Nợ Chính phủ không quá 55% GDP cũng hợp lý
Theo đó, tại buổi họp báo, báo chí đặt vấn đề, vừa qua tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho biết Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015 (nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ/ GDP là 50%).
"Như vậy Chính phủ có giải pháp gì để bảo đảm mục tiêu trên?", đại diện báo chí đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Quốc hội quyết định mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và các chỉ tiêu về an toàn nợ trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm.
Tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, Quốc hội khóa XIII đã phê chuẩn các chỉ tiêu về nợ đến năm 2015 là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Ngoài các chỉ tiêu nợ giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết nói trên, các chỉ tiêu nợ đến năm 2020 đã được đặt ra tại Chiến lược nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
Chiến lược này được xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công và có tham khảo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế. Tại Chiến lược này, Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.
Tại Báo cáo số 464/BC-CP ngày 19/10/2016 về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nợ Chính phủ năm 2015 đã ở mức 50,3% GDP và dự kiến ở mức trên 53% GDP trong các năm 2016-2019. Đây là một thực tế do huy động của Chính phủ phải bảo đảm bù đắp bội chi và cho đầu tư phát triển theo các báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho bội chi và cho đầu tư phát triển nhằm đạt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chỉ tiêu nợ Chính phủ giai đoạn 2016-2020 không quá 55% GDP. Việc xác định chỉ tiêu nợ Chính phủ không quá 55% GDP cũng hợp lý giữa các cấu phần nợ công theo hướng giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ đồng thời kiểm soát mức dư nợ chính quyền địa phương.
Cũng tại Báo cáo đang trình Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng các giải pháp nhằm mục tiêu kiểm soát các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, trong đó có các nhóm giải pháp như kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ trượt giá; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; đầu tư của Nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, có sức lan tỏa lớn.
Xây dựng, điều hành thực hiện các kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 5 năm và hàng năm cần bảo đảm dự phòng cho các rủi ro có thể phát sinh như giá dầu, tỷ giá, các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, các rủi ro bất khả kháng để bảo đảm các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép. Cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm nợ công, nợ Chính phủ.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công, khuyến khích đầu tư theo các hình thức đối tác công tư; thu hẹp đối tượng sử dụng nợ công, chỉ tập trung vào các công trình, dự án trọng điểm, bảo đảm khả năng trả nợ; gắn trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, địa phương với việc phân bổ và hiệu quả sử dụng vốn vay. Tiếp tục tái cơ cấu nợ công; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và đa dạng hóa công cụ nợ, mở rộng cơ sở nhà đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, thể chế, chính sách quản lý nợ công, phù hợp với tình hình nước ta và thông lệ quốc tế; hoàn thiện các công cụ quản lý nợ chủ động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng