Tin tức - Sự kiện

Nước mắt "chợ người" cuối năm

Những ngày cuối năm đến gần, trời Hà Nội vẫn rét buốt. Nhưng từ sáng sớm, tại khu chợ người lớn nhất Hà Nội trên ngã ba đường Bưởi và Hoàng Quốc Việt đã rất đông người ra đứng ngóng việc.

Nơi toàn người sợ... ngồi chơi

Gọi là "chợ người" vì ở đây chỉ buôn bán một loại “hàng hóa” duy nhất là sức lao động. Những người nghèo ở nhiều miền quê như Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa…đổ về đây, hằng ngày ra đứng ngoài đường ngóng, xem có ai đến thuê việc gì thì làm. Có thời điểm khu chợ người đường Bưởi có đến hơn 100 người đứng đợi việc.
 
Mỗi khi có người đến thuê việc thì cả chợ đổ xô lại (Ảnh: Viết Tuân)
 
Năm nay, kinh tế khó khăn, việc làm ít hơn trước. Nếu như mọi năm, tầm này, lao động ở đây làm không hết việc thì năm nay, tình cảnh ế ẩm, đông người đợi việc, ít người thuê kéo dài. Thế nên mỗi khi có một khách đến thuê thì ai nấy đều xúm lại, chỉ mong mình là người được chọn.
 
“Bọn tôi làm bất cứ việc gì, không quản nhọc nhằn, từ việc bốc vác xi măng, chở gạch, chở cát, dỡ nhà, chuyển nhà, đến móc cống, đào bùn…Cứ việc gì có tiền mà chính đáng, không trái pháp luật là làm” – Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, một người đứng đợi việc ở đây cho biết.
 
Anh Hoàng năm nay 27 tuổi, quê ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, làm ở khu chợ người đường Bưởi đã 8 năm nay. Ở quê anh, đất cằn, ruộng ít, mỗi người một sào ruộng, hai vợ chồng làm không đủ nuôi hai con ăn học nên anh ra Hà Nội làm thêm những lúc nông nhàn đề kiếm tiền gửi về cho vợ nuôi con.
 
Ai nấy đều mỏi mắt ngóng người đến “mua sức” (Ảnh: Viết Tuân)
 
Hằng ngày, anh vừa chở xe ôm, vừa đợi xem có ai thuê việc gì thì làm. Những ngày giáp Tết này, dù rét mướt nhưng ngày nào ít việc, anh vẫn đợi khách chạy xe ôm đến tận 12 giờ mới chịu về nghỉ. “Thậm chí, đang nửa đêm ngủ, nếu có người gọi đi bốc hàng ở đâu tôi cũng bật dậy để đi. Giờ cuối năm phải tranh thủ, đêm hôm, mưa gió cũng đi, để kiếm mấy đồng về tiêu tết và lo tiền đóng học năm mới cho các con” – Anh Ngọc cười.
 
Nỗi xót xa bị "ép giá" sức lao động
 
“Cái nghề bán sức lao động ở đây cũng như người đi câu, hôm được nhiều, hôm được ít, hôm trắng tay” – anh Nguyễn Văn Hoàn, một người cũng quê Yên Thành, Nghệ An cho biết thêm. Có nhiều khi cả mấy ngày không có ai đến thuê, anh Ngọc cùng anh Hoan và mấy người nữa không có tiền thuê phòng trọ, vậy là cùng đốt lửa trên vỉa hè, ngồi cả đêm đợi khách đi xe ôm.
 
Hoàn cảnh của anh Hoàn cũng khó khăn như anh Ngọc. Anh Hoàn ra đây đã được 17 năm, là một trong những người đầu tiên ở khu chợ người đường Bưởi. Nhà anh có hai con đang học cấp III, nên ngoài tiền học phí, còn tiền mua sách vở, tiền học thêm, ôn thi đại học. “Lúc có việc, dù làm mệt, nhưng cứ nghĩ đến lúc được cầm tiền gửi về cho con mình vui lắm. Nhiều lần con ở quê gọi điện lên xin tiền đóng học, mà mấy ngày không có việc, kiếm tiền ăn ở cho mình không đủ, không có tiền gửi về cho con, mình thấy làm cha như vậy có lỗi lắm” – anh Hoàn tâm sự.
 
Năm nay việc ít, các anh tính ở lại đến tận 28 Tết mới về. Vì: “Ở lại thêm mấy ngày cuối năm, biết đâu sẽ có thêm vài người thuê mình bốc vác hay dọn dẹp nhà cửa, khuân vác cây cảnh cho họ, thì sẽ được vài trăm, đỡ tiền tàu xe về quê”.
 
Cảnh ế ẩm ở khu chợ người đường Bưởi (Ảnh: Viết Tuân)
 
Nhưng, ít việc, chẳng đủ tiền gửi về cho con ăn học, chẳng có đồng dành dụm về quê việc ngày Tết chưa phải là những nỗi xái xẩm duy nhất của những lao động này. Ngay cả khi có việc, các anh cũng phải chịu những cay đắng riêng. Anh em đồng hương tranh nhau công việc, bị chủ ép giá...
 
Bác Trung - một người lao động ở đây cho biết: năm ngoái, người ta thuê bốc vác 1 tấn xi măng, rau quả giá 100 nghìn, nhưng nay giảm còn 50 nghìn; thậm chí có nhiều chủ khi ở đây đồng ý một giá, đến lúc chúng tôi làm xong lại kỳ kèo một giá mà vẫn phải làm. Không làm thì không có tiền mang về cho gia đình ăn Tết. Sức thì sẵn có, việc lại khan hiếm, nên "chợ người" đành nhắm mắt vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.
 
Những ngày cuối năm, trong khi nhiều người háo hức được thưởng Tết, lo sắm sửa cho Tết này ra sao, thì ở đâu đó, những góc phố của thủ đô, vẫn có những khu chợ người đang mỏi mòn trông ngóng để được “bán sức”.
 
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo