Ông già sửa giày mê phượt
Nằm trong hẻm 40D3 Chu Văn An, quận Bình Thạnh (TP.HCM), hiệu sửa giày Ngọc gây hiếu kỳ bởi những bức ảnh chụp phong cảnh rất nhiều vùng quê trên đất nước Việt Nam. Đó là kết quả những chuyến đi phượt một mình trên chiếc xe già nua của ông già 85 tuổi, chủ tiệm sửa giày này.
Tuổi 85 vẫn không ngừng phượt
Nhờ được tân trang những phụ kiện như đồng hồ coi giờ, bọc lốp cao su chống rung cho kính chiếu hậu, bàn đạp mà chiếc xe Honda dame chiến đấu cùng ông trên quãng đường dài. Sau này có dịp, ông còn ghé lại những nơi chốn đã qua thêm vài lần nữa. Năm 2009, ông đến chiếc cầu ngói đầu tiên ở Hội An và bị hút hồn bởi vẻ đẹp của nó. Lục tìm tài liệu, ông biết được trên đất nước hình chữ S này có năm chiếc cầu ngói nổi tiếng, ông quyết đi cho bằng được để tìm hiểu đặc trưng của mỗi vùng miền. Hình ảnh năm chiếc cầu ngói cũng là một trong những gia tài quý giá của tiệm sửa giày. Ông nói về đam mê phượt của mình: “Mỗi vùng quê đều có văn hóa, giọng nói, cuộc sống khác nhau, miền Nam làm gì có mùa thu như Hà Nội, nơi ta đến hôm trước thì hôm sau đã khác…”. Theo thời gian, album ảnh dày lên, những bức ưng ý nhất ông phóng to treo lên cửa nhà, thỉnh thoảng khách hỏi mua, ông vui vẻ bán đi nhưng mục đích chơi là chính. Nếu quay trở lại, ông còn mang theo cả tập ảnh chụp những người ông từng gặp để tặng.
Ông nhớ nhất chuyến hành trình dài hơn 20 ngày đi từ TP.HCM tới Cao Bằng năm năm trước, ông gặp một cô chủ quán cà phê trên đường Lý Quốc Sư (thủ đô Hà Nội). Cô mời ông cà phê miễn phí và chúc ông suôn sẻ hành trình. Lần sau ghé lại, ông tặng cô tấm ảnh làm cô rất ngạc nhiên, tự nhiên thân thiết từ đó. Thậm chí có những bác tài không cần mất tiền đi xe ôm cũng cởi mở chuyện trò với ông nhờ cách này.
“Một tấm ảnh rửa ra không bao nhiêu nhưng người nhận ngạc nhiên và quý lắm. Họ không ngờ vùng đất nơi họ sống có tâm hồn, có giá trị trong mắt người phương xa như vậy” - ông chia sẻ.
Dấu chân người đi qua, kỷ niệm đẹp để lại
Ít ai biết ông Ngọc đã từng có thâm niên sửa giày 67 năm nay. Bao năm nay, ở góc phố này, người thợ sửa giày già này đã để tâm lắng nghe sự đổi thay của TP. Ông bảo TP ngày xưa yên bình, có tôn ti trật tự. Cái trật tự ấy ngày nay đã lỏng lẻo đi nhiều, cái xấu vì thế cũng le lói nhiều hơn. Ông lo sợ thót tim mỗi khi nghe tin có chuyện chặt xác, giết người… diễn ra.
11 người con của ông cũng khôn lớn từ nghề của cha. “Gia đình hay xã hội đều phải có tôn ti trật tự, đều phải lấy cái nhân ái làm trọng, nếu không thì hỏng hết. Tôi dạy con cái phải nghiêm khắc với bản thân, giúp được ai thì giúp chứ đừng gây nên mâu thuẫn, hận thù. Con cái dù nhà có giàu đến mấy cũng phải được dạy lao động từ nhỏ để ra đời tự lực cánh sinh, sống cho tử tế chứ không dạy để con thành người thành đạt, bà bác sĩ, ông kỹ sư” - ông nói.
Ông vui vì con cái của mình đều đã nên người nhưng cũng buồn vì thấy xã hội bất an. Hỏi tài sản đáng quý nhất của ông là cái gì, ông không ngần ngại chỉ đôi dép cao su nặng gần 1 kgvá chằng vá đụp. Đó là cách ông ngụy trang để khỏi bị cướp bóc, giựt dọc. “Đi đâu người ta cũng tưởng tui là ông già bán vé số chứ không nghĩ trong túi có tiền và máy ảnh mấy chục triệu nên không sợ mất, cướp bóc ở thời buổi này, chỉ sợ chó mèo thấy lạ mà tha đi thôi” - ông hóm hỉnh.
Trời mưa, vài người khách đến nhờ sửa giày. Mặc dù khách chỉ yêu cầu dán đế nhưng ông còn tỉ mỉ dán thêm miếng đệm cho lòng giày đã mòn. “Khách không cần trả tiền thêm nhưng người ta sẽ nhận ra mình cũng quý đôi giày của họ. Tôi muốn nơi nào có dấu chân người đi qua, nơi đó phải để lại kỷ niệm đẹp. Làm việc gì cũng phải hết lòng” - ông Ngọc nói.
Đã tròn trách nhiệm với 11 người con, giờ là lúc thảnh thơi nhưng ông vẫn muốn dành tuổi già của mình để đi khắp đất nước trải nghiệm cuộc sống. Bởi ông mê những đôi giày và mọi chuyến đi.
Sẽ mời ông già truyền kinh nghiệm phượt cho giới trẻ
Mình biết bác Ngọc qua diễn đàn www.phuot.com và rất ngưỡng mộ hành trình đi phượt của bác. Mỗi lần đi phượt, bác đều chuẩn bị tốt hơn những bạn trẻ đi phượt mình từng biết như trang bị đèn chiếu sáng cho xe vào ban đêm, đắp thêm da vào bố thắng để an tâm hơn khi đi đường trơn, sổ tay hành trình về những vùng đất và con người nơi bác đến ghi rất chi tiết, cụ thể. Không những trải nghiệm văn hóa, lối sống ở nơi mới mà bác còn chú ý kết giao, chia sẻ với mọi người trên từng cây số. Đây là cách phượt mà giới trẻ cần phải học ở bác. Giới trẻ đi phượt hay tự thể hiện bản thân, chụp ảnh mình rồi tung lên mạng cho cả thế giới biết, còn bác chỉ âm thầm lưu lại văn hóa, nét đẹp của con người ở đó qua những cuốn album ảnh đầy tình cảm. Hội phượt của mình có hơn 200 thành viên. Sắp tới mình sẽ mời bác chia sẻ với các bạn trẻ về kinh nghiệm đi phượt để các bạn tích lũy được nhiều vốn sống hơn khi vác ba lô lên vai.
NGÔ TRẦN HẢI AN, Hội trưởng Hội phượt 3ackpackers
Tôi đã từng sửa giày ở đây từ hơn chục năm nay, từ đời cha mẹ, đến đời tôi rồi nay con tôi đều là khách hàng của ông. Đến đây được nghe ông nói chuyện về văn hóa, con người ở khắp các vùng miền, về những chuyến đi phượt và tư vấn tỉ mỉ cách sửa giày sao cho tối ưu nhất. Với thâm niên dày dạn trong nghề, ông còn đoán được tính cách của chủ nhân từng đôi giày.
Chị TRẦN PHƯƠNG TRÂN, quận 1
End of content
Không có tin nào tiếp theo