Tin tức - Sự kiện

Ông Khuất Việt Hùng: 'Tịch thu xe là có cơ sở pháp lý'

Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, tai nạn giao thông sẽ giảm nếu đề xuất xử lý mạnh tay với các lái xe say xỉn được Chính phủ thông qua.

 

- Ủy ban an toàn giao thông quốc gia dựa trên cơ sở pháp lý nào để đưa ra đề xuất tịch thu phương tiện của lái xe say rượu?

- Chúng tôi khẳng định có cơ sở pháp lý và yêu cầu tăng nặng với hành vi say xỉn (nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở). Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính gây nguy hiểm cao cho xã hội. Trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền, vấn đề là chúng ta triển khai như thế nào.

Qua thông tin báo chí, chúng tôi nhận thầy phần lớn mọi người đồng tình song cũng có ý kiến thắc mắc về mức phạt. Mục đích của chúng ta đưa ra chế tài đó không phải nhằm để xử phạt người dân mà là biện pháp giáo dục, răn đe cao.

- Một số luật sư phân tích quy định tịch thu tài sản của người vi phạm hành chính là trái Hiến pháp, Ủy ban đã xem xét điều này chưa?

- Chưa thấy luật sư nào phản biện trực tiếp với tôi về vấn đề này. Chúng tôi có văn bản đề xuất trình Chính phủ dựa trên các căn cứ pháp lý đã có.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc tịch thu phương tiện của người vi phạm là không công bằng khi giá trị mỗi loại xe khác nhau, ý kiến của ông?

- Ở đây chúng ta bàn đến hình thức tịch thu phương tiện chứ không bàn đến giá trị của nó nữa. Nếu phạt theo giá trị xe thì chúng tôi đã đề cập mức phạt tiền ngay từ đầu. Chúng tôi nghiên cứu và trình với Chính phủ đề xuất phạt phương tiện tham gia cùng hành vi vi phạm, uy hiếp đến an toàn xã hội. Bất cứ loại phương tiện nào cùng với người điều khiển phạm lỗi có mức xử phạt là tịch thu phương tiện thì xe máy hay ôtô không khác nhau.

Có người nêu ý kiến là anh này đi xe Rolls - Royce còn ông kia đi Matiz thì xử phạt thế nào. Nếu vi phạm, cả hai người đều bị xử lý như nhau, phương tiện tham gia hành vi đó cũng phải bị tịch thu như nhau.

Hay có người nói chỉ nên tịch thu xe không đăng kiểm hay xe đã gây tai nạn nghiêm trọng. Khi người sử dụng xe vi phạm thì phương tiện đều là như nhau, nếu chỉ thu xe không đăng kiểm thì lại giống như vấn đề so sánh giá trị xe.

- Có nhiều hình thức xử phạt khác với chủ thể vi phạm thay vì tịch thu phương tiện, ông nghĩ sao?

- Nhiều nước đã áp dụng hình sự hóa với lái xe say rượu để tăng tính răn đe. Chúng ta tránh hình sự hóa những hành vi vi phạm này, dù chúng tôi rất muốn hình sự hóa lái xe say rượu, vì chế tài càng mạnh thì càng có tính răn đe.

Chúng ta chỉ hình sự hóa hành vi lái xe say rượu khi tần suất xuất hiện các vi phạm này cực kỳ thấp. Nếu cách ly người đó khỏi xã hội 1-2 năm, cơ hội của họ sẽ thấp. Còn nếu tịch thu phương tiện thì người đó vẫn có cơ hội lao động, học tập, làm những việc khác và có thể mua phương tiện khác. Rõ ràng khi tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn còn cao như hiện nay thì chế tài hình sự sẽ gây khó khăn cho xã hội.

- Khi gia đình có chung một xe để đi lại hoặc mưu sinh, việc tịch thu phương tiện sẽ  ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Người điều khiển phương tiện đó cũng phải suy nghĩ là chiếc xe này rất quan trọng, ảnh hưởng đến gia đình mình, nên càng phải có trách nhiệm, không vi phạm các quy định để bảo vệ lợi ích gia đình. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình cũng là bảo vệ cuộc sống gia đình mình.

Hay trường hợp lái xe cho doanh nghiệp mà bị tịch thu phương tiện. Đây là quan hệ dân sự của lái xe và doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý phương tiện và lái xe. Tôi xin nhắc lại một người lái xe say rượu ở Nhật có thể bị phạt đến 5 năm tù. Người giao xe cho người say rượu cũng bị phạt tương đương, người cung cấp rượu bị phạt 3 năm tù, người ngồi cạnh cũng bị phạt.

- Nếu đề xuất này được Chính phủ chấp thuận, ông kỳ vọng tình hình tai nạn giao thông sẽ như thế nào?

- Tôi khẳng định chắc chắn sẽ giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Tỷ lệ vụ tai nạn xảy ra do uống rượu bia hiện chiếm 40%, những ngày lễ tết lên tới 60%. Các nguyên nhân khác gây tai nạn như lấn đường, thiếu chú ý... cũng có thể do uống rượu bia quá nồng độ mà mất kiểm soát hành vi.

Ủy ban An toàn Giao thông đã đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai cho các ngành từ ngày 15/3.

 

 Theo ông Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội, phải phân biệt một bên là giá trị cao của tài sản có thể bị tịch thu, một bên là quyền bảo hộ tài sản đó trong pháp luật. Khi đưa ra luật này thì yếu tố giá trị tài sản không được cân nhắc ở đây.

Trong Hiến pháp 2013 quyền bảo hộ tài sản là rất cao nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những chế tài liên quan đến tài sản vi phạm mà không kể đến giá trị của nó như thế nào. Trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về việc xử lý tài sản vi phạm, bộ luật Hình sự cũng có những quy định tương tự nên ở đây về mặt pháp lý và hiến định trong văn bản thì những đề xuất này không vi phạm hiến pháp.
 

Vnexpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo