Nợ xấu: Từ nhận thức mới đến giải pháp vĩ mô
Những thông tin gần đây cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ ngân hàng đã đến hạn; một số có nguy cơ không có khả năng trả nợ, và thực tế tỷ lệ nợ xấu đang gia tăng, kéo theo đó là những hệ lụy mà trước tiên là gây nên tình trạng ách tắc tín dụng.
Các cơ quan chức năng hiện đã tỏ rõ quyết tâm xử lý nợ xấu nhằm khơi thông dòng tín dụng và xa hơn là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ xấu như thế nào nhằm đạt được mục tiêu đề ra mà không gây nên các hiệu ứng tiêu cực (vĩ mô, vi mô) hay phá vỡ kỷ luật thị trường đang là một bài toán khó đặt ra cho quá trình thực thi.
Nợ xấu gần đây gia tăng phản ánh điều gì?
Tín dụng cho nền kinh tế từ đầu năm 2012 đến nay tăng rất chậm (ước cả năm đạt 7% so với năm 2011) một mặt phản ánh mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp giảm sút đáng kể do nợ quá hạn và nợ xấu gia tăng, mặt khác phản ánh cầu đầu tư giảm sút.
Có thể nói trong lịch sử ngân hàng, năm 2011, lần đầu tiên cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động công bố tỷ lệ nợ xấu. Điều này trước tiên cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại (NHTM) báo cáo và số liệu của cơ quan giám sát là có sự khác biệt đáng kể, phản ánh các quan hệ tài chính tiền tệ và quan hệ tín dụng ngân hàng - doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch.
Cụ thể năm 2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng theo các ngân hàng báo cáo khoảng 3,2% tổng dư nợ và đã tăng lên 4,47% vào cuối quý II/2012; trong khi con số của cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng công bố là 8,6% tổng dự nợ, tương đương 202.000 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 3/2012) và 8,82% vào cuối quý II/2012. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cho rằng có hiện tượng các tổ chức tín dụng (TCTD) đã che giấu nợ xấu, làm đẹp bản báo cáo tài chính.
Riêng về khu vực bất động sản, gần đây (ngày 18 và 19/12/2012 tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và TP Hà Nội về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu), các cơ quan chức năng cũng cho biết, tính đến 31/10/2012, tổng dư nợ bất động sản khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2011, và nợ xấu của khu vực bất động sản khoảng 13,5% tổng dư nợ bất động sản, tương đương hơn 28.000 tỷ đồng.
Nhận thức mới về nguyên nhân nợ xấu
Thời gian qua, nhiều người cho rằng, nguyên nhân gây ra tỷ lệ nợ xấu cao là do lỗi từ phía ngân hàng, và phải chăng đó là một phần nguyên nhân tại sao nợ xấu có khuynh hướng bị che đậy hay ít được công khai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nợ xấu không phải mới phát sinh mà nó được tích lũy trong một khoảng thời gian dài, và mới đây khi tình hình kinh doanh xấu đi thì nguyên nhân gây ra tình trạng nợ xấu ngày càng rõ nét. Chúng ta có thể nhận thấy một số nguyên nhân chính yếu như sau:
- Nợ xấu cao và ngày càng lớn gần đây phản ánh mô hình tăng trưởng không hợp lý và kém hiệu quả, đặc biệt khi môi trường kinh tế đang khó khăn hơn. Việc tăng trưởng kinh tế (GDP) cao và dựa vào vốn là chính, trong khi công nghệ, mà cụ thể là quản lý không theo kịp, thì vấn đề doanh nghiệp càng vay nhiều càng khó có khả năng quản lý hiệu quả các đồng vốn vay đó (hay doanh nghiệp trở nên bất cẩn hơn với đồng vốn dễ dãi).
- Môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn cũng chắc chắn phản ánh vào nợ xấu ở ngân hàng. Do đó khi kinh tế suy giảm (như trường hợp ở Việt Nam gần đây là hàng tồn kho gia tăng, thất nghiệp gia tăng, số doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động cũng tăng) thì sự khó khăn đó cũng phản ánh vào tài sản của doanh nghiệp, và các khoản doanh nghiệp vay ngân hàng cũng khó có khả năng trả nợ là điều tất yếu và nợ xấu gia tăng.
- Nợ xấu tăng nhanh gần đây phản ánh chính sách minh bạch hóa quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp: Tình huống nợ xấu gia tăng phản ánh một điều rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang chủ trương minh bạch hóa quan hệ tín dụng, thông tin tài chính. Theo quan điểm quản lý ngân hàng cẩn trọng, rõ ràng không nên che giấu nợ xấu, như Thống đốc NHNN đã kiên quyết chỉ đạo phải tìm doanh nghiệp tốt nhất để cho vay. Trên quan điểm này, rõ ràng việc công khai doanh nghiệp nào có nợ xấu, nợ tốt sẽ giúp ngân hàng và rộng hơn là cả xã hội phân biệt được rõ “trắng đen” và qua đó “chọn mặt gửi tiền” (cho vay).
- Nợ xấu gia tăng trong thời gian dài, mặc nhiên về phía NHTM cũng phản ánh các ngân hàng yếu kém về quản trị rủi ro nói chung: Tình trạng, che giấu nợ xấu có thể là nguyên nhân của động cơ để được lương - thưởng cao, chia cổ tức, giữ giá cổ phiếu ngân hàng (đối với ngân hàng niêm yết); tình trạng sở hữu chéo cũng đã tồn tại và đang được kiểm soát chặt chẽ hơn cũng có thể làm lộ rõ những khoản tín dụng có vấn đề từ quan hệ này...
Các biện pháp chính phủ đang thực thi để tháo gỡ nợ xấu
Từ đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 đến 2015”, do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 cho thấy, Chinh phủ rất coi trong xử lý nợ xấu. Một số biện pháp chủ yếu đang được áp dụng hiện nay là:
- Ngăn chặn nguy cơ tăng nợ xấu trong tương lai: Hiện tại, chính phủ đã có một loạt các chính sách tháo gỡ về mặt vĩ mô như nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012, Chính phủ đang chủ trương hỗ trợ có phân biệt về thuế và tiền tệ đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất thực sự (nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp SMEs, sản xuất hàng xuất khẩu), trong khi không khuyến khích đầu cơ bất động sản, chứng khoán...
- Xử lý nợ xấu một cách tổng thể, duy trì kỷ luật thị trường và công bằng xã hội: Quan sát cũng có thể thấy, Chính phủ đã rất nỗ lực trong xử lý nợ xấu trên cơ sở không phá vỡ kỷ cương, kỷ luật thị trường. Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản, do đầu cơ quá mức (thể hiện hệ số đòn bẩy tài chính cao) xin được cứu trợ và đề nghị chính sách tiền tệ nới lỏng (bơm tiền). Việc bơm tiền, nới tín dụng ngay lập tức lạm phát sẽ gia tăng, cứu bất động sản (hệ lụy của đầu cơ quá mức) thoát ra khỏi khó khăn, nhưng cái giá phải trả là lạm phát và người “thụ hưởng lạm phát” lại là đại đa số dân chúng. Việc dùng NSNN để hỗ trợ các nhà đầu cơ BĐS một cách quá dễ dàng sẽ khó đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng vì bong bóng bất động sản và chứng khoán lại gia tăng và là nguy cơ của lạm phát và nợ xấu…
- Xử lý nợ xấu không gây áp lực tăng nợ Chính phủ: Kinh nghiệm cho thấy, xử lý nợ xấu qua NSNN thường gây ra tâm lý ỷ lại và gây bất bình cho xã hội về sự công bằng và giảm kỷ luật. Chính phủ thường sử dụng trái phiếu để xử lý nợ xấu, do đó xử lý nợ xấu ngân hàng sẽ làm tăng nợ Chính phủ vào thời kỳ tiếp theo. Giới báo nước ngoài cho rằng nợ Việt Nam có thể tăng trong thời gian tới 32% nếu xử lý nợ xấu ngân hàng dựa quá mức vào ngân sách.
- Xử lý nợ xấu không phá vỡ chính sách tiền tệ: Việc tái cấp vốn, thông thường giúp cho NHTM thêm thanh khoản, nhưng có thể làm phá vỡ chính sách tiền tệ độc lập của NHTW. Quan sát thị trường vừa qua cho thấy, NHNN đã khá linh hoạt trong việc đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng trong các thời điểm nhậy cảm. Việc NHNN kiên định với chính sách tiền tệ chặt chẽ có kiểm soát và không nới lỏng các điều kiện tín dụng đối với các doanh nghiệp tụt hạng tín nhiệm cũng đảm bảo để chính sách tiền tệ không bị phá vỡ.
- Vấn đề AMC (công lý quản lý tài sản- nợ xấu). Hiện tại, Việt Nam chưa thành lập AMC tập chung, và đã có một vài ý kiến khác nhau về AMC. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, AMC hoạt động như thế nào và cách thức phân bổ các thất thoát (nợ xấu) theo cách thức vĩ mô như thế nào mới là điều quan trọng. Việc nóng vội và không tôn trọng các nguyên tắc thường không thành công mà còn gây tác động vĩ mô đến nền kinh tế.
Kết luận và gợi ý chính sách
Tại Việt Nam, vấn đề xử lý nợ xấu tuy trong tầm kiểm soát, nhưng có chiều hướng gia tăng và cần được xử lý theo các cách thức phù hợp. Hiện tại, Chính phủ đang đi đúng hướng và phương pháp luận phù hợp là theo phương pháp “phân tán” nhằm đảm bảo kỷ luật tài chính, không gây áp lực tăng nợ chính phủ (nợ công) và đặc biệt không phá vỡ chính sách tiền tệ. Theo nguyên tắc đó, tác giả có một vài gợi ý chính sách:
- Tiếp tục cải cách khu vực ngân hàng theo hướng hội nhập quốc tế hơn nữa nhằm tiếp thu công nghệ, quản trị, quản lý, các nguồn lực tài chính từ nước ngoài cho quá trình cơ cấu lại, nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ vào khu vực ngân hàng trong nước trên nguyên tắc nhà đầu tư chiến lược nhằm giảm áp lực chi lên NSNN cho xử lý nợ xấu;
- Mọi quá trình tăng vốn cho NHTM, đặc biệt là vốn từ NSNN, hay quá trình xử lý nợ xấu của NHTM cần được gắn liền với điều kiện về cải cách quản trị, quản lý và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động mọi ngân hàng, trong đó đặc biệt chú ý các NHTM NN và NHTM NN mới cổ phần hóa một phần nhỏ (bản chất vẫn là NHTM NN) đang hoạt động theo mô hình cổ phần;
- Củng cố thị trường chứng khoán để đảm bảo thị trường này hoạt động đúng chức năng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc của thị trường chứng khoán đi đôi với việc tiếp tục cổ phần hóa các NHTMNN; thúc đẩy cho các NHTMCP thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế. Việc tăng vốn và cải thiện quản lý theo đó xử lý nợ xấu được thực hiện theo hướng minh bạch…
- Cân nhắc kỹ hình thức tổ chức hoạt động của công ty mua bán nợ xấu (AMC) tập trung (nếu được thành lâp). Việc xử lý nợ xấu theo hình thức thành lập ra một công ty AMC của nhà nước (centralized approach) nên cân nhắc kỹ lưỡng trên nguyên tắc đảm bảo trách nhiệm của NHTM trong việc tiếp tục thu hồi các khoản nợ tồn động này (decentralized approach), như yêu cầu các NHTM phải có công ty AMC nhưng kèm các điều kiện nhất định về thu hồi nợ và phân bổ chi phí; tránh tình trạng các NHTMCP vẫn chia lãi cao trong điều kiện tỷ lệ nợ xấu cao.
- Tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng: Các ngân hàng yếu kém thời gian qua đã rất mong chờ các quyết định nới lỏng tiền tệ và các khoản cứu trợ (tái cấp vốn) từ NHNN dưới các hình thức như hỗ trợ thanh khoản, cho vay khẩn cấp. Nếu việc bơm tiền quá dễ dãi và thiếu kiểm soát có thể ngay lập tức gây nên áp lực nguy cơ lạm phát trong năm 2013 và phá vỡ những thành quả của thắt chặt tiền tệ thời gian vừa qua và định hướng điều hành tiền tệ trong thời gian tới. Tệ hại hơn nữa, việc bơm tiền để cứu bất động sản (xử lý nợ xấu) quá dễ dàng sẽ tạo nên một tiền lệ xấu và phá vỡ kỷ luật tài chính - tiền tệ.
THS. LÊ VĂN HINH (VIETNAM REPORT JSC)
Theo Tài chính
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo