Nơi nông dân thích bị...thu hồi đất
Cơ hội đổi đời
Trời nắng như đổ lửa, tôi vượt khe Hàn lên vùng núi bạt ngàn cao su ở khu vực xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Trước khi có dự án trồng cao su về, phần lớn người dân địa phương đến dịp mùa vụ lại đi làm thuê cho các chủ đồi chè, phát thực bì, đốt rẫy thuê cho các nông, lâm trường.
Công việc nặng nhọc, nhưng bà con thu nhập chẳng được là bao. Cuộc sống quanh năm nghèo đói.
Hơn hai năm nay, đất rừng nghèo được chuyển đổi sang dự án trồng cao su, ban đầu nhiều người dân cũng băn khoăn, có ý phản đối do bị thu hồi đất.
Tuy nhiên, khi Công ty CP đầu tư và phát triển cao su Nghệ An (Công ty cao su Nghệ An), chủ đầu tư và chính quyền công bố chính sách đền bù, kèm theo điều kiện những gia đình bị thu hồi đất sẽ được tuyển làm công nhân, phần đất bị thu hồi sau đó sẽ được giao lại cho chính các gia đình chăm sóc theo chính sách của công ty, nhiều người dân tự nguyện bàn giao đất.
Chị Nguyễn Thị Hòe (ở Hội Sơn, Anh Sơn) cho biết, gia đình có hơn 20 ha rừng, thuộc diện rừng nghèo nên thu nhập từ rừng là rất thấp.
Khi dự án trồng cao su vào mọi chuyện đã thay đổi, ngoài khoản tiền đền bù cây cối, hoa màu trên diện tích đất ấy được hơn 300 triệu đồng, hai vợ chồng và con gái lớn của chị còn được nhận vào làm công nhân cao su với mức thu nhập từ 4- 5 triệu đồng/tháng.
Ở vùng đất này, lâu nay dân chủ yếu trồng keo lai, nay chuyển sang trồng cao su theo dự án, nền gần như hộ nào cũng được đền bù ít cũng vài chục triệu, nhiều lên tới cả tỷ đồng.
Phần lớn các hộ sau đó đều được tuyển vào làm công nhân, nên nhà nào cũng mong được vào dự án.
Hộ anh anh Nguyễn Văn Long nhận 618 triệu đồng đền bù, tâm sự: “Dân đồng tình vì vừa có khoản tiền để sửa sang nhà cửa, mua sắm phương tiện và cho con cái học hành, vừa thành công nhân của công ty, được trả lương và đóng các chế độ bảo hiểm hàng tháng, nên ai cũng vui”.
Một số công nhân trước đây được Lâm trường Anh Sơn giao khoán hàng chục ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai và bạch đàn đã đến kỳ thu hoạch, nay nhập về Cty cao su Nghệ An bỗng nhiên thành tỷ phú.
Anh Nguyễn Đình Tuấn (nguyên cán bộ Lâm trường Anh Sơn) cho biết, ngoài khoản tiền đền bù hơn một tỷ đồng, anh Tuấn còn được phía Công ty cao su Nghệ An tiếp nhận làm nhân viên Công ty.
Nhận khoản tiền đền bù rồi, anh Tuấn tiếp tục được Công ty cho nhận khoán lại số diện tích nói trên để tiếp tục sản xuất như bao người công nhân khác.
Nhờ vậy mà chưa đầy hai năm nay, ngoài công việc làm cán bộ ở Công ty, anh Tuấn còn biến gần chục ha rừng nghèo trước đây của lâm trường giao khoán thành đồi cao su xanh tốt, chỉ năm năm nữa là có thể thu hoạch được.
Khi nông dân thành công nhân
Đứng trên phần đất của mình, nay được Công ty giao khoán lại để trồng và chăm sóc cao su, chị Nguyễn Thị Nga (công nhân đội sản xuất 1, Nông trường cao su 12/9) tâm sự: “Cả nhà tôi đều là nông dân. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, do không có điều kiện đi học tiếp nên em đi làm thuê khắp nơi trong vùng, khi thì hái chè thuê cho nông trường chè Hạnh Lâm, khi đi phát thực bì thuê cho Tổng đội thanh niên xung phong, lâm trường … nhưng thu nhập bèo bọt, không đủ sống. Từ khi dự án cao su về địa phương, tôi gia nhập nông trường cao su và được nhận khoán, trồng, chăm sóc và bảo vệ năm ha. Công việc ban đầu tuy có chút vất vả nhưng với mức thu nhập từ bốn đến năm triệu đồng/tháng, gia đình tôi đã thoát nghèo, và còn có tiền giúp đỡ bố mẹ nuôi mấy chị em ăn học”.
Cái lạ ở dự án này là cả chính quyền và dân đều ủng hộ, nên giải phóng mặt bằng rất nhanh. Vì bà con ở một số vùng như Hội Sơn, Phúc Sơn con em vào làm công nhân đều có mức lương thu nhập cao và ổn định, ngoài ra phía dự án cao su còn đóng bảo hiểm, có phần thưởng lớn hàng năm cho những cá nhân, tập thể làm tốt dự án cao su. Ông Nguyễn Quang Tùng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Anh Sơn |
Còn vợ chồng anh Bá Trọng Biên (quê xã Long Sơn, huyện Anh Sơn- công nhân đội 4, Nông trường 12/9), từ ngày nhận khoán 9 ha cao su, trở thành công nhân của Công ty, đóng cửa nhà, gửi ba con nhỏ cho bố mẹ rồi dựng lán trại ở khu vực xã Hội Sơn để tiện chăm sóc rừng cao su.
Ngoài thời gian lên đồi chăm sóc cao su, vợ chồng anh tranh thủ nuôi được hàng nghìn gà, lợn ngay ở lán trại. “Nhờ được vào làm công nhân cao su mà cuộc sống vợ chồng em đã ổn định từ hai năm nay.
Ngoài mức lương gần chục triệu đồng một tháng của cả hai vợ chồng do Công ty trẻ, mỗi vụ vợ chồng em còn thu nhập hàng chục triệu đồng từ tiền chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Hơn nữa, cả hai vợ chồng đều được Công ty cao su Nghệ An đóng các loại phí bảo hiểm hàng năm đầy đủ, nên rất yên tâm”, chị Nguyễn Thị Thủy, vợ anh Biên tâm sự.
Ông Trần Ngọc Thắng, Tổng giám đốc Công ty cao su Nghệ An cho biết, từ khi dự án trồng cao su ra đời, rất đông bà con lao động ở vùng núi này (hai huyện Anh Sơn và Thanh Chương) trực tiếp liên hệ xin được làm công nhân cao su.
Tính đến thời điểm này, tổng diện tích đã bàn giao mặt bằng ở hai huyện Anh Sơn và Thanh Chương cho Công ty cao su Nghệ An là hơn 2.085 ha và đã trồng được hơn 300 ha cây cao su từ một đến hai năm tuổi. Theo kế hoạch, năm 2012 sẽ trồng mới 1.000 ha trên địa bàn hai huyện Anh Sơn và Thanh Chương.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo