Nới trần bội chi 5,3%: Nguy cơ tiếp tục lãng phí
“Tăng bội chi thực chất chỉ là vay thêm dân hoặc nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu hoặc qua ngân hàng huy động tiền của dân".
Một chuyên gia đầu ngành về kinh tế đã chia sẻ như vậy với Đất Việt khi bàn về câu chuyện Chính phủ xin nới trần bội chi từ 4,8% lên 5,3%.
Nới trần bội chi là vay thêm tiền của dân
Theo vị chuyên gia này, việc Chính phủ xin nới trần bội chi trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng suy giảm và các biện pháp tăng thu chưa phát huy nhiều tác dụng và trần bội chi năm nay không còn nhiều là thông tin rất đáng chú ý.
Xét về mặt tích cực, nới trần bội chi bước đầu có thể giải quyết khó khăn ngân sách, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lo ngại, mặt tiêu cực sẽ khiến tăng thêm nợ của Chính phủ, có rủi ro tăng lạm phát, tăng tham nhũng lãng phí, không đạt được mong muốn tăng tốc độ tăng trưởng và tạo việc làm.
“Thực ra, tăng bội chi chỉ tăng được 0,05-0,1% GDP (với hệ số ICOR là 5-10 của dầu tư công), tức là khoảng 2000-4000 tỷ đồng, một con số quá nhỏ, nếu so với số lãng phí thất thoát vốn cũng là nhỏ, trong khi nếu để tăng lại lạm phát thì thiệt hại có thể lớn hơn, tất cả đều đổ vào nguời dân gánh chịu’, vị này nói.
Theo ông, nếu cũng với số tiền đó mà dùng vào hỗ trợ sản xuất kinh doanh hoặc giải quyết nợ xấu thì có thể hiệu quả tốt hơn.
Tuy nhiên, “hiện có ý kiến đề nghị dùng khoản này để hỗ trợ việc thanh toán nợ XDCB thì rất cần thiết, tuy cũng chẳng được bao nhiêu, vì khoản nợ này còn quá lớn, nhưng phải tiếp tục cắt bớt các khoản đầu tư mới để không tiếp tục tăng nợ XDCB. Với cách làm này thì có thể chấp nhận và tôi đồng tình”, ông nói.
Vị chuyên gia cũng nói thẳng: “Tăng bội chi thực chất chỉ là vay thêm dân hoặc nước ngoài. Tôi hiểu Chính phủ định chỉ vay dân thông qua phát hành trái phiếu, có thể thông qua ngân hàng huy động tiền của dân rồi mua trái phiếu”.
Quốc hội cần yêu cầu giải trình minh bạch
Nhìn ở góc độ thế giới chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới đưa ra con số tăng bội chi trên 5% là mức báo động đỏ theo tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, việc tăng bội chi ở một nền kinh tế mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã và đang phá sản là một điều đáng suy nghĩ.
Theo TS Sơn, dù đây chỉ là một chỉ số để tham khảo bởi có là nguy cơ hay không còn tùy thuộc vào tình hình trạng thái tăng trưởng của nền kinh tế để có thể đưa ra con số 5% là dễ mất kiểm soát.
“Nếu vào thời điểm nền kinh tế có tính chất ổn định cao, dự báo tăng trưởng thì việc tăng thêm nợ không quá lo ngại. Thế nhưng trong bối cảnh quản lý kinh tế yếu kém, thông tin không rõ ràng thì khi đó sẽ tiềm ẩn nhiều rắc rối bên trong”, TS Sơn phân tích.
Theo TS Sơn, khi tăng trưởng không vững việc tăng bội chi khiến công nợ sau này dồn lại trả lãi rắc rối thêm nếu như có biến động gì đó về kinh tế, Chính phủ sẽ rất khó trả và sẽ lâm vào tình trạng nợ nần quá lớn và không thanh toán được. Khi đó mất kiểm soát kinh tế vĩ mô.
Chỉ đơn thuần nhìn theo mô hình kinh tế gia đình, TS Sơn cho rằng thu nhập của cả gia đình được 10 triệu đồng mà chi tiêu hết 9, tiết kiệm được 1 triệu đồng đã là kém. Nếu cố gắng chi tiêu trong khoảng 6-7 triệu thì có thể vào ngưỡng an toàn.
“Trong khi đó lại còn tiêu hết cả 10 triệu rồi tính vay thêm để tiêu mà lại không nhìn thấy nguồn chi trả, công việc khó khăn, nguồn thu hạn chế thì rất đáng lo ngại”, TS Sơn lấy ví dụ minh họa.
Theo TS Bùi Ngọc Sơn, trong mọi quyết định Quốc hội cần yêu cầu giải trình rất cụ thể, minh bạch thì mới cho phép. Nếu không nguy cơ lãng phí lại tiếp tục xảy ra.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Cột tin quảng cáo