. Bây giờ gia sản của ông Du là gần 200.000 gốc sâm có thể thu hoạch, ước tính đến 6,5 tấn có giá trị đến hàng trăm tỉ đồng.
 
Một tỉ phú khác nổi tiếng không kém ông Du ở đỉnh Ngọc Linh là Hồ Văn Hình. Sở hữu nhiều hecta sâm trong cánh rừng già, ông Hình thuê nhân công xây hẳn một căn nhà ở lưng chừng trời để canh giữ. Đắp một thủy điện nhỏ để cung cấp điện, tivi, tủ lạnh và các thiết bị điện tử trang bị đầy đủ để phục vụ hàng chục công nhân trồng sâm cho mình.
 
“Mua bán mệt. Mình đổi 20kg sâm để lấy ôtô. Thích ôtô lắm. Bỏ thêm gần 6kg nữa để lo ăn học lấy bằng lái xe. Nhưng không có đường đi, xe phải gửi ở huyện rồi đi bộ về nhà vì không có đường để chạy” - ông Hình cười nói.
 
Có nhiều tiền nhưng khó mua vui giữa núi rừng thăm thẳm, ông Hình tiếp tục đổi 10kg sâm để thuê máy đào, xe múc, đào hẳn mấy ao cá trước hiên nhà. Ông cười bảo: “Đào ao cho vui vậy chứ nuôi cá không lớn. Ở đây lạnh nên khó nuôi lắm. Cứ vào rừng ăn ngủ với sâm nên mọi thứ thành bỏ hoang hết rồi”.
 
Ông Hồ Quang Bửu tâm sự ở Ngọc Linh có rất nhiều tỉ phú sâm nhưng đa số đồng bào giấu kín sự giàu có của mình. Chỉ những người ruột thịt trong gia đình mới biết chính xác số lượng sâm trong nhà là bao nhiêu. Cánh rừng sâm người nào trồng người nấy biết.
 
Rừng sâm gần như là lãnh địa riêng và bất khả xâm phạm. “Tính mỗi hecta 1,5 tấn sâm, giá mỗi ký sâm loại tệ nhất cũng 20 triệu đồng. Một hecta người dân có khoảng 30 tỉ là ít. Chưa kể loại sâm lâu năm giá cao gấp nhiều lần” - ông Bửu nói.
 
Một gốc sâm Ngọc Linh - Ảnh: Tấn Vũ
 
Cho sâm người trộm
 
Người trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh ngán ngẩm loài chồn dơi và những con chuột lông màu đỏ. Chúng rất thích ăn củ sâm và tàn phá một cách khủng khiếp. Những con chồn có cánh như dơi bay lượn trên các cành cây rồi chúi xuống cào đất mang củ sâm bay đi mất. Những con chuột leo thoăn thoắt qua các hàng rào đào đất thành từng hang trong các luống sâm nằm nhai củ.
 
Để bảo vệ cây sâm của mình, người dân phải rào bằng lưới thép, giăng bẫy chồn quanh các cánh rừng sâm.
 
Nhưng người dân sợ nhất vẫn là nạn trộm sâm. Giữa các cánh rừng mênh mông rộng gần chục hecta nên việc canh giữ sâm vô cùng khó. Ông Hồ Văn Du lắc đầu bảo: “Sợ lắm. Những thanh niên “nằm vùng” một đêm đào một balô gần 50kg thôi mình mất gần cả tỉ rồi. Rừng núi mênh mông biết đâu mà tìm. Bó tay”.
 
Ông Du kể rằng để canh giữ sâm, cánh rừng của ông gài đủ thứ bẫy từ chông, thò, lối vào chỉ vỏn vẹn bằng bàn chân, người lạ không cách nào vào được vậy mà sâm vẫn mất. “Chúng đi vào như đặc công, nằm im dưới lớp lá mục, cẩn trọng gỡ từng cây chông rồi tiến vào những luống sâm nhổ một cách lặng lẽ. Những cây sâm sát lều mình vẫn mất” - ông Du ngao ngán.
 
Ông Hồ Văn Hùng, chủ một trại sâm, kể năm 2010 sâm của ông bị trộm nhiều nên bẫy và chông phải kín trong khu rừng của mình. Trong lúc chăm cây vợ ông vô tình bị cây chông xuyên ngang bắp chân do chính cây chông ông đã cắm.
 
“Máu ra như suối. Tôi lôi vội hai củ sâm nhai nhỏ, đắp vào vết thương rồi cõng vợ vượt rừng gần ba giờ mới về đến trung tâm y tế huyện, rồi xuống tận TP Tam Kỳ để phẫu thuật rút chông ra” - ông Hùng kể. Chưa hết, vết thương bị nhiễm trùng phải chuyển vợ ra Hà Nội chữa trị. “Mất gần 30 ký sâm vợ mình mới lành bệnh. Hôm nay thì khỏe rồi, khỏe hơn cả mình, tất cả nhờ sâm đấy!” - ông hồ hởi khoe.
 
Thiếu tá Đinh Việt Trung, trưởng Công an huyện Nam Trà My, cho biết chính vì giá trị quá lớn của cây sâm nên vấn nạn trộm cắp làm đau đầu các cơ quan an ninh. Để đi đến được vùng bị trộm sâm công an huyện phải đi bộ, nơi gần nhất cũng mất bảy giờ leo núi. Đi đến nơi thì vết tích của vụ trộm đã mất hoàn toàn. Mai phục hàng tháng trời, cử trinh sát theo dõi, ăn nằm luôn trong các cánh rừng sâm mới bắt được các đối tượng này.
 
“Những thanh niên bản địa chạy trong rừng già nhanh như con sóc, còn biết cách dùng cả chứng minh nhân dân giả để qua mặt công an. Đa số là vị thành niên nên xử lý khó vô cùng” - thiếu tá Trung nói.
 
Thiếu tá Trung kể sau khi nhiều vụ trộm được phanh phui, người dân làng Tắk Lang, làng Măng Lùng quyết định họp dân. Cuộc họp có cả già làng, chính quyền và công an huyện. Những tỉ phú sâm đưa ra một quyết sách hết sức lạ lùng là: cho sâm người trộm!
 
Theo đó, những vị thành niên chưa đủ tuổi nếu chịu ăn năn hối cải các tỉ phú này sẽ cho hẳn một 1.000 gốc sâm, cho cả cánh rừng để tự trồng, hướng dẫn cách canh tác rồi thu hoạch. “Những thanh niên đào trộm sâm ngày nào đứng rơi nước mắt tại cuộc họp hội đồng làng.
 
Già làng thì bảo dùng luật tục để phân xử nhưng mình không cho phép bởi đã có luật pháp rồi. Điều bất ngờ là giữa núi rừng này còn có nhiều cách hành xử rất nhân văn mà không phải nơi nào cũng có” - thiếu tá Trung nói.
 
 
Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo