Nợ xấu là 4% hay 15%?
Bắt mạch “nợ xấu”
“Nợ mất vốn ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang tăng mạnh”, giới chuyên gia đã “chẩn trị” và đưa ra kết luận như vậy khi soi vào bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và cả năm 2013 của một số ngân hàng như BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, Vietcombank…
Lũy kế cả năm 2013 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang có chiều hướng tăng mạnh, cho dù tỷ lệ nợ xấu theo con số chính thức mà NHNN công bố là giảm. Đơn cử có thể kể tới tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn của Navibank – nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất nhì trong hệ thống đang tăng tới 19,5% (khoảng 438,3 tỷ đồng) cho dù các báo cáo của ngân hàng này đều thể hiện rằng con số nợ xấu đã giảm từ mức 9% trong quý III/2013 xuống còn hơn 6% vào thời điểm cuối năm 2013.
Hay như ở ngân hàng SHB, con số nợ có khả năng mất vốn đang tăng mạnh tới 22% (khoảng 2.525 tỷ đồng), trong khi báo cáo của ngân hàng này cho thấy tỷ lệ nợ xấu đang được cải thiện khá ấn tượng, từ mức gần 9% (đầu năm 2013) xuống còn 4,06% (cuối năm 2013), vượt mục tiêu đề ra. Tương tự tại ABC, nợ xấu được công bố chỉ tăng nhẹ, chỉ số nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi nghờ giảm nhẹ song nợ có khả năng mất vốn lại tăng gấp đôi, từ 1.150 tỷ đồng lên 2.123 tỷ đồng.
Điều đáng nói là tình trạng này không chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ lẻ mà đã lan tỏa tới cả những “anh cả” trong hệ thống. Điểm mặt chỉ tên có thể nêu ra đó là BIDV, Eximbank, Sacombank, Vietcombank… Tính đến cuối năm 2013, BIDV cho vay khách hàng đạt 391.036 tỷ đồng và huy động từ khách hàng 339.135 tỷ đồng, tăng gần 12%; Tỷ lệ nợ xấu là 1,86%.Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 2.833 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm 2013. Không chỉ có BIDV, mà ở Vietcombank, món nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này đang lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số của hai năm trước.
Tiếp đó là, Eximbank tăng 35,4%, lên 1.073,8 tỷ đồng; Sacombank tăng 13,5% (chiếm 92,1% tổng nợ xấu của ngân hàng) … “Việc nợ nhóm 5 có dấu hiệu tăng mạnh, cảnh báo rằng chất lượng các khoản nợ xấu trong hệ thống đang ngày càng xấu đi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ trước những áp lực của hệ thống ngân hàng khi những món nợ ở nhóm 5 hầu như không có khả năng thu hồi.
Có bệnh vái tứ phương
Vậy nhưng khi nhìn vào những con số nợ xấu được cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng công bố có thể thấy rằng, số nợ xấu trong hệ thống đang có dấu hiệu giảm dần, đáng ngại hơn là các số liệu về nợ xấu luôn luôn không đồng nhất và quá cách biệt. Ảo ảo, thật thật về nợ xấu đang khiến cho căn bệnh “nợ xấu” ngày càng trầm trọng hơn và được nhìn nhận lệch hướng so với bản chất ban đầu.
Công bố mới nhất của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s tại báo cáo triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014 lại càng khiến cho con số đó mông lung và phương pháp chữa căn bệnh “nợ xấu” đang dường như ngày càng xa rời thực tế và vô phương cứu chữa. “Tỷ lệ những tài sản chất lượng có vấn đề của Việt Nam ít nhất phải chiếm 15%, chênh lệch hơn 4 lần so với con số thực tế mà NHNN công bố hồi cuối năm 2013 là 3,79%”.
Không chỉ đến nay Moody’s mới đưa ra cảnh báo con số nợ xấu thực tế của Việt Nam hiện đang ở mức hai con số mà trước đó Tổ chức xếp hạng tín dụng FitchRatings cũng đã đánh giá chất lượng nợ xấu và cảnh báo con số nợ xấu của Việt Nam có thể lên tới 15%.
Được biết, để đưa ra được những nhận định và cảnh báo đó, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những phân tích và dẫn điểm hợp lý và mang tính chất khách quan, cụ thể như trong báo cáo đánh giá triển vọng về hệ thống ngân hàng 2014 của Moody’s, cơ quan này nhìn nhận lợi nhuận của ngành ngân hàng Việt Nam đang tăng trưởng ì ạch, cầu tín dụng vẫn yếu ớt, trong khi lợi nhuận của toàn hệ thống lại chưa thể phục hồi nhanh để bù đắp lại với những chi phí tín dụng đang có xu hướng ngày càng tăng cũng như yêu cầu về vốn rất lớn trong xã hội. Và trên cơ sở đó, Moody’s vẫn giữ nguyên quan điểm là việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề thiếu vốn của các nhà băng hiện nay.
Lộ trình đề ra đến hết năm 2015, cơ bản xử lý xong toàn bộ số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống đến năm 2020, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng về vốn và dịch vụ ngân hàng cho phát triển kinh tế - xã hội. Lộ trình này liệu có về đến đích khi mà chỉ mỗi con số thống kê về nợ xấu đã không đồng nhất?
Việc cố tình che giấu con số nợ xấu thực của các ngân hàng đang rất đáng báo động bởi duy trình tình trạng này lâu sẽ dẫn tới lối mòn trong ứng xử và vô hình chung tạo cho những người thực thi nhiệm vụ cảm giác “an toàn”, khi bắt tay triển khai xử lý các khoản nợ xấu mà cứ đủng đỉnh như là đang xử lý nợ tốt và ảo tưởng rằng thị trường sẽ sớm hồi phục, tài sản đảm bảo phục hồi, doanh nghiệp có thể trả được nợ.
Nghiêm trọng hơn, nếu nhìn nhận không đúng về nợ xấu, các ngân hàng sẽ không biết lấy đâu làm điểm xuất phát, thể trạng của mình ra sao, để từ đó mới có thể tìm ra được những “phương thuốc” hữu dụng nhất cho căn bệnh. “Việc che giấu nợ xấu, chẳng những không phản ánh đúng thực trạng của ngân hàng, để có giải pháp áp dụng phù hợp, mà còn sẽ làm kéo dài thời gian trì trệ, thua lỗ cho ngân hàng”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh nêu quan điểm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm