Có trong tay danh sách nhiều nhà đầu tư ngoại muốn mua lại nợ xấu của Việt Nam, John Sheehan - cựu giám đốc Lehman Brothers cho rằng cản trở về pháp lý và cơ chế đang ngăn họ rót tiền vào lĩnh vực này.
(VnExpress) Trong khi các nhà băng Việt Nam tỏ ra kém mặn mà với phương án bán nợ xấu cho công ty xử lý nợ thì nhiều nhà đầu tư ngoại lại tỏ rõ sự hào hứng. Phát biểu tại hội thảo ở Hà Nội ngày 8/8, ông John Sheehan - nguyên giám đốc điều hành Ngân hàng Lehman Brothers khẳng định đang có hàng tỷ USD muốn đổ vào Việt Nam. John từng có kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại hơn 22 thị trường trên toàn thế giới.
Vị chuyên gia người Ireland này cho rằng Việt Nam đã thành lập công ty xử lý nợ xấu nhưng vấn đế của công ty này là "thiếu tiền" và "chỉ giải quyết bề nổi". Nhận xét về vốn điều lệ 500 tỷ đồng của Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC), ông này nhận định: "Số tiền này thì không thể đủ để giải quyết vấn đề nợ xấu hiện tại nên Việt Nam đang rất cần các nguồn vốn lớn từ bên ngoài".
Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch CLB Pháp chế, Hiệp hội ngân hàng - thừa nhận: "Muốn xử lý nợ xấu phải có tiền nhưng trong nước lại không có, do vậy phải cần vốn từ nước ngoài. Mâu thuẫn ở chỗ, các chính sách gần như vẫn đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài, như quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua cổ phiếu, nắm giữ đất đai..."
Các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các định chế tài chính, đã không ít lần bày tỏ sự quan tâm tới những món nợ xấu của Việt Nam từ trước khi kế hoạch ra đời VAMC được hé lộ. Gần đây nhất, trong lần trả lời Bloomberg, Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy cũng hé lộ kế hoạch VAMC sẽ gọi vốn từ nước ngoài.
Người đứng đầu VAMC cũng tiết lộ danh tính của một vài khách hàng ngoại đầu tiên muốn mua nợ xấu của Việt Nam. Trong đó có những cái tên như Tổ chức tài chính quốc tế IFC của WorldBank; TPG Growth LLC - một đơn vị thuộc công ty đầu tư tư nhân và Standard Chartered. Đến nay, IFC xác nhận có gặp gỡ và thương thảo với VAMC trong khi 2 đơn vị còn lại tạm thời từ chối bình luận.
Theo nhìn nhận của vị chuyên gia từng điều hành Lehman Brothers, Việt Nam hiện vẫn chưa tạo điều kiện cho nguồn vốn nước ngoài chảy vào khi cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý chưa được cải thiện.
"Tôi đã có sẵn một danh sách các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam rồi, ai cũng nhìn thấy đây là đích đến hấp dẫn nhưng lại không thể tìm cách nào để đổ vốn vào được. Như vậy, gánh nặng đang đổ lên vai Chính phủ, họ chính là những người phải tạo ra một cơ sở hạ tầng tốt cho các nhà đầu tư", ông Sheehan nói.
Ông Sheehan cũng nêu những ví dụ ước lượng để chứng minh rằng, cơ sở hạ tầng cho giải quyết nợ xấu càng tốt thì giá bán những cục nợ đó càng cao và ngược lại. "Vậy nhà đầu tư nước ngoài trả giá nào cho nợ xấu Việt Nam? Nếu có cơ chế, hành lang pháp lý tốt thì ví dụ mỗi khoản nợ được trả 30-35 cent. Nhưng nếu tệ hơn thì chỉ được 2 cent mà thôi", ông nói.
Nhiều thị trường khác trong khu vực cũng đã tìm cách cải thiện chính sách pháp lý để rộng đường cho vốn ngoại "cứu" các ngân hàng. Trường hợp của Thái Lan khi xử lý nợ xấu năm 1998, Chính phủ đã quyết định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhà ở liên quan đến những khoản nợ xấu họ mua như một giải pháp tình thế giúp giá trị bất động sản tăng. Tương tự, năm 2002, Philippines cũng thay đổi luật thuế đánh vào nhà đầu tư nước ngoài để họ phải bỏ nhiều tiền hơn khi mua các khoản nợ xấu.
Vị chuyên gia hiện đang là giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Captial Services cũng nói thêm, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới nợ xấu được đảm bảo bằng bất động sản của Việt Nam. Số này chủ yếu đến từ Mỹ. Trong khi đó, nhóm các nhà đầu tư từ châu Âu và Nhật Bản cũng quan tâm tới nợ xấu của các lĩnh vực khác.
Theo quan điểm của ông Sheehan, các nhà đầu tư nhìn chung không quan tâm nhiều tới số liệu nợ xấu do chính các thị trường công bố bởi quy mô thực của nợ xấu thông thường lớn hơn rất nhiều. Ông cho hay, tại những nước minh bạch, "cục máu đông" có thể lớn gấp đôi, nhưng thậm chí sẽ gấp 3, 4 lần nếu ở những thị trường thiếu minh bạch hơn nữa.
"Khi thị trường đi xuống như này, ngân hàng nào tìm cách bán nợ thành công sẽ là những người chiến thắng. Đừng cho rằng nợ xấu đã có tài sản đảm bảo mà không cần lưu tâm. Nên nhớ, các tài sản này sẽ tự phân hủy và mất đi theo thời gian", vị chuyên gia từng có kinh nghiệm xử lý nợ xấu khuyến. Trong quá trình nghiên cứu lịch sử các cuộc khủng hoảng, John Sheehan đã nhận ra rằng, giá trị của tài sản đảm bảo sẽ mất đi 60% giá trị sau khi thị trường hồi phục. "Nợ xấu được bán càng sớm thì càng được giá", ông nói.
Thanh Lan