Thị trường

Nợ thuế tăng 20% và... sợi dây

“Những công bố của các ngân hàng về giảm lãi suất, gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp... vừa qua thật ra chỉ để cho báo đăng, cuối cùng nói dóc lừa nhau... Nếu cần thiết, các anh chị đến cơ quan thuế, chúng tôi sẽ đưa dữ liệu để xem đồng vốn của các ngân hàng sử dụng để làm gì? , ông Nguyễn Trọng Hạnh, phó cục trưởng cục Thuế TP.HCM, đã nói tại hội nghị “Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ các doanh nghiệp đầu năm” do hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức tuần qua.

Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp trong rất nhiều nguyên nhân khiến cho đời sống doanh nghiệp khốn đốn trong thời gian qua.

 

Năm 2011 cho thấy diễn biến xấu về nợ thuế, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp khai lỗ tăng lên hơn 15% so với năm 2010; tình hình nợ thuế và nợ dây dưa kéo dài có chiều hướng tăng, số nợ xấu không có khả năng chi trả cũng tăng.

 

Theo ông Hạnh, điều đáng lo nhất là có những doanh nghiệp trước đây nộp thuế tốt, đề cao chữ tín nhưng cuối năm rồi cũng lâm vào tình trạng nợ thuế.

 

Nhìn chung năm 2011, dù đã thu được số thuế cao hơn so với năm trước nhưng vẫn chủ yếu “nhờ vào” lạm phát; quan trọng hơn là do cơ quan thuế đã tăng cường quản lý chống gian lận thuế, đặc biệt trong chống chuyển giá, góp phần tăng số thu đó.

 

Ông Hạnh cho biết đầu năm 2012 chiều hướng càng xấu hơn, số thu chung so với hai tháng cùng kỳ giảm gần 5%, nếu tính riêng thu nội địa (trừ dầu thô) giảm hơn 11%.

 

Khu vực doanh nghiệp trong nước giảm khoảng 5%; thu từ khối doanh nghiệp nước ngoài tăng chỉ 0,2%, nhưng không phải do phát triển tăng mà là nhờ tích cực kiểm tra việc chống chuyển giá, nhiều doanh nghiệp khai báo lại mức lãi, đã giúp giảm thất thoát nguồn thu thuế.

 

Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì số thu trong hai tháng cùng kỳ đã giảm hơn 15%; so với thời điểm 31.12.2011, số doanh nghiệp nợ thuế tăng gần 20% và số mất khả năng thu tăng 1,74%. “80% doanh nghiệp thành phố ở quy mô nhỏ và vừa đang đóng góp cho nguồn thu thuế 20%, nhưng quan trọng nhất là tình hình khó khăn đang đụng chạm trực tiếp đến “miếng cơm manh áo” của đông đảo người lao động; tỷ lệ nghịch với đời sống kinh tế đi xuống là tệ nạn xã hội tăng lên”, ông Hạnh nói.

 

Nguyên nhân thì nhiều nhưng rõ nhất là bởi các chi phí đầu vào tăng cao. Theo ông Hạnh, đặc biệt là trong chi phí tài chính. Hiện trong cơ cấu dòng vốn lưu thông trên thị trường của doanh nghiệp, cứ vốn có 1 đồng thì đi vay 3 đồng.

 

Nguồn cung cấp tín dụng chính là qua hệ thống ngân hàng thì hiện rất ít doanh nghiệp có khả năng tiếp cận. Mặt khác, nếu nguồn cung tín dụng trước đây là chủ lực cho doanh nghiệp hoạt động thì hiện nay cũng có thể là tai hoạ, vì càng vay càng chết bởi lãi suất quá cao trong khi thị trường bất ổn, sức mua suy giảm.

 

Nếu nói do nhu cầu vốn quá lớn cho sản xuất mà doanh nghiệp chen nhau vay mức cao thì chưa hẳn chính xác. Lãi suất được đẩy lên cao đã châm mồi cho những bất ổn khác, từ việc ngân hàng làm ăn tắc trách, là “sân sau cho đại gia”, làm kênh huy động vốn cục bộ, vốn thảy vô dự án bất động sản...

 

Cạnh tranh lãi vay làm rối loạn thị trường thể hiện qua nhiều hình thức đối phó với pháp lý. Ông Hạnh ví dụ, trên sổ sách cho thấy khi ký hợp đồng vay vốn với khách hàng vẫn ở mức 14 – 15%, nhưng ngân hàng có thể làm hồ sơ để người gửi cam kết không rút ra giữa chừng hoặc với chế độ riêng sẽ được chi ngược lại 4 – 5%.

 

Các ngân hàng đã tập trung nguồn vốn cho vay liên ngân hàng thay vì tạo ra kênh cấp vốn cho doanh nghiệp, dòng tiền đẩy qua lại giữa các ngân hàng đã làm cho doanh nghiệp sản xuất bị chết.

 

Dòng vốn vay lòng vòng trong thị trường liên ngân hàng hiện vẫn được ngân hàng Nhà nước đưa vào xếp loại ngân hàng và liên quan trực tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

 

Chính vì thế, các ngân hàng càng dùng thủ đoạn đối phó để đạt được nhu cầu tăng trưởng tín dụng sẽ càng làm cho toàn thị trường tín dụng méo mó. Tệ hơn là các ngân hàng muốn sử dụng yếu tố này để chi phối và thôn tính lẫn nhau. Tất cả những thứ đó trên thực tế hình thành một bóng đen quyền lực ngầm sau hệ thống tín dụng Việt Nam.

 

Trách nhiệm của ngân hàng Nhà nước là tạo ra công cụ kiểm soát tính minh bạch của dòng vốn trên thị trường, nhưng thực tế chưa hiệu quả. Lãi suất cho vay khá cao, việc tiếp cận khó khăn, việc tập trung cho vay liên ngân hàng đã đẩy doanh nghiệp sản xuất vào chỗ chết. “Chẳng khác nào doanh nghiệp bị sẩy chân té xuống giếng, quản lý nhà nước không những không thả được sợi dây để kéo lên mà cú lãi suất ngân hàng còn như hòn đá bồi ném xuống”, ông Hạnh ví von.

 

Theo Tuyết Ân (SGTT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo