Nữ doanh nhân

Áp lực chuyển đổi kép của doanh nghiệp

DNVN - Trong bối cảnh chuyển đổi kép, trọng tâm là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, trở thành xu thế không thể đảo ngược, việc chủ động đổi mới tư duy, nắm bắt công nghệ mới được coi là chìa khoá giúp các doanh nghiệp nữ do làm chủ thành công và phát triển bền vững.

Nhà thiết kế Nguyễn Lan Anh "đưa ruộng bậc thang" lên sàn diễn / Generali Việt Nam bổ nhiệm tổng giám đốc mới

Xu thế không thể đảo ngược
Tại diễn đàn nữ doanh nhân Việt Nam 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) và Quỹ châu Á tổ chức ngày 7/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận định, kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những chuyển đổi rất sâu sắc, mang tính toàn diện, tính cấu trúc và những chuyển đổi mang tính thời đại. Kỷ nguyên thông minh hiện nay đã và đang mở ra cơ hội phát triển bứt phá. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức chưa từng có cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN do nữ làm chủ.
Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số và các công nghệ mới đang làm thay nhanh chóng các mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi kép, trọng tâm là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, trở thành xu thế không thể đảo ngược, đồng thời cũng là những giải pháp bắt buộc để DN có thể nâng cao năng lực phục hồi trước các cú sốc toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hữu hạn, mở ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.
"Bối cảnh hiện nay đòi hỏi DN không chỉ thích ứng, thích nghi với sự thay đổi mà còn phải chủ động để làm chủ và tạo ra sự thay đổi. Phụ nữ là đối tượng chịu tác động mạnh nhất của quá trình chuyển đổi kép hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để thành công phải có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhìn nhận.
Nhấn mạnh những thách thức của của doanh nghiệp, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, xu thế chuyển đổi kép đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng DN. Trong đó có các cam kết tại COP 26, COP 27, những yêu cầu từ các quốc gia châu Âu, có những yêu cầu đến năm 2025 phải áp dụng, nếu không đáp ứng được sẽ không thể xuất khẩu sang châu Âu.
Bà Thuỷ bày tỏ quan ngại khi các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, các DN do nữ làm chủ còn đối mặt nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính, nhân lực và các giải pháp chưa đủ để triển khai "xanh" với "số".
Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đánh giá, tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện nay rất thách thức đối với các DN Việt Nam do nữ làm chủ. Việt Nam tuy đã đạt được tiến bộ đáng kể trong trao quyền cho phụ nữ, nhưng các nữ doanh nhân vẫn đối mặt với thách thức của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mang lại như: tiếp cận tài chính khó khăn, tiếp cận số, tài chính xanh và an ninh mạng vẫn là rào cản. Thêm vào đó, những kỳ vọng về giới cũng có thể hạn chế cơ hội của phụ nữ trong kinh doanh và tiến trình chuyển đổi kép.
Chủ động đổi mới tư duy
Để giải quyết những thách thức trên, theo bà Bùi Thu Thuỷ, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và sự hỗ trợ của các bên liên quan. Nhà nước cần đưa ra cơ chế, chính sách rõ ràng như thế nào là tiêu chí xanh, dự án xanh để tạo điều kiện cho ngân hàng giải ngân. Thời gian qua, nhiều ngân hàng chia sẻ chưa có tiêu chí về dự án xanh.
Với vai trò cơ quan nhà nước về hỗ trợ DN, những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai các chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi kép, nhằm nâng cao năng lực đáp ứng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Bộ cũng đã phối hợp với nhiều nhà tài trợ để triển khai nhiều sáng kiến, xây dựng tài liệu hỗ trợ DN nhận diện tính sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi kép.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ tin tưởng, dù nhiều thách thức nhưng với tinh thần doanh nhân, bản lĩnh kiên cường, doanh nhân nữ Việt Nam sẽ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, biến những thách thức thành cơ hội, nắm bắt cơ hội để tạo ra sự phát triển bứt phá trong kỳ nguyên chuyển đổi kép.
"Chúng tôi rất mong muốn các phụ nữ nói chung và những doanh nhân nói riêng sẽ tiếp tục chủ động trong đổi mới tư duy, nắm bắt công nghệ mới để làm chủ tiến trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số", Thứ trưởng chia sẻ.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phụ nữ Việt Nam với bản lĩnh kiên cường và sức sáng tạo mạnh mẽ có thể trở thành những nhà lãnh đạo dẫn dắt hành trình chuyển đổi kép và làm chủ kỷ nguyên này, triển khai các hoạt động phát triển kinh tế gắn liền với môi trường và trách nhiệm xã hội.
Ông Vinh khuyến nghị các nữ doanh nhân quan tâm nhiều hơn đến các xu hướng kinh doanh mới, trong đó có kinh doanh vị tự nhiên để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, đưa ra sản phẩm xanh - sạch, ứng dụng công nghệ để triển khai mô hình kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế, môi trường và xã hội.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm