Nơi Đại tướng an nghỉ người dân gọi là núi Thọ - mũi Rồng
Ngày 8.10, PV Lao Động đã về thôn Thọ Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) để tiếp cận với khu vực được người nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chọn làm nơi an nghỉ của Đại tướng.
Khu vực được chọn từ nhiều phương án có tên là Vũng Chùa - thuộc thôn Thọ Sơn - cách TP. Đồng Hới (Quảng Bình) khoảng 65km về phía bắc, cách quốc lộ 1A 3km, gần giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh, cách quê nhà và nơi song thân của Đại tướng an nghỉ tại huyện Lệ Thủy khoảng trên 100km về phía nam.
Ông Chu Văn An - Bí thư Đảng ủy thôn Thọ Sơn - cho biết: “Hiện toàn thôn có 267 hộ với gần 1.000 khẩu. Lúc nghe tin Đại tướng qua đời, người dân nơi đây buồn lắm, nhất là những cụ già. Buổi tối, điện không có nên mọi người đã hẹn nhau lên nhà văn hóa thôn để cùng nhau kể những câu chuyện về Đại tướng.
Dưới ánh đèn dầu leo lét, ký ức về Đại tướng cứ ùa về khiến mọi người không cầm được nước mắt. Thế rồi, hôm nay tất cả như vỡ òa sung sướng khi nghe tin Đại tướng sẽ về an nghỉ tại đây...”.
Theo ông An, vị trí Đại tướng an nghỉ rất đẹp vì quanh năm yên ắng, thanh bình. Phía bắc là núi Thọ, phía đông bắc là mũi Rồng, phía đông nam là đảo Yến, từ vị trí Đại tướng an nghỉ có thể nhìn bao quát hết vùng Vũng Chùa - đảo Yến.
Cụ Nguyễn Thực (84 tuổi) nói: “Nơi bác Giáp an nghỉ người dân thường gọi là núi Thọ - mũi Rồng, chạy dài khoảng 2,5km dọc bờ biển. Lâu nay, người dân địa phương muốn lên được đỉnh núi thường đi theo một con đường mòn ở phía “đuôi rồng”.
Ở khu vực trên cây tự nhiên chiếm số lượng lớn, ngoài ra người dân có trồng bạch đàn với diện tích khoảng 25ha. Ở sườn núi Thọ đổ về phía bắc có khoảng 20 khe nước nhỏ, như khe Giếng Động, Sẩm Bằng, Thụng Mua...; phía nam khoảng 13 khe nước, như Lá Bứa, khe Nước... Phía bắc có núi Thọ, có mũi Ông, trên đó có một miếu thờ đã lâu.
Theo cụ Thực, nơi bác Giáp yên nghỉ rất đẹp và phù hợp với phong thủy theo quan niệm của người dân địa phương.
Chúng tôi đến mũi Rồng khi trời đã đứng bóng, nhưng nơi đây đã có rất đông người trong làng đang tụ tập để nói cho nhau nghe chuyện sắp được gần bác Giáp.
Cụ Tưởng Văn Kế (86 tuổi) tâm sự: “Từ khi sinh ra đến chừ chỉ nghe tiếng bác Giáp chứ chưa được gặp lần mô cả. Nhưng hình ảnh bác Giáp mãi in đậm trong tâm khảm người dân như tui. Hôm nghe tin bác mất, tui đã khóc. Chừ nghe tin bác về đây tui phấn khởi quá, có điều kiện thường xuyên thăm viếng bác, vinh dự cho người dân Quảng Bình”.
Còn cụ bà Lê Thị Châu (72 tuổi) thì nói ngậm ngùi: “Nghe tin bác Giáp sắp về an nghỉ ở đây, sáng ni tui đã trèo lên để xem nơi bác sẽ an nghỉ, gần 30 phút mới đến nơi, thắp nén hương khấn vái trời đất, tui mong đợi ngày bác về quá”.
Theo người dân địa phương, ở trên núi Thọ có một giếng tự nhiên rất sạch, quanh năm không bao giờ cạn. Cách mũi Rồng về phía tây khoảng 600m có một ngôi mộ đá đã có từ xa xưa, người dân cứ nhặt đá sắp vào, theo năm tháng mộ to dần nên gọi là mộ đá.
Khu vực trên cũng có 1 nhà sàn bằng gỗ, có 1 chuông đồng khoảng 7 tạ trên một tháp cao khoảng 6m, được treo cách đây khoảng 7 năm và 2 ngôi mộ dòng họ Lê nằm phía nam chân núi Thọ đã trên 50 năm.
Ông Võ Quang Đạt - Chủ tịch UBND xã Quảng Đông - cho biết: “Được đón bác Giáp về yên nghỉ là điều rất vinh dự. Chính quyền địa phương sẽ phấn đấu chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón bác về quê hương”.
Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo