Tin tức - Sự kiện

Nộp phạt trực tiếp giảm tiêu cực nếu CSGT thật thà

Trong điều kiện không có được giải pháp hạn chế tối đa tiêu cực, nộp phạt trực tiếp cho CSGT được cho là ít tiêu cực nhất nếu CSGT ngay thẳng, thật thà.

TS Lê Hồng sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).

PV: Thưa ông, rất nhiều ý kiến tranh cãi cho rẳng quy định cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho CSGT của Bộ Công an là tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng tăng lên.Theo ông, quy định này có khả thi không, xin ông phân tích kỹ hơn tính hợp lý, hợp pháp của quy định này?
 
TS Lê Hồng Sơn: Dự thảo tôi tiếp cận là dự thảo lần 1, chắc chắn Bộ Công an phải cân nhắc, chỉnh sửa nhiều mới có thể ban hành thông tư.
 
Nộp phạt trực tiếp giảm tiêu cực khi CSGT trung thực
 
Dư luận băn khoăn về khả năng phát sinh tiêu cực khi xử phạt vi phạm giao thông là hoàn toàn có lý. Đây là vấn đề nóng tồn tại từ rất lâu trong xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, đã được đặt ra và thảo luận rất nhiều.
 
Trong điều kiện hiện nay, Quốc hội cũng phải cân nhắc lựa chọn giải pháp ít tiêu cực nhất, vấn đề là khi thực hiện, người thực hiện nó thế nào. Tôi cho rằng, có được giải pháp hạn chế triệt để tiêu cực là không khả thi.
 
Theo tôi, giải pháp có vẻ như rất lý tưởng và lý thuyết đó là giáo dục tính trung thực, ngay thẳng của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, trong điều kiện "nói vậy mà không làm vậy" thì làm được việc này tôi biết cực kỳ khó.
 
Về nội dung dự thảo, tôi cho rằng có mấy vấn đề cần phải xem xét.
 
Thứ nhất về tình hợp pháp. Khoản 2 điều 78 của luật đã quy định rõ "vùng sâu, vùng xa, biên giới và miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn" là điều kiện để cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Luật cũng định rõ "xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp.
 
Quy định do Quốc hội định, đồng thời giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề này. Nên, trách nhiệm trước hết là Chính phủ. Chính phủ phải có nghị định thể hiện cụ thể nội dung trên, trên cơ sở luật và nghị định Bộ Công an mới ban hành thông tư để hướng dẫn việc thi hành trong lực lượng công an.
 
Vậy, Chính phủ đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa? Nếu thiếu quy định chi tiết sẽ làm khó cho Bộ Công an vì theo nội dung trong dự thảo lần 1 rõ ràng có vấn đề về thẩm quyền.
 
Cụ thể, tại điều 4, nội dung dự thảo có một số vấn đề, theo tôi Bộ Công an không có thẩm quyền mà phải thuộc thẩm quyền của chính phủ.
 
Thứ nhất, ấn định mức phạt nào đó để cho phép thu tiền phạt tại chỗ.
 
Thứ hai, xảy ra trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga để thu tiền phạt tại chỗ cũng chưa có căn cứ pháp lý.
 
Thứ ba, có một số chuẩn được định trong luật, như hành vi xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biên giới miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn; xảy ra ngoài giờ hành chính; xử phạt trên biển rất cần có sự quy định thật cụ thể , thì tôi lại không thấy trong dự thảo.
 
Phải chăng vấn đề này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ. Thông tư của Bộ Công an mà với nên hướng dẫn trực tiếp các quy định từ luật khi chưa có quy định chi tiết của Chính phủ, sẽ phát sinh một vấn đề rất lớn về thẩm quyền cũng như tính hợp pháp.
 
PV: Vậy, theo ông làm sao để tránh tình trạng "một tay viết quyết định phạt, một tay thu tiền" ,trong khi thực tế CSGT vẫn được coi là ngành có chỉ số tham nhũng đứng đầu bảng và câu chuyện “cảnh sát lộng gậy để đạt chỉ tiêu” mà dư luận quan tâm thời gian qua sẽ đi đến đâu, thưa ông?
 
TS Lê Hồng Sơn: Tôi không có thông tin trực tiếp về việc khoán chỉ tiêu phạt, tuy nhiên cũng có nghe dư luận. Tôi cho rằng, nếu có việc đặt chỉ tiêu tiền xử phạt thì cần phải xem lại. Không thể ấn định chỉ tiêu theo kiểu mỗi ngày phải phạt được bao nhiêu tiền, phát hiện và xử lý được bao nhiêu vi phạm điều này dễ gây ra tình trạng như: cố xử phạt cho đạt chỉ tiêu; hoặc ngược lại khi đã đạt chỉ tiêu thì xênh xang, tùy tiện rất dễ xảy ra hiện tượng "cưa đôi, cưa ba" như dư luận đã nói.
 
Về phía người có thẩm quyền xử phạt như tôi đã nói bị chi phối bởi nhiều sức ép như nhu cầu cuộc sống gia đình, bản thân; tham vọng làm giàu và kể cả nhưng sức ép. Chính tôi từng được nghe một CSGT nói: "em lấy tiền thế này cũng băn khoăn, e ngại lắm nhưng thu tiền về em có được lấy một mình đâu…"
 
Theo tôi, với bất kỳ giải pháp nào cũng đều có mặt hạn chế, bất cập dù thu trực tiếp hay qua kho bạc vẫn có khả năng xảy ra tiêu cực, lấy tiền và cho qua. Vì vậy, phải có giải pháp đồng bộ mới hạn chế tối đa được tiêu cực trong ngành CSGT.
 
PV: Trước đó, ngành công an có quy định CSGT không mang quá 100 ngàn đồng khi làm nhiệm vụ, nhưng giờ lại cho nộp phạt trực tiếp chẳng khác nào “khoán trắng” cho CSGT. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy, theo ông phải lý giải sự tiền hậu bất nhất này của Bộ Công an như thế nào, thưa ông?
 
TS Lê Hồng Sơn: Quy định không mang quá 100 ngàn khi làm nhiệm vụ cũng là một giải pháp nhằm hạn chế tối đa tiêu cực, tuy nhiên để có hiệu quả thì phải đi cùng với công tác kiểm tra, giám sát.
 
Tôi lấy ví dụ, khi kiểm tra, giám sát lực lượng xử phạt vi phạm giao thông có thể xem xét cân đối tiền mang trong người và biên lai xử phạt, có vượt quá hay không, có cân đối không. Tất nhiên, dư luận cũng rất băn khoăn về hiệu quả của biện pháp này.
 
PV: Theo giải thích của lãnh đạo ngành công an, nộp phạt trực tiếp là tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm giao thông, đồng nghĩa với việc khuyến khích vi phạm giao thông, ông nghĩ sao trước vấn đề này?
 
TS Lê Hồng Sơn: Đây cũng là một cách giải thích, nhưng nói tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm dễ gây phản cảm, không tạo được sự đồng thuận trong dư luận. Mục đích của nó là để bớt đi những sự ép buộc, khó khăn mà vì nó người ta có thể dễ dàng thỏa thuận "cưa đôi, cưa ba".
 
Tôi cũng đã nói rồi, đây là một sự lựa chọn nhằm hạn chế khả năng dẫn người ta đến thỏa thuận tiêu cực "làm luật" kiểu "cưa đôi, cưa ba". Còn nói rằng tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm được nộp phạt trực tiếp cũng là một ý, nhưng không phải là vì thuận lợi thế mà người ta vi phạm nhiều hơn. 

PV: Xin cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo