Tin tức - Sự kiện

Những việc cần làm ngay với ngư dân Việt

Năm Giáp Ngọ qua đi với biết bao sóng gió với người ngư dân Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm để giúp đỡ những "cột mốc sống" trên biển ấy

Năm cũ của ngư dân Việt

Năm Giáp Ngọ 2014 là một năm đầy vất vả, bao biết cố với người ngư dân Việt Nam.

Ngoài những khó khăn mang tính truyền thống như thiên tai bão gió, hạn chế về công nghệ khai thác, đi biển, không tìm thấy đầu ra cho sản phẩm, giá sản phẩm thấp... Thì người ngư dân gặp thêm một biến cố đầy bất ngờ: hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo Việt Nam từ phía Trung Quốc.

Không cần nhắc, chúng ta vẫn nhớ như in những tháng ngày tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam phải đương đầu với tàu quân sự, tàu hải giám, hải cảnh, với máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu... của Trung Quốc khi họ mang giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa để khoan thăm dò.

Thời gian đó cũng là cuộc đấu sức, đấu trí của các tàu cá ngư dân Việt Nam, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển để khẳng định Hoàng Sa là ngư trường truyền thống mà trăm đời nay cha ông ta đã khai thác, đã gắn bó.

Chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh của những con tàu cá nhỏ bé bị đối phương bắn vòi rồng, phá hoại. Thậm chí đã có tàu bị chìm và phải nhờ tàu khác kéo về cảng. Nhưng không có gì quý hơn chủ quyền biển đảo của tổ quốc, những ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển.

Năm Giáp Ngọ 2014, Chính phủ Việt Nam quan tâm rất nhiều đến người ngư dân. Một loạt các chính sách mới đã ra đời, ví dụ như hợp tác khai thác cá ngừ với Nhật Bản, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, và đặc biệt là đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Cần có tàu quân sự bảo vệ

Nhận xét về chính sách hỗ trợ vốn vay cho ngư dân đóng tàu cá vỏ thép vươn khơi, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Ông Hoàng Hùng cho biết: "Tôi cho rằng đây là một bước đi cần thiết, đúng đắn. Điều này thể hiện người ngư dân đã được quan tâm đúng mức với giá trị của họ đối với xã hội, kinh tế, và chủ quyền đất nước. Tuy nhiên để chính sách đạt hiệu quả cao nhất, cần phả tiến hành cùng lúc nhiều công việc và tất cả đều quan trọng."

"Tôi thấy rằng việc nghiên cứu, tham khảo kkiến ngư dân, ý kiến chuyên gia, kết hợp lại và thiết kế ra 21 mẫu tàu cá chuẩn là công việc hết sức đúng đắn và thiết thực. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội chú trọng đến tàu vỏ thép, trong khi còn rất nhiều tàu vỏ gỗ vẫn đang trong khả năng sử dụng.

Điều quan trọng là cần có các hành động quy hoạch lại cho phù hợp, đúng với nhu cầu của người ngư dân. Tàu gỗ nào còn dùng được, dùng đến đâu, vào công việc gì, đó cũng phải tính toán để tránh thất thoát lãng phí.

Ngoài ra, trao tàu tốt, đồng nghĩa với việc năng suất lao động sẽ tăng lên. Khi đó, đầu ra sản phẩm sẽ thế nào? Công tác bảo quản ra sao? Tất cả những điều đó đều cần phải tính toán để thành một sự chuyên nghiệp, dây chuyền. Tránh đẩy tình trạng đi biển về bán được cá nhưng vẫn lỗ dài." - Ông Hùng nhận định.

Ngoài ra, ông Hoàng Hùng còn cho rằng cách thức tổ chức cho người ngư dân đi đánh bắt cũng cần phải có sự khác biệt. Thay vì đi một mình, đi đơn lẻ, cần phải huấn luyện cho ngư dân cách đánh bắt theo nhóm, hoạt động nhóm nhiều tàu như cách người Nhật vẫn làm, và thậm chí cả người Trung Quốc cũng làm. Và nếu ngư dân là đối tượng thường xuyên bị "tàu lạ" tấn công, thì có lẽ cần phải có tàu tuần tra, tàu hộ tống của biên phòng đi theo một đội tàu đánh cá nói trên.

 

Một mẫu tàu cá vỏ thép của Việt Nam



Đừng chỉ cho ngư dân một con tàu vỏ thép


Đồng quan điểm với ông Hoàng Hùng, kỹ sư Đỗ Thái Bình (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) cho rằng cần phải có một sự nghiên cứu đầy đủ về giá trị của tàu vỏ gỗ, hiện trạng ra sao, có thể phát huy được những gì.

Ngoài ra, ông Đỗ Thái Bình còn lý giải: "Tôi thấy như ở Trung Quốc, để ra được 11 mẫu tàu cá "chuẩn quốc gia", các chuyên gia, kỹ sư của họ đã phải theo ngư dân đi biển cả năm trời, nắm thuần thục kỹ năng, kinh nghiệm đánh bắt. Tiếp đó họ tỏa đi khắp nơi, thu thập thông tin về phương pháp truyền thống của các địa phương, sau đó tổng hợp lại và đúc kết thành những mẫu hình chung.

Điều đó cho thấy rằng Trung Quốc làm nghiêm túc, coi việc phát triển tàu cá ngư dân là chiến lược quốc gia của họ. Trong khi đó, việc vội vàng đưa ra một số mẫu thiết kế và sẵn sàng mở quỹ cho ngư dân vay vốn, trong khi thiếu những biện pháp đồng bộ hoàn toàn có thể khiến ngư dân thêm nợ mà không hiệu quả."

Ông Bình nhấn mạnh: "Công việc cần nhất lúc này không phải là cho ngư dân vay bao nhiêu tiền để đóng tàu vỏ thép, đừng chỉ đưa cho họ con tàu rồi để họ tự bươn chải. Hãy bắt đầu từ việc nâng cao giá trị sống của người ngư dân.

Ở nước ngoài, họ có những tổ chức, đoàn đội những người có kiến thức về đóng tàu, đánh bắt đi cùng với ngư dân trên thuyền, dạy ngư dân các kiến thức theo kiểu truyền miệng, dễ nhớ, dễ hiểu.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có, nhưng không có nghĩa là không bao giờ có. Theo tôi, trong năm 2015, nhà nước nên tổ chức những đội tàu thí điểm, gồm cả ngư dân, kỹ sư thiết kế, kỹ sư đóng tàu... cho lên cùng một con tàu, cùng đánh bắt sinh sống với nhau. Từ đó người làm thiết kế, người làm công tác quản lý sẽ thấu hiểu ngư dân, biết ngư dân cần gì ngoài những con tàu, còn ngư dân thì hiểu về các thuật ngữ hàng hải, các trang thiết bị mới, các kỹ thuật đánh bắt mới, hiện đại."

Ông Bình kết luận: "Công việc này là nhằm vào phát triển có chiều sâu, đào tạo con người vì mục đích phát triển bền vững gắn với lợi ích ngư dân, chứ không phải vì bất kỳ mục đích nào khác."

Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo