Chứng khoán

Nới room, chuyên gia chứng khoán nói gì?

(DNVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 60 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Theo đó, một trong những sửa đổi được chú ý nhiều nhất là quy định mở room cho nhà đầu tư ngoại.

Theo quy định mới, đối với các công ty đại chúng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty, nhưng tối đa không quá tỷ lệ sở hữu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nới tỷ lệ sở hữu các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng lên tới 100%
Nới tỷ lệ sở hữu các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng lên tới 100%

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.

Thông tin được giới đầu tư chú ý nhất chính là việc nới room cho khối ngoại. Việc cho phép tăng tỉ lệ niêm yết của các hà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng lên tới 100%, trừ trường hợp nằm trong diện hạn chế đã khiến các nhà đầu tư ngoại khá hào hứng. Đây là điều mà họ đã chờ đợi suốt 3 năm qua để gia tăng cơ hội đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam, VTV cho biết.

Bà Hoàng Thị Hoa - công ty quản lý quỹ Dragon Capital - nói: “Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam, làm tăng sức hấp dẫn quá trình IPO”.
Hiện, thị trường còn đang chờ đợi các văn bản chính thức hướng dẫn chi tiết việc nới room. Tuy nhiên, đại diện một số quỹ tỏ ra lạc quan về khả năng thu hút dòng vốn mới vào thị trường chứng khoán ngay trong năm nay để đón đầu chủ trương này.

Ông Vương Tuấn Dương - PGĐ Điều hành VinaCapital - cho biết: “Nếu nhà đầu tư biết điều này sẽ được thông qua trong vòng 6 tháng hay 1 năm trước thì sẽ mua cổ phiếu ngay từ bây giờ. Hoặc nhà đầu tư trong nước mua rồi bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới, sự tăng trưởng của thị trường sẽ rõ rệt hơn”.

Đại diện một số quỹ cho biết, việc giải ngân cụ thể sẽ tùy vào kế hoạch của mỗi quỹ, nhưng trước mắt, các lĩnh vực như hàng tiêu dùng nhanh, dệt nhuộm… sẽ là ưu tiên giải ngân ngay khi được tăng tỷ lệ sở hữu.

Một chuyên gia chứng khoán phân tích , việc Thủ tướng Chính Phủ ký nghị định 58 là động thái đánh dấu mức độ quan tâm và nhìn nhận TTCK là kênh huy động vốn dài hạn rất quan trọng cho nền kinh tế. Thực hiện cam kết mở cửa thị trường tài chính và mục tiêu ngắn hạn là TTCKVN vào MSCI : Thị trường mới nổi.

 

Và quan trọng nhất là nhìn nhận nguồn vốn đầu tư Nước ngoài có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế. Nếu chiếu theo mức độ MSCI kỳ vọng thì nhà đầu tư nước ngoài có thể đổ vào đạt 2-3 tỷ USD năm từ 2016-2018.

Nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi là nhóm cổ phiếu lớn hết room, và nhóm nằm trong mục tiêu thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài Hiện trên sàn niêm yết có tầm 20 mã như REE, HCM, TCM, VSC, VNM…Tôi nghĩ trước mắt tác động mang tính tâm lý lớn hơn.
Anh Đinh Hoàng Lân một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cho biết trên bizlive, anh sẽ chú ý đến những doanh nghiệp được khối ngoại quan tâm, tuy vậy, về dài hạn, nhà đầu tư này sẽ vẫn tập trung vào các cổ phiếu cơ bản tốt.

"Tôi cho rằng, trước mắt hiệu ứng nới room sẽ chỉ giúp nhà đầu tư kiếm lời ngắn hạn nên tôi sẽ có thể mua một số cổ phiếu như FPT, HCM, REE, HBC... Tuy nhiên, điều tôi chờ đợi là 2 quỹ ETF sẽ mua thêm nhiều cổ phiếu vào danh mục, từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho cả cổ phiếu trong danh mục. Thậm chí, nếu có thêm nhiều ETF ngoại thì các cổ phiếu sẽ còn hấp dẫn hơn."

Nhìn chung, quyết định nới room mới đã nhận được những tín hiệu rất tích cực từ phía các nhà đầu tư. Hy vọng thời gian tới nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường các hoạt động đầu tư, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên sôi động hơn. 

Nghị định 60 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2015. Đánh giá tác động của việc nới room cho nhà đầu tư ngoại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, “cùng với việc mở room, hy vọng thời gian tới vốn ngoại sẽ đổ vào TTCK nhiều hơn, là cơ hội thu hút vốn nước ngoài vào trong nước. Đặc biệt là “nhắm” vào các doanh nghiệp cổ phần hoá gắn với niêm yết trên cơ sở công khai, minh bạch thông tin”. 

 

Ngọc Huệ (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo