Tin tức - Sự kiện

Nỗi cùng cực của người mẹ nuôi con ung thư máu

Cuộc sống của gia đình chị quanh năm bám lấy biển, trời yên biển lặng, gia đình chị cũng yên. Biển động thì gia đình chị cũng “chao đảo” bởi chồng chuyên đi biển thuê, vợ kiếm rau kiếm mắm từ việc mua đi bán lại chút cá mắm mỗi ngày. Giờ đây, gia đình chị đang rất khó khăn để có thể giữ được tính mạng của con vì nợ nần và không có tiền chạy chữa.

Gia đình chị Lương Thị Ba có hai đứa con đứa lớn 10 tuổi và đứa bé là Phạm Ngọc Nhiều (3 tuổi ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bị bệnh ung thư máu. Theo người nhà kể, trước khi tìm ra bệnh bé cũng đã có triệu chứng của bệnh nhiều tháng trời nhưng vì biểu hiện không rõ ràng nên chị chỉ nghĩ con mình bị cảm. Lúc đó, bé Ngọc Nhiều thường có biểu hiện nóng sốt, ho, sổ mũi, gia đình tưởng con bị cảm thông thường chỉ lên trạm xá khám và uống thuốc.

Mẹ không làm ra tiền mà vừa phải nuôi con bệnh vừa nuôi lãi.
Mẹ không làm ra tiền mà vừa phải nuôi con bệnh vừa nuôi lãi.

Suốt hơn 2 tháng trời chị cứ bồng con lên trạm xá nhưng tình trạng không cải thiện mà bụng bé càng ngày càng to. Khi chị Ba đưa bé tới bệnh viện Phú Yên để khám thì phát hiện gan to, lá lách to điều trị được 3 ngày bé được chuyển đến BV Nhi Đồng 1, TP.HCM.
“Cháu nằm viện được hai ngày thì bác sĩ gọi đến để thông báo cháu bị bệnh ung thư máu. Lúc đó, tôi bủn rủn hết cả chân tay vì không ngờ con lại mắc bệnh nguy hiểm đến thế. Nghe bác sĩ tư vấn quãng đường chữa bệnh cho con tôi như muốn xỉu”, chị Lương Thị Ba nói.
Điều trị cho bé Phạm Ngọc Nhiều được một thời gian, gia đình chị Ba gặp khó khăn. Ngoài các khoản chi tiêu phát sinh thì tiền thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế khiến chị đau đầu vì mỗi tháng không thể kiếm đâu ra 10 triệu đồng để chữa bệnh cho con.
Trước đây, khi con còn khỏe mạnh mỗi sáng chị ra biển mua đi bán lại cũng kiếm được 50-70 ngàn mỗi ngày. Dù khoản tiền không nhiều nhưng cũng có thể phụ với chồng để nuôi con.
Anh Phạm Quốc Mỹ quanh năm đi biển thuê cho chủ ghe. Số tiền anh nhận được cũng tùy thuộc vào ngày đánh bắt được nhiều hay ít. Công việc của anh bắt đầu từ 7 giờ tối hôm trước và đến 7 giờ sáng hôm sau. Nếu ngày nào được nhiều cá thì chủ ghe cũng trả tiền cao hơn. Ngày nhiều nhất được trả 200 ngàn và thậm chí ngày biển động thì chỉ được chia cá ăn trong ngày.
Chia sẻ với chúng tôi chị Lương Thị Ba buồn rầu cho biết: “Nhà chúng tôi ở sát biển nên sống chết đều nhờ biển. Hai vợ chồng không có một mảnh đất nào để canh tác quanh năm cũng chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn. Hai vợ chồng hai đứa con nhỏ, chúng không ốm đau bệnh tật còn đỡ. Giờ một cháu bị bệnh nằm viện triền miên vừa không làm ra tiền vừa phải lo thuốc thang chúng tôi hết sức khó khăn. Người ta vay dăm bảy chục triệu thì dễ chúng tôi vay dăm bảy triệu khó vô chừng. Hai vợ chồng công việc không ra sao, con cái bệnh ai dám cho vay cho mượn. Có khi cháu phải dùng thuốc ngoài danh mục cả hơn chục triệu chúng tôi biết lấy ở đâu. Nợ cũ còn 25 triệu đồng mỗi ngày phải trả lãi 25 ngàn trả hoài trả hoài tiền lãi đến khi nào có tiền gốc trả mới hết”.

Nên đọc
Theo báo Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo