Tin tức - Sự kiện

Nước đã đến chân doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng

Thời điểm không ít doanh nghiệp đang vất vả vật lộn với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” thì cũng là lúc những biến động vô cùng to lớn đang đứng bên ngưỡng cửa nền kinh tế của chúng ta.

Đó là Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ đến trong vòng không đầy 12 tháng và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đang trong quá trình kết thúc các vòng thương thảo và có khả năng sẽ được ký vào năm 2015.

Mới đây chúng ta vừa kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do VCUFTA (với Hải quan Nga – Belorussia và Kazakhstan), EVFTA (với Liên minh châu Âu), VKFTA (với Hàn Quốc), trong đó chúng ta được dành nhiều ưu đãi, cơ hội rộng mở cho xuất nhập khẩu. Liệu các doanh nghiệp trong nước có kịp trở tay, hay lại buông xuôi để trôi theo dòng nước?

Tháng 11-2006, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng ta đã háo hức chờ đón một bước chuyển mình lớn nhất từ khi mở cửa hội nhập.

Trước đó, Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA) đã cho thấy là một thành công to lớn của Việt Nam, để giá trị thương mại tăng bình quân 20%, từ 1,5 tỉ USD trước đó đến 30 tỉ USD năm vừa qua.

Tuy nhiên, sự hứng khởi với WTO chỉ ngắn ngủi trong năm 2007, để rồi bắt đầu năm 2008 các doanh nghiệp dồn dập đón nhận bão táp đến từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Thế là hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã không trụ nổi trong bão táp đã lần lượt rời bỏ cuộc chơi. Trong rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan của khó khăn, các doanh nghiệp liệu có đặt câu hỏi khi giật mình nhìn lại: Có phải chúng ta đã lạc quan quá đà? Có phải so với doanh nghiệp các nước, chúng ta đã chuẩn bị một cách quá yếu kém cho cuộc chơi mới?

Bài viết này chỉ muốn khơi dậy mối quan tâm của doanh nghiệp với hai sự kiện hết sức quan trọng đang tới, đó là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong dịp khác, chúng ta sẽ bàn đến các sự kiện khác như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP – gồm 10 nước ASEAN và sáu nước Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand) và Hiệp định Thương mại tự do với EU.

Tại sao lại là TPP và EAC?

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhắc đến nhiều vì đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, với chỉ 12 nước tham gia nhưng có quy mô 40% GDP toàn cầu. Thứ hai, đây được coi là hình mẫu của hiệp định thương mại thế kỷ XXI với mức độ toàn diện cao nhất, không chỉ về thương mại, đầu tư, mà tác động đến cả chính sách trong mỗi nước. Khác với việc gia nhập WTO là gia nhập một tổ chức thì tham gia TPP là ký kết một hiệp định với những điều khoản rất cụ thể. Tuy đã lỡ dịp ký năm 2014, tuy nhiên các bên đang kỳ vọng TPP sẽ được ký trong nửa đầu năm 2015.
 

Xếp hạng năng lực cạnh tranh các nước tham gia TPP. (Nguồn: Diễn đàn Kinh tế thế giới 2014)


 

Cộng đồng kinh tế ASEAN (EAC) lại là sự kiện gần gũi nhất với Việt Nam, với thời hạn đã được ấn định là tháng 12-2015, tức còn đúng một năm nữa. Mười nước ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế tự do với quy mô 2.300 tỉ USD, với dân số 600 triệu người. Giữa cộng đồng này sẽ là dòng chảy hoàn toàn tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng (trước mắt là tám ngành gồm bác sĩ, nha sĩ, y tá, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, giám định và du lịch).

Chúng ta có gì đặc biệt trong TPP và EAC?

Điểm đặc biệt của chúng ta, theo xếp hạng năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 12 nước tham gia TPP thì Việt Nam là nước có năng lực cạnh tranh thấp nhất!

Đáng nói hơn, trong TPP thì Việt Nam có hạng thấp nhất về bản chất của năng lực cạnh tranh. Theo cách phân loại của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong TPP thì bảy nước Nhật, Singapore, Mỹ, Malaysia, Úc, Canada và New Zealand nằm trong nhóm phát triển dựa vào sáng tạo. Hai nước Chile và Mexico nằm trong nhóm phát triển dựa vào năng suất. Riêng Việt Nam và Peru nằm trong nhóm dưới đáy, được gọi là phát triển kinh tế dựa vào các yếu tố được thiên nhiên ban phát. Hay nói cách khác, so trên thế giới thì chúng ta được coi là nền kinh tế đào xúc và hái lượm!
 

Xếp hạng trình độ sản xuất các nước trong khu vực. (Nguồn: Diễn đàn Kinh tế thế giới 2014)
 


Còn trong EAC, đếm đầu quốc gia thì có vẻ như năng lực cạnh tranh của chúng ta không quá tệ: đứng dưới năm nước và đứng trên ba nước. Tuy nhiên, phải nhìn vào quy mô kinh tế thì mới thấy bức tranh thực. Nhóm có năng lực cạnh tranh cao hơn chúng ta chiếm 89% GDP của cả khối, trong khi chúng ta chỉ trên được một nhóm tương đương 3% GDP của cả khối.

Càng đi sâu vào so sánh các chi tiết, càng có nhiều điểm làm cho chúng ta phải giật mình. Việt Nam xếp hạng tệ nhất trong ASEAN về chi phí thuế (gồm chi phí tiền bạc và chi phí thời gian cho thuế). Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, thời gian doanh nghiệp phải tốn cho thuế ở Việt Nam cao gấp 10 lần ở Singapore và năm lần ở Campuchia.

Về trình độ marketing và trình độ quy trình tổ chức, chúng ta đứng hạng 114 và 116 trên thế giới, trong ASEAN, chúng ta xếp hạng thấp hơn cả Lào và Campuchia.

Về hàng loạt các chỉ tiêu quan trọng khác, Việt Nam cũng đứng thấp hơn cả Lào và Campuchia, chỉ đứng trên được một mình Myanmar. Đó là chỉ tiêu về khả năng thu hút nhân tài, khả năng giữ chân nhân tài, chỉ tiêu đầu tư đào tạo nhân viên, chỉ tiêu về niềm tin để trao quyền cho cấp dưới…

Còn về chỉ tiêu xếp hạng sức khỏe của hệ thống ngân hàng, Việt Nam thậm chí còn đứng thấp hơn cả Myanmar, đứng hạng chót trong khối ASEAN.

Doanh nghiệp chúng ta sẽ ở đâu trong cuộc chơi mới?


Để chuẩn bị cho cuộc chơi mới của TPP và AEC, doanh nghiệp các nước đang có những bước chuẩn bị chiến lược rất bài bản.

Singapore đã củng cố vị thế là đầu mối của đầu tư và thương mại trong cộng đồng, là nước đầu tiên trong ASEAN ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU. Năm nay, Hyundai – hãng xe lớn thứ tư thế giới, đã đặt cơ sở sản xuất chiến lược tại Malaysia, để nhắm vào TPP và EAC. Mazda – hãng xe lớn thứ tư của Nhật, đã quyết định đặt cơ sở sản xuất chiến lược ở Thái Lan, cũng một phần để nhòm ngó thị trường EAC. Ngay ở Việt Nam, dễ thấy Thái Lan và Philippines đang tích cực mở rộng các chuỗi phân phối bán lẻ, quảng bá thương hiệu, để mở đường cho cuộc chinh phục thị trường chúng ta.

Trong khi đó, chúng ta nằm trong nhóm bốn nước chậm chân nhất, mà ASEAN gọi là LCMV (Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam). Ba nước kia đã có những cải thiện mạnh mẽ trong mấy năm qua và đã có nhiều điểm vượt trên Việt Nam.

Trong đoạn phim mà Ban thư ký ASEAN nói về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hình ảnh của Singapore là xa lộ thông tin và dịch vụ tài chính, hình ảnh của Malaysia là cơ sở hạ tầng tuyệt vời, hình ảnh Thái Lan là chợ nông sản hiện đại, còn người ta đã giới thiệu Việt Nam bằng hình ảnh gánh hàng rong và đường phố ngập tràn xe hai bánh.

Chuỗi giá trị gia tăng

Trong quá trình hội nhập, các nhà kinh tế không chỉ nhìn vào kim ngạch xuất nhập khẩu, hay tổng vốn đầu tư nước ngoài. Họ còn có cái nhìn khác.

Họ xét xem FDI mang đến những gì cho doanh nghiệp trong nước. Về chỉ tiêu chuyển giao công nghệ với FDI, trong khối ASEAN chúng ta chỉ đứng trên Myanmar, đứng thấp hơn cả Lào và Campuchia. Điều đó nói lên rằng, so với các nước khác thì FDI vào nước ta chủ yếu nhắm vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên.

Về xuất nhập khẩu, chúng ta có những con sốấn tượng như bao nhiêu tỉ USD xuất dầu thô, than đá, mủ cao su, khoai mì, cà phê, da giày hay dệt may… Tuy nhiên, trong giá bán một ly cà phê, chúng ta là người sản xuất cà phê nhưng chỉ được hưởng không đến 1%. Trong một đôi giày hay chiếc áo bán đến tay người tiêu dùng, chúng ta tự hào với dòng chữ “Made in Vietnam” nhưng cũng chỉ hưởng quanh quẩn 1%.

Vấn đề trong hội nhập không phải là bán được bao nhiêu, mà là chúng ta chiếm được vị trí nào trong chuỗi giá trị.

Kinh nghiệm cho thấy, trong nhiều ngành chúng ta đã mất dần khỏi những vị trí có giá trị gia tăng cao như thiết kế, tạo thương hiệu, phân phối bán lẻ… để lùi dần về vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị: gia công và đào xúc hái lượm.

Doanh nghiệp quá thờ ơ?

Tuy TPP và EAC có tác động lớn hơn rất nhiều so với câu chuyện BTA năm 2001 và WTO năm 2006, nhưng tại sao hồi đó doanh nghiệp và truyền thông sôi sục, mà đến nay lại có vẻ thờơ như vậy?

Một số người lý giải là các doanh nghiệp hiện đang vất vả vật lộn hằng ngày với chuyện sống còn, không mấy người đủ thời gian và công sức lo đến tương lai dài hạn. Có vị chuyên gia nói nhiều doanh nghiệp vẫn yên tâm rằng khi nguy kịch thì Chính phủ sẽ giải cứu.

Tuy nhiên, rõ ràng là doanh nghiệp chúng ta đang ở vị thế quá thấp, và chúng ta đầu tư quá ít để chuẩn bị cho giai đoạn mới. Cải thiện trình độ marketing, trình độ sản xuất, đầu tư đào tạo nhân viên, cải thiện niềm tin… đều là việc của doanh nghiệp, không phải của Chính phủ.

Hy vọng là những lời cảnh báo này không mất hút vào khoảng không, giống như những cảnh báo sớm từ năm 2007 khi doanh nghiệp đang hào hứng với chứng khoán và bất động sản.

Hy vọng là cộng đồng doanh nghiệp sẽ có những giật mình, dù đến nay đã là muộn. Nước đã đến chân, chậm thêm sẽ là nước đến cổ.

Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo