Đời sống

Nữ doanh nhân và quyền lực mềm

Môi trường kinh doanh từng bị thống lĩnh bởi phái mạnh trong một thời gian dài, đã dần trở nên đa sắc hơn nhờ những tài năng kinh doanh đậm chất nữ tính.

30 tuổi, từ vị trí Thư ký, Hoàng Ngọc Vy thế chỗ chồng, trở thành Tổng giám đốc Công ty Viễn Thông A (VTA, quản lý chuỗi siêu thị bán lẻ thiết bị di động Viễn Thông A). Khi đó, bà đã có 5 năm làm việc tại Công ty, nhưng ở vị trí mới, thì trách nhiệm điều hành và định hướng sẽ nặng nề hơn nhiều, nhằm đảm bảo đảm bảo VTA luôn có vị trí vững chắc trên thị trường bán lẻ di động Việt Nam.

 
 
  Hoàng Ngọc Vy  

Nhiều năm trôi qua, giờ đây, bà Vy đã chứng tỏ được khả năng điều hành của mình, với hàng loạt danh hiệu mà VTA nhận được. Thế nhưng, bà Vy không thể quên thời điểm 3 tháng cuối năm 2011, khi lần đầu tiên sau 14 năm hoạt động, VTA không đạt kế hoạch kinh doanh. “Lúc ấy, tôi nghĩ rằng, cần phải có những quyết định và hành động dứt khoát để định hướng phát triển phù hợp cho Công ty”, bà Vy nhớ lại.

Quyết định đầu tiên của bà Vy nhằm giúp VTA đối phó với khủng hoảng là đóng một số cửa hàng kinh doanh không hiệu quả và tập trung phát triển những cửa hàng kinh doanh tốt, chỉ đầu tư phát triển ở những thị trường tiềm năng. Đặc biệt, chiến lược chuyển đổi mô hình trung tâm smartphone để đón đầu xu hướng chuyển đổi của công nghệ các thiết bị di động đã giúp VTA có những thành công nhất định trên thị trường.

Thời gian gần đây, cái tên Thanh “kết nối” rất nổi tiếng trong giới săn đầu người, nhưng để có được phần thưởng đó, Nguyễn Thị Việt Thanh, nhà sáng lập, CEO Công ty Anphabe đã trải qua nhiều thử thách.

 


 
  Nguyễn Thị Việt Thanh  

Theo bà Thanh, thách thức lớn đối với “bà mai” là phải tìm hiểu thật kỹ hai bên, để tránh những “lệch pha” và thất bại không đáng có. Và trên hết, sự bền vững của “mối lương duyên” không chỉ được xây dựng từ nhu cầu của hai bên, mà còn phải xuất phát từ thiện chí, sự chân tình và không vụ lợi của người kết nối.

Điều đó đã được bà chứng minh qua thương vụ mua bán cổ phần giữa Anphabe và Quỹ đầu tư RGIP thuộc Tập đoàn Recruit (Nhật Bản) mới đây. Theo đó, thương vụ này thành công một phần rất lớn là do nhà đầu tư ấn tượng với uy tín của bà Thanh, sau hơn 1 năm được Anphabe hỗ trợ rất vô tư.

Với nữ doanh nhân, so với nam giới, họ có ưu điểm nhẫn nại, kiên trì và tinh tế hơn, nên thường dễ dàng thu phục nhân tâm để nhân viên luôn đồng hành và phấn đấu đạt mục tiêu chung.

Để làm được điều này, đòi hỏi họ phải kết hợp được quyền lực mềm với học vấn hay truyền thống kinh doanh của gia đình. Một Thanh Nguyễn - Anphabe với xuất phát điểm là người làm marketing chuyên nghiệp đã giúp bà có nhiều lợi thế khi đảm nhận vai trò là một CEO. Đó là sự nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu và xu thế của thị trường.

Với bà Đoàn Bích Ngọc, Giám đốc thương hiệu thời trang Canifa nổi tiếng trong giới doanh nhân nữ Hà Nội về cá tính sắc sảo, kiến thức chuyên ngành xã hội học đã giúp bà đáp ứng được những đòi hỏi tinh tế của người tiêu dùng khi bắt tay vào kinh doanh thời trang.

 
 
  Đoàn Bích Ngọc  

Bà Ngọc cũng chia sẻ, phụ nữ luôn được gắn với những từ như mềm yếu, được chở che, cảm xúc..., nhưng vị trí của CEO luôn đòi hỏi nữ doanh nhân phải sống có mục tiêu, ý chí và chủ động. “Vì thế, mọi người thường nói chúng tôi nam tính”, bà Ngọc chia sẻ và cho biết, trong quản trị DN, bà phải đối mặt với vấn đề về giới, khi nhân viên nam, nhất là nhân sự cấp cao, thường e dè và không phục sếp nữ về tầm nhìn, tính quyết đoán.

Còn với Hoàng Ngọc Vy, dù tự nhận mình là người có thế mạnh về điều hành, nhưng đối với bà không có quyết định nào dễ dàng, nhất là những quyết định có liên quan đến yếu tố con người. Thế nhưng, bà đã vượt qua tất cả bằng những nguyên tắc riêng. “Tôi có nguyên tắc là luôn tôn trọng và đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ”, bà Vy nói.

Người ta thường mặc định phụ nữ có bản tính mềm yếu và vai trò chỉ gắn liền với nhiệm vụ chăm sóc gia đình. Vậy nên, trong công việc họ chỉ phù hợp với những công việc mang tính ổn định như kế toán, thư ký, lễ tân…

Nhiều người vẫn quan niệm, phụ nữ không đủ bản lĩnh, không có “thần kinh thép” để đối mặt với sóng gió thương trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều phụ nữ kinh doanh giỏi, đảm đương vai trò CEO không thua kém nam giới.

“Hình ảnh của họ làm cho bức tranh của môi trường kinh doanh vốn bị thống lĩnh bởi phái mạnh trong thời gian dài trở nên đa sắc hơn. Và chắc chắn, những nỗ lực của nữ doanh nhân đã, đang và sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho cộng đồng doanh nhân nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung. Vậy nên, phụ nữ làm kinh doanh là điều cần được xã hội đón nhận và hoan nghênh”, bà Thanh nói.

Theo Báo Đầu tư
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo