Nổ cơ sở sản xuất phân bón: Giật mình quy trình thủ công
Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TPHCM vừa có báo cáo công tác khám nghiệm hiện trường và điều tra bước đầu về nguyên nhân vụ nổ hóa chất kinh hoàng tại chi nhánh công ty chuyên sản xuất phân bón Đặng Huỳnh (địa chỉ số 66/2 đường Lê Thị Riêng, khu phố 5, phường Thới An, Quận 12) vào chiều 17/10.
Tại hiện trường vụ nổ, cơ quan chức năng xác định vị trí phát nổ tạo hố hình phễu đường kính 4,9m, sâu 1,2m. Khu vực xung quanh có lượng lớn hóa chất dùng làm nguyên liệu sản xuất được đặt trong bao, chất thành đống trước cửa phòng pha trộn phân bón. Gần đó, cơ quan điều tra phát hiện nhiều thùng phuy, can nhựa chứa dung dịch và 1 bếp gas công nghiệp, cùng 2 vỏ bình gas mini đã bị biến dạng.
Theo thông tin của công an, hằng ngày tại chi chánh trên có 3 công nhân (đã tử vong) làm việc từ sáng đến chiều. Nơi đây sản xuất phân bón lá và thuốc xịt bảo vệ hoa. Nguyên liệu là các hóa chất và cũng là tiền chất tạo thuốc nổ như Kali Nitrat (KNO3), Kali Clorat (KClO3), Napthalen Acetic Axit (NAA), Amoniac (NH3)…
Đáng nói quá trình sản xuất đều được công nhân thực hiện bằng tay, ngay cả việc pha trộn hóa chất. Quá trình đóng nắp, dán nhãn chai, lọ được thực hiện như sau: Sau khi pha trộn hóa chất theo tỷ lệ nhất định từng loại sản phẩm, công nhân sẽ cho vào các chai, lọ đóng nắp lại. Màng co ở nắp chai, lọ được nhúng vào nước đun sôi (bằng bếp gas mini) cho dính ở nắp rồi sau đó dán nhãn hàng. Nhiều khả năng trong lúc làm việc, công nhân tại đây đã bất cẩn khiến hàng trăm kg hóa chất tại đây phát nổ.
Theo GS. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên-Môi trường (Đại học Công nghiệp TPHCM), hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất chưa thực hiện đúng quy định sản xuất. Hầu hết cơ sở hệ thống sản xuất phân bón quá đơn giản, công nhân, kỹ thuật viên pha chế không được đào tạo, điều kiện an toàn vệ sinh môi trường, chống cháy nổ rất kém.
Đặc biệt với nitrat kali, chỉ cần một hàm lượng nhỏ trộn với chất dễ phản ứng là có thể gây nổ; bảo quản dưới dạng lỏng trong thùng kín, quá trình bốc hơi ammoniac gây áp suất quá lớn cũng tạo sức nổ; lưu trữ dưới dạng nguyên liệu chưa pha chế dễ thăng hoa nitrat ra môi trường, chỉ cần một mồi lửa nhỏ (tàn thuốc lá, ma sát mạnh) cũng sẽ phát nổ.
Để phòng tránh những sự cố cháy nổ đáng tiếc do hóa chất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất cần thường xuyên kiểm tra các hệ thống an toàn, các thiết bị sử dụng điện tại nhà và nơi làm việc, các thiết bị điện phải được nối đất.
Đối với các loại hóa chất dễ cháy, cơ sở sản xuất phải khai báo với các cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng.
Quá trình lưu trữ phải để cách xa các nguồn nhiệt, bình khí sử dụng trong công nghiệp và có gắn biển cảnh báo rõ ràng; tránh hút thuốc lá hoặc mang vật có thể phát lửa (bao diêm, bật lửa…) tại các vị trí có để hóa chất hoặc nguyên liệu dễ cháy nổ; bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ cho đội ngũ nhân viên.
Theo chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo