Tin tức - Sự kiện

Nóng vấn đề lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội

Tại phiên làm việc sáng nay, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những trao đổi hết sức thẳng thắn về một số vấn đề trong công tác lấy phiếu tín nhiệm các chức danh tại Quốc hội và HĐND các cấp.

Bà Nguyễn Thị Nương – Trưởng Ban Công tác Đại biểu Quốc hội cho biết, qua ghi nhận ý kiến từ địa phương, nhiều tỉnh, thành phố cho rằng đối tượng lấy phiếu theo quy định ở địa phương còn quá hẹp, đề nghị mở rộng đến thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, vì đây là người giữ chức vụ không phải do HĐND bầu, nhưng có liên quan và ảnh hưởng nhiều đến đời sống, kinh tế - xã hội ở địa phương, cần được sự giám sát của nhân dân.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, không cần lấy phiếu tín nhiệm với Trưởng, Phó các Ban của HĐND.

Một số địa phương đề nghị cần có hướng dẫn về thời gian tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên bố trí sau phiên trả lời chất vấn thì sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động chất vấn và giúp cho việc đánh giá mức độ tín nhiệm được chính xác hơn; cần có hướng cụ thể vè việc công khai kết quả và cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí.

Có địa phương đề nghị đối với những người được lấy phiếu tin nhiệm có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì bỏ phiếu tín nhiệm, quy định như hiện nay (trên 2/3 đại biểu) là chưa phù hợp, vì khi tiến hành bầu cử, người đưa ra bầu cũng chỉ cần trên 50% tổng số đại biểu đồng ý là đã trúng cử.

Trong phần thảo luận, ông KSor Phước – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội nhận định: “Giá trị thực tế trong lấy phiếu tín nhiệm là để làm gì? Không phải là để ca ngợi nhau, mà đó phải là hàn thử biểu để đánh giá kết quả công việc của các chức danh được bầu hoặc được phê chuẩn hoàn thành ở mức độ nào?

Theo tôi, không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với đại biểu dân cử, vì công việc thực tế rất ít va chạm với dân. Công việc thì HĐND giao rồi, trả lời dân theo văn bản, theo nghị quyết, cho nên mức độ sai phạm thì rất hiếm, trừ một số trường hợp tham nhũng, vi phạm đạo đức, tác phong làm việc… số này thì ít. Thực tế phản ánh kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh thuộc TVQH và HĐND các cấp đều cao hết, nhưng bên Chính phủ và các ủy ban thì số phiếu cao không được nhiều, đó là do người dân bức xúc với nhiều mặt của đời sống mà chưa được giải quyết”.

Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc

Theo ông KSor Phước, đã đến lúc chúng ta phải bình tĩnh xem xét lại việc lấy phiếu tín nhiệm: “Chúng ta cứ bàn đi bàn lại, tưởng là công trình vĩ đại hóa ra lại bình thường. Chúng ta nên đơn giản như mong muốn của người dân đi. Vừa rồi, tôi đi tiếp xúc cử tri thì bà con đề nghị nếu vẫn tiếp tục duy trì lấy phiếu tín nhiệm thì chỉ nên để 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thay vì 3 mức như hiện nay, làm mất thời gian và hình thức. Bản thân tôi cũng chẳng nhớ được số phiếu cao nhất là ai nữa. Cử tri giờ chỉ nhớ được số phiếu thấp thôi. Cử tri cũng phản ánh là, đã bầu đại biểu rồi, bây giờ sao lại lấy phiếu tín nhiệm nữa, nếu có sai phạm thì đưa lại cho cử tri phán xét. Nhiều địa phương các cử tri mong muốn đưa tất cả những người đứng đầu các sở, ngành vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm”.

Đồng quan điểm với ông KSor Phước, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách đồng tình với quan điểm của ông KSor Phước là không nên bỏ phiếu với đại biểu dân cử, vì hoạt động của cơ quan lập pháp và hành pháp khác nhau.

“Ở TVQH hay ở các ủy ban thuộc TVQH, đồng chí đứng đầu cũng không thể đưa ra quyết định cá nhân, vì chỉ có một phiếu thôi và ở HĐND cũng vậy. Điều này khác hoàn toàn với vị trí của các đồng chí Bộ trưởng. Thế giới cũng vậy, có vấn đề gì thì người ta chỉ bỏ phiếu với cơ quan hành pháp thôi. Nếu vẫn lấy phiếu tín nhiệm thì nó không rõ, vừa rồi lấy phiếu thì các đại biểu dân cử có số phiếu cao, vì đánh giá năng lực ở một phạm vi thôi, chứ không có va chạm trực tiếp với dân”, ông Hiển nói.

Bên cạnh đó, ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng nên xem xét mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, nhưng không tổ chức đều đặn hàng năm.

“Những người được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm và người dám nghĩ dám làm, mà làm thì có đúng có sai, nếu chưa đúng thì cần phải có thời gian sửa đổi, mà năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm thì có khi lãnh đạo của các ngành lại e ngại khi đưa ra một quyết định nào đó, có thể quyết định có lợi cho quốc gia nhưng động chạm tới quyền lợi của địa phương, thế là khi bỏ phiếu thì họ gặp bất lợi”, ông Hiển bày tỏ.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hộ Uông Chu Lưu chia sẻ: “Người dân mong muốn mở rộng lấy phiếu tín nhiệm với cả lãnh đạo các sở ngành và các huyện, tôi cho rằng đây là mong muốn chính đáng.

Đối với quan điểm nên lấy phiếu tín nhiệm trước hay sau phiên chất vấn, UBTVQH và Quốc hội cũng đã cân nhắc và đồng ý không nên lấy phiếu sau khi chất vấn, bởi vì chất vấn thì chỉ là một số vấn đề cụ thể thôi, chứ không thể coi đó là căn cứ đánh giá cả quá trình công tác của cán bộ.

Theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 thì việc lấy phiếu tín nhiệm phải được tiến hành hàng năm và mở rộng dần các đối tượng cần lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy có nên năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm hay không thì TVQH không thể quyết định mà phải xin ý kiến của cấp trên. Việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua được chia làm ba mức, nhưng cử tri ở nhiều địa phương đã có ý kiến mong muốn chỉ nên lấy phiếu ở hai mức. Về việc này thì Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo với Quốc hội”.

Nguyễn Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo