Nông dân chán ruộng là cơ hội phát triển nông nghiệp hiện đại
Đó là ý kiến của tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn.
Nông dân giành nhiều thời gian cho các công việc phi nông nghiệp
Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, hiện nay ở một số nơi thuộc các vùng miền Bắc và miền Trung xuất hiện tình trạng nông dân bỏ đất hoặc không còn thiết tha với đất đai. Từ đó dẫn đến tình trạng suy giảm về hệ thống quay vòng đất và năng suất cây trồng, vật nuôi.
Lý do chính của hiện tượng này là vì quy mô sản xuất quá nhỏ. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp cho thu nhập trong các hộ gia đình của phần phi nông nghiệp càng ngày càng tăng. Vì vậy, nông dân họ giành thời gian để làm công việc phi nông nghiệp bên ngoài nhiều hơn sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất trồng lúa trên cả nước năm 2010 đã giảm 378.000 ha so với năm 2000. Bình quân 3 năm gần đây, riêng Hà Nội đã giảm gần 2.000 ha.
Đề xuất giải quyết tình trạng này, ông Sơn cho rằng: Chúng ta phải rút thật nhanh lao động phi nông nghiệp ra khỏi nông thôn. Chuyển hẳn lao động sang phi nông nghiệp một cách chính thức để họ có nghiệp đoàn, có bảo hiểm, được ký kết hợp đồng. Từ đó giúp cho người nông dân khi ra khỏi nông thôn có một hướng đi rõ ràng để bước vào thế giới đô thị.
Còn lại những nông dân giỏi, nông dân có năng lực sẽ tập trung sản xuất theo quy mô lớn hơn để có thể áp dụng cơ giới hóa máy móc.
Nói một cách khác, đây là cơ hội để chúng ta vừa phát triển nông nghiệp hiện đại, đồng thời tiến hành công nghiệp hóa đất nước.
Phát triển nông nghiệp hiện đại kết hợp với công nghiệp hóa đất nước phần lớn vẫn phải dựa vào lao động. Và sau đó, phần lớn cư dân nông thôn sẽ chuyển thành cư dân đô thị.
Tuy nhiên, việc thực hiện cơ hội này như thế nào là còn phụ thuộc ở người dân, các chính sách của nhà nước và cả quyết tâm thay đổi nếp sống, cách nghĩ, cách làm của mỗi người dân.
Cần thay đổi tư duy
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nói:“Trở ngại lớn nhất hiện nay là Nhà nước và người dân chưa thực sự thay đổi tư duy. Người nông dân vẫn muốn giữ lại mảnh đất của mình. Dù họ đi làm ở ngoài ngắn hạn, làm theo tháng, theo vụ nhưng sau đó vẫn quay trở về giữ lại đất đai.
Còn về Nhà nước và một số các thành phần kinh tế lại coi những người rời khỏi nông thôn là những người đi làm không chính thức.
Nông dân có thể đi làm ô sin, cửu vạn, xe ôm… hay bất cứ việc gì khác nhưng họ vẫn không được chuyển hộ khẩu, không được đăng ký lao động, không được tham gia vào công đoàn.
Cách thức suy nghĩ, tư duy của tất cả các bên trong xã hội chưa phù hợp với một nền sản xuất lớn”.
Nói về hướng phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, ông Sơn cũng đưa ra những so sánh sự khác nhau giữa nông nghiệp hai miền Bắc và Nam.
Nông nghiệp miền Nam là nông nghiệp sản xuất lớn, cơ giới hóa, hướng đi xuất khẩu. Còn nông nghiệp miền Bắc là nông nghiệp quy mô nhỏ, và tập trung vào trước hết là thị trường trong nước.
Theo ông Sơn, đây lại là một thế mạnh của đất nước.
Với dân số hiện nay là khoảng hơn 90 triệu người, thu nhập người dân Việt Nam đang rất cao. Mỗi năm, Việt Nam có thêm 2 triệu người vào tầng tầng lớp trung lưu. Vì vậy, nhu cầu về nông sản càng ngày càng lớn.
Đây là cơ hội rất lớn cho thị trường nông nghiệp miền Bắc. Nông nghiệp miền Bắc sẽ hướng đến thị trường trong nước và thị trường châu Á.
Miền Bắc nếu nắm được lợi thế này sẽ có thể phát triển được những hình thức sản xuất mới của mình để chiếm lĩnh thị trường có giá trị gia tăng đặc biệt cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo