Nợ công có thực sự an toàn như lời Bộ Tài chính?
Bộ Tài chính khẳng định nợ vẫn trong ngưỡng an toàn khi mức nợ chỉ tương đương 54% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn mức được cho là trần nợ công mà Quốc hội đặt ra (65%). Thế nhưng, các đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ra lo ngại.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM đã chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Ông nghĩ gì về việc nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng về nợ công?
Các đại biểu lo lắng là hoàn toàn đúng và thậm chí có thể coi đây là vấn đề nóng của năm 2014, bởi nợ được hiểu như đòn bẩy tài chính. Nhà toán học Archimedes từng nói “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy tung trái đất này lên”. Nhưng nếu điểm tựa quá yếu, đòn bẩy sẽ thành đòn gánh. Nói vui nguyên lý là như vậy. Nếu ứng dụng nguyên lý ấy vào điều kiện hiện tại và xét trên phương diện tổng quan thì có 2 điểm đáng lo.
Thứ nhất, ngưỡng nợ công 65% GDP chỉ là con số mang tính chỉ tiêu vì còn lệ thưộc vào các điểm tựa biến động trong nền kinh tế. Nếu điểm tựa là một nền kinh tế không mạnh thì không có yếu tố ngưỡng ở đây, bởi ngưỡng là yếu tố “chạy” nên rất dễ vỡ ngưỡng. Thế nên, có quốc gia nợ 100% GDP, thậm chí 200% GDP mà nền kinh tế vẫn bình thường. Nhưng có quốc gia nợ công chỉ 60% GDP thôi đã là bất thường.
Thứ hai, nói nợ công chưa đến ngưỡng chỉ là cách tự động viên. Và ngay cả khi nợ công ở mức 54% GDP, dưới ngưỡng 65% GDP thì vẫn tiềm ẩn một số vấn đề. Đó là cách tính nợ vẫn còn tranh cãi, cơ cấu nợ có vấn đề, việc sử dụng và kiểm soát nợ cũng chưa ổn. Đặc biệt là đang biểu hiện ra bên ngoài tình trạng loay hoay trả nợ, rồi xu hướng nợ tăng lên khiến chúng ta không thể yên tâm được.
Ông có thể phân tích cụ thể hơn không?
Thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển nên phải vay ngắn hạn. Đó là cái lo cụ thể thứ nhất. Nỗi lo thứ hai là chúng ta đang phải chi 25% tổng thu ngân sách để trả nợ công, một con số quá lớn đối với một quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, ngân sách năm 2014 chưa chắc đã thu đủ (con số trên 25% thu ngân sách để trả nợ nói trên là tính theo con số ngân sách thu đủ).
Điểm đáng lo thứ ba là cơ cấu nợ công. Hiện tại, nợ trong nước là 50%, nhưng chủ yếu là vay ngắn hạn, trong khi 50% nợ còn lại vay từ nước ngoài, tuy có ưu đãi, nhưng ưu đãi lại đang giảm dần. 10% vay đảo nợ vừa rồi là có ưu đãi, nhưng đang giảm dần vì chúng ta đang vào ngưỡng nước thu nhập trung bình.
Thứ tư là chúng ta đang trả phải nợ nhưng không tự trả được mà phải dùng đến phương pháp vay để đảo nợ, chứng tỏ chúng ta đang vay quá sức mình hoặc thanh khoản đang có vấn đề. Cái lo thứ năm là tốc độ vay nợ tăng nhanh hơn GDP, tới 18% so với mức tăng GDP chỉ 5-6%.
Thứ sáu là sử dụng nợ còn dàn trải, các công trình được Chính phủ bảo lãnh thì mang tính dựa dẫm và thiếu hiệu quả. Hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) chỉ khoảng 5,62%, mà quy mô của đầu tư công chiếm trong tổng đầu tư toàn xã hội lại khá lớn.
Cái lo thứ bảy là nợ còn tăng và việc phát hành trái phiếu để vay nợ đã “đè” lên các kênh khác. Nói cách khác là lấy đi vốn của các kênh đầu tư khác.
Việc đi vay để trả nợ là đảo nợ. Điều này có đáng ngại?
Vay để trả nợ thực chất là đẩy hạn trả nợ về tương lai, nghĩa là nợ vẫn còn nguyên đó. Về bản chất, đây là biểu hiện không tốt.
Nhưng theo quan điểm của Bộ Tài chính, đảo nợ không ảnh hưởng gì đến số nợ công và vẫn thấp hơn ngưỡng 65%GDP?
Đúng là tổng nợ công không tăng, nhưng chúng ta đẩy nợ về tương lai và nợ còn nguyên đó. Nghĩa là chúng ta vẫn phải tiếp tục vay để tài trợ trả nợ, trong khi bị thâm hụt ngân sách, giảm đầu tư. Nếu nợ tiếp tục tăng, tổng nợ đến một lúc nào đó sẽ vỡ ngưỡng. Như vậy sẽ rất gay go.
Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục chống lãng phí, dàn trải và tăng cường quản lý vốn vay gắn với các dự án cụ thể. Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả sử dụng vốn tại các dự án công hiện nay?
Các đại biểu Quốc hội lo lắng về vấn đề hiệu quả sử dụng vốn là quá đúng. Rất tiếc một mình Bộ Tài chính không thể kham được vì liên quan đến cả thể chế, hệ thống quản lý và kiểm soát.
Nói rõ hơn, việc sử dụng vốn hiệu quả liên quan đến chiến lược sử dụng nợ công. Bên cạnh đó là hệ thống tổ chức trong quá trình sử dụng nợ. Một yếu tố nữa là cách hành xử trên một dự án và cuối cùng là khâu kiểm soát, đánh giá.
Rõ ràng, đầu tư của chúng ta còn dàn trải, những dự án được bảo lãnh mang tính dựa dẫm, dẫn đến kết quả là chúng ta không làm chủ được khâu đầu là khâu dự án. Trong khi đó, khâu quản lý cũng có một số vấn đề. Đó là vừa lãng phí, vừa dàn trải, vừa manh mún và đôi khi có cả tham nhũng. Như thế lấy đâu ra hiệu suất cao. Do đó, cần phải có một sự thay đổi mang tính hệ thống về cơ chế vận hành sử dụng vốn.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần đẩy mạnh việc phân bổ vốn theo vùng kinh tế, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm. Ông có cho rằng như vậy?
Tôi đồng tình với quan điểm này. Điểm tựa của nợ công là cơ chế và vốn dùng vào việc quy hoạch phải tính trên toàn quốc chứ không thể quy hoạch tính theo kiểu mỗi tỉnh, mỗi huyện. Tôi cho rằng chỉ khi phân bổ vốn theo vùng, theo dự án cấp quốc gia, lúc đó nợ công mới phát huy được dựa trên cơ chế tổ chức và kiểm soát thật tốt.
Theo ông, liệu có đáng lo về tỉ lệ nợ công 50% vay trong nước và 50% vay ở nước ngoài hay không?
Nợ trong nước có ưu thế hơn vì có thể kiểm soát được rủi ro như tăng thuế hoặc in tiền. Còn đối với nợ nước ngoài, việc trả nợ vừa vướng vào rủi ro thanh khoản, tức không đủ ngoại tệ, vừa lo biến động tỉ giá.
Có nên vay dài hạn hơn để giãn thời gian trả nợ?
Nợ công cần đáp ứng 2 yếu tố. Một là vay với kỳ hạn dài, nợ công mới có ý nghĩa, vì đây là hoạt động đầu tư. Việc đầu tư kiếm lợi nhuận trong thời gian dài mà lại đi vay ngắn thế này là không tốt. Thế nhưng, thị trường vốn của nước ta, tức thị trường dài hạn, lại chưa phát triển, thành ra việc vay trong nước đã ít rồi lại còn vay ngắn hạn nữa là điều không an toàn.
Hai là cần phải cơ cấu lại tỉ lệ nợ vay trong nước với vay nước ngoài. Như đã nói ở trên, nhược điểm của vay nước ngoài là tạo áp lực lên tỉ giá và thanh khoản. Do đó, đã tái cơ cấu thì phải cơ cấu lại cả tỉ lệ nợ lẫn thời gian trả nợ.
Như ông nói, nợ công có những cách tính khác nhau, nên chuyện lo ngại không an toàn hay không cũng khó mà chính xác?
Đúng là vấn đề này còn nhiều tranh luận. Vì trong cách tính của chúng ta đã áp cách tính của nước ta, còn các quốc gia có cách tính khác nhau như nợ chính phủ, nợ chính phủ địa phương, nợ doanh nghiệp mà có bảo lãnh của chính phủ.
Ngoài ra, còn chuyện nợ các doanh nghiệp mà chính phủ không bảo lãnh. Nợ này phải tính sao đây? Cuộc tranh luận còn khá dài, nhưng rõ ràng cách tính nợ cũng là một áp lực.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Cột tin quảng cáo