Nông dân và các nhà sản xuất đều gặp khó
Theo bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2013 tăng 0,57% so năm trước.
Mức tăng này là thấp so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6,04%.
Bà nhận xét, ở nhiều góc độ, giá bán thấp đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng khi mà giá bán sản phẩm của người nông dân là quá thấp trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao là một nghịch lý.
"Điều này khiến cho hơn 60% người dân ở khu vực nông thôn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thu nhập bị giảm sút", bà nhận định trong một nghiên cứu.
Theo nghiên cứu này, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp năm 2013 tăng 5,25% so năm trước.
Chỉ số giá trong năm tăng chủ yếu rơi vào những nhóm ngành công nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước, có giá tăng theo lộ trình như chỉ số giá bán sản phẩm khai khoáng tăng 6,68%, điện và phân phối điện tăng 9,2%, nước và xử lý rác thải tăng 7,23%.
Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn là của các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia sản xuất, có chỉ số giá chỉ tăng 3,4% so năm trước.
Mặc dù đến cuối năm, chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1-12-2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp, chỉ tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ năm 2012, tồn kho là 20,1%) nhưng tồn kho thấp không có nghĩa là lượng hàng sản xuất bán đã tăng mà chủ yếu do thu hẹp sản xuất (hàng bán đến đâu mới sản xuất đến đó).
Điều này thực chất liên quan đến việc giá bán sản phẩm ra thì thấp trong khi một loạt chí phí đầu vào vẫn tăng, rất khó bù đắp chi phí, chứng tỏ ngành công nghiệp vẫn còn trong giai đoạn gắng gượng.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa cũng không ngoại lệ. Năm 2013, chỉ số giá xuất khẩu (tính theo đô la Mỹ) là 99,59% so năm trước, giảm 2,41%. Những mặt hàng nông sản, nguyên liệu thô vốn là thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng nề về giá.
Năm 2013, than và cao su là hai mặt hàng có giá xuất khẩu giảm nhiều nhất. Giá xuất khẩu than đã giảm 15,68%, giá xuất khẩu cao su giảm 18,96% so năm trước, biến động này cũng xuất phát bởi sự giảm sút của thị trường Trung Quốc. Tiếp theo đó, giá xuất khẩu gạo, hạt điều cũng giảm tới gần 10%. Mặc dù giá xuất khẩu gạo đã giảm nhiều trong năm qua nhưng trên thị trường quốc tế, giá gạo Việt Nam vẫn bị đánh giá là có mức cao, vào loại đắt nhất thế giới.
Ngoài ra, một loạt các loại sản phẩm khác như cà phê, hạt tiêu, thủy sản, dầu thô… giá xuất khẩu cũng giảm trên dưới 5%.
Bà Dương nhận định: "Điều này gần như đã gây một tác động kép lên người nông dân, sản phẩm bán tiêu thụ nội địa đã khó, bán tiêu thụ tại nước ngoài còn gặp khó khăn nhiều hơn".
Trong khi đó, giá một số loại dịch vụ tác động đến sản xuất lại không có dấu hiệu giảm hay tăng thấp. Thậm chí, ở những loại dịch vụ hay có những tác động tức thời, dây chuyền đến sản xuất thì trong năm 2013 lại có tốc độ tăng giá vào hàng cao nhất, đó là giá cước vận tải, kho bãi.
Chỉ số giá cước vận tải, kho bãi năm 2013 tăng 6,48% so năm trước.
Vận tải đường bộ hiên nay đang là ngành luôn chịu sức ép tăng giá cao nhất. Giá cước vận tải đường bộ phụ thuộc nhiều vào giá xăng xăng dầu, vốn chiếm từ 35- 40% chi phí vận tải. Trong năm 2013, có đến 10 lần tăng giảm giá xăng dầu, nhưng nếu cộng lại cả năm, giá xăng dầu vẫn tăng nhiều hơn giảm.
Như vậy những người vận tải hàng hóa mặc dù tăng giá cước là bất khả kháng nhưng gây hệ lụy vì tăng giá cước vận tải thì nhiều ngành sản xuất phải gánh chịu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 27/11: Vàng miếng SJC, vàng nhẫn tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 27/11/2024: Tỷ giá USD giữ đà ổn định
Thủ tướng chỉ đạo tăng tốc triển khai giải pháp kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Giá vàng thế giới và nhận định chuyên gia ngày 27/11: Ổn định trước những tín hiệu địa chính trị trái chiều
Giá nông sản ngày 27/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu giữ giá
Giá heo hơi ngày 27/11/2024: Biến động trái chiều ở miền Bắc