Nông dân làm "nhà máy điện":Sở Thái Bình cấm cho... an toàn
Chủ nhân chiếc lò đốt triệt để rác thải và tạo ra điện năng cho biết đã dỡ bỏ chiếc lò chỉ vì bị Sở KHCN Thái Bình cấm chế tạo.
Dỡ bỏ chiếc lò vì bị cấm đoán
Chiều ngày 7/7/2014, phóng viên đã tìm đến ngôi nhà của người nông dân Bùi Văn Kiên (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) để tìm hiểu về chiếc lò đốt rác có khả năng đốt triệt để rác thải và sản sinh nhiệt lượng để phát điện. Tuy nhiên, chiếc lò đã bị dỡ bỏ.
Ông Bùi Văn Kiên, chủ nhân của sáng chế này cho biết: "Năm 2011, tôi đã có cuộc thử nghiệm công khai ở chợ Sặt (xã Thái Giang - PV), lúc đó có cả đoàn làm việc của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình. Trong cuộc thử nghiệm này, tôi đã đốt một khối lượng rác thải gồm nhiều loại từ rác sinh hoạt, rác công nghiệp (sắt thép phế liệu) cho đến rác thải y tế, là thứ khó nhằn nhất.
Lượng điện sản sinh ra đủ thắp sáng 20 bóng đèn sợi tóc 100W, còn lượng khói đen xả ra môi trường gần như không đáng kể. Đoàn của Sở KHCN cũng đã đo đạc những chỉ số điện năng từ chiếc máy của tôi. Nhưng sau đó, tôi nhận được kết quả là không cho thử nghiệm, chế tạo thêm nữa vì lý do không an toàn, mất vệ sinh môi trường."
"Sau ngày đó, tôi có cải tiến mô hình này hiệu quả hơn, đốt rác triệt để hơn, điện năng sản sinh ra ổn định hơn, và đặc biệt là lượng khói thải ra môi trường chỉ là "khói trắng", không độc hại. Nhưng nhiều lần bị cấm đoán, tôi quyết định mang toàn bộ mô hình đó về nhà và dỡ bỏ." - Ông Kiên chia sẻ.
Từ đó đến nay, mô hình của ông Kiên tiếp tục dậm chân tại chỗ, một phần vì để nghiên cứu được chiếc máy này, người nông dân đó đã dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp cả đời của mình, không còn đủ lực để phát triển nghiên cứu. Nhưng trên hết, ông không nhận được sự hưởng ứng của cơ quan chức năng.
"Tôi thử nghiệm chế tạo hoàn toàn bằng tiền của mình, về độ an toàn, tôi làm ở giữa chợ nhưng chưa hề để xảy ra cháy nổ gì cả. Về ô nhiễm môi trường, một mình tôi đốt làm sao bằng được cả xã cả huyện người ta đốt rơm rạ. Mỗi mùa vụ gặt xong, cậu cứ thử đi ra đường xem có mở mắt ra được vì khói rơm khói rạ không, trong khi tôi đốt cả tấn rơm không có khói." - Ông Kiên bức xúc chia sẻ với phóng viên.
"Cấm đoán nhiều, tôi bực mình dỡ luôn cái máy ra cho gọn, bởi mỗi lần nhìn vào tôi thấy xót xa, bức xúc lắm" - ông Bùi Văn Kiên bày tỏ.
Chiếc máy ấy bây giờ bị mổ xẻ, mỗi phần nằm một chỗ trong nhà ông Kiên. Lò đốt nằm ngoài vườn, tua-bin nằm sân thượng, ống xả treo góc bể, còn một số phần lỉnh kỉnh, tức mình ông ném xuống ao.
Người nông dân này không chỉ làm được máy đốt rác phát điện, trong khuôn viên ngôi nhà hai tầng của ông còn lỉnh kỉnh đủ thứ máy có một không hai, nào là biến nước mặn thành nước ngọt, máy đốt rác sản sinh năng lượng làm bình nóng lạnh... Trong nhà ông chỗ nào cũng thấy bản vẽ và lỉnh kỉnh những máy móc, sắt thép.
Chỉ vào những cái máy đó, ông Kiên bình luận: "Tôi còn nhiều ý tưởng lắm, không có tiền, không được cho phép, cũng chả làm được gì. Tất cả các sản phẩm của tôi đều phục vụ mục đích thân thiện với môi trường.
Ví dụ như mấy cái nhà máy nhiệt điện của Việt Nam, tôi đã đi thăm gần hết, toàn công nghệ Trung Quốc, ngày đốt bao nhiêu tấn than. Tôi có cách chỉ cần 5 - 10% số than đó cũng đảm bảo được nhiệt năng cần thiết. Nếu không nhầm thì bây giờ Việt Nam đã phải đi mua than để đốt nhiệt điện thì phải. Từ xuất khẩu thành nhập khẩu, buốt ruột lắm."
Hiện tại đã có một công ty ở Hải Phòng mời ông Kiên lắp đặt một hệ thống đốt rác cho họ, nhận xét về thông tin này, ông Kiên cho biết: "Công ty nào thì tôi không tiện nói, nhiệm vụ của họ là phải đốt, mà mấy năm nay họ không đốt được. Vì thế mà họ nhờ đến tôi. Thái Bình không cho làm tôi đi tỉnh khác vậy."
Người nông dân này cho biết thêm: "Trước đã từng có một công ty ở Thanh Hóa mời tôi hợp tác. Nhưng sau khi phát hiện họ chỉ định ăn cắp công nghệ của tôi, nên tôi đã về nhà và không làm nữa."
Người dân chung nỗi bức xúc với chủ nhân lò đốt phát điện
Ở chợ Sặt, dù ông Kiên đã rời khỏi đó nhiều năm nhưng khi hỏi về người nông dân và chiếc lò kỳ diệu ấy thì ai cũng biết. Bà Nguyễn Thị Hoa, bán thịt ở chợ cho biết:
"Ngày trước thấy ông già ấy cứ lọ mò, ai nhìn cũng thấy thương, cũng bảo lão điên, làm ăn không lo, toàn làm mấy thứ của nợ, suốt ngày chất rác về. Nhưng sau thấy sự thành công của ông, ai cũng ngỡ ngàng. Dân xã chúng tôi tự hào về ông Kiên này lắm."
Khi được hỏi về việc chiếc máy bị ngăn cấm chế tạo, bà Hoa bày tỏ: "Nghĩ cũng xót xa, người ta làm được việc hay như thế nhưng bị ngăn cản, dân chúng tôi là cứ một mực bênh vực cho ông ấy."
Từ đầu làng nhà ông Kiên, khi hỏi thăm vào ngôi nhà ấy, ai cũng biết rõ. Chị Thủy, người đầu làng sau khi chỉ đường cặn kẽ còn nói thêm mấy câu: "Chú báo chí, làm thế nào để cho ông ấy được nghiên cứu tiếp thì tốt. Riêng khoản đốt rơm rạ không khói là bà con chúng tôi mừng lắm rồi."
Được biết, hiện ông Kiên đã được một cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ việc đăng ký sở hữu trí tuệ với công nghệ có một không hai này.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Vén màn bí mật lịch sử khiến người Việt Nam gọi người Trung Quốc là ‘người Tàu’
Một con cua có thể đầu độc 40.000 con chuột, tại sao cua lại độc? Chất độc đến từ đâu?
Trong 'Tây Du Ký', đây là 5 người không có đối thủ khắp Tam giới, Phật Như Lai và Ngọc Hoàng đều không có tên trong danh sách
CLIP: Cuộc đụng độ kịch tính giữa sói đồng cỏ và báo sư tử, màn quyết chiến căng thẳng đến phút cuối
Tại sao ngựa ngủ đứng cả ngày lẫn đêm thay vì nằm? Đọc xong tôi có thêm kiến thức
Cột tin quảng cáo