Ông lớn ngân hàng nhảy vào bán lẻ: Cuộc chiến thị phần lên cao trào
Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cuộc đua giành thị phần bán lẻ giữa các ngân hàng chưa bao giờ hết nóng. Nhưng với việc 3 ông lớn quốc doanh cũng nhảy vào bán lẻ cho thấy tiềm năng của thị trường 90 triệu dân.
Ông lớn nhảy vào bán lẻ
Ông Toại cho biết, sau sự cố năm 2012, ACB lại quay về với định hướng ban đầu là xây dựng lại thương hiệu ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Mục tiêu của ACB là doanh thu, lợi nhuận đến từ bán lẻ và DNNVV chiếm khoảng 60 – 65%.
Để đạt được thị phần đó, ACB đang hoàn thành kế hoạch thành lập công ty tài chính để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với vốn điều lệ dự kiến 500 tỷ đồng. Mô hình công ty có thể dưới hình thức mua lại hoặc thành lập mới với các hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, bao thanh toán.
Vietinbank cũng đang cho thấy quyết tâm trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Đây là hướng đi mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước định hướng cho Vietinbank nếu muốn trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam và có tầm cỡ khu vực.
Bởi vậy, tại đại hội cổ đông năm nay, Vietinbank đã đặt kế hoạch tăng trưởng của mảng ngân hàng bán lẻ là 57%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Vietinbank đã nhận sáp nhập PGBank vào hệ thống với mô hình thành lập công ty tài chính PG-Vietinbank.
BIDV cũng cho thể hiện quyết tâm “công phá” lĩnh vực bán lẻ bằng việc xin ý kiến cổ đông để thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Đây chính là cánh tay nối dài giúp BIDV gia tăng thị phần bán lẻ.
Việc thành lập công ty tài chính sẽ được thực hiện thông qua 1 trong 3 phương án: mua lại công ty tài chính đang hoạt động, thành lập công ty tài chính mới hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV.
Vốn là ngân hàng có thế mạnh trong lĩnh vực thanh toán thẻ, thẻ tín dụng, Vietcombank đang muốn mở rộng bán lẻ thông qua việc bán sản phẩm, dịch vụ trong năm 2015.
Một dấu hiệu tích cực cho thấy cho vay khách hàng cá nhân của Vietcombank tăng mạnh. Tính đến 31/12/2014, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng tốc mạnh về cuối năm và đạt mức tăng trưởng 39% cả năm mặc dù từ đầu năm đến tháng 6 mới chỉ tăng 7%. Điều này chủ yếu là nhờ các gói tín dụng lãi suất cạnh tranh 7,5% cho vay tiêu dùng trong năm đầu tiên.
Vào cuối năm 2014 cho vay tiêu dùng chiếm 16% tổng dư nợ trong khi tại thời điểm cuối 2013 là 13,6%. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Vietcombank đang hiện thực hóa chiến lược mở rộng cho vay tiêu dùng vốn được nhiều người coi là động lực tăng trưởng chính trong tương lai cho ngân hàng.
Không đứng ngoài xu hướng này, Sacombank cũng muốn đẩy mạnh nguồn thu đến từ lĩnh vực bán lẻ bằng cách chuyển đổi/sáp nhập công ty cho thuê tài chính hiện hữu thành công ty tài chính. Tuy nhiên, để tránh bị gián đoạn, Sacombank sẽ thành lập công ty tài chính mới trực thuộc ngân hàng. Sau khi thủ tục hoàn tất sẽ thực hiện sáp nhập 2 công ty này làm một với vốn điều lệ dự kiến 500 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 21/4, chủ tịch HĐQT MB, ông Lê Hữu Đức, cũng cho biết MB sẽ mua lại hoặc sáp nhập TCTD khác để thành lập công ty con nhằm đẩy mạnh lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Mục tiêu của MB trong việc thành lập công ty tài chính để triển khai lĩnh vực kinh doanh mới là tài chính tiêu dùng nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giảm rủi ro và khai thác các tiềm năng phát triển trương tương lai.
Kế hoạch năm 2015 của MB là gia tăng gấp đôi số lượng khách hàng nhằm đẩy mạnh dư nợ cho vay cá nhân. Đến 31/12/2014, MB có khoảng 3 triệu khách hàng, trong đó có khoảng 1,8 triệu là cá nhân. Năm 2014, riêng tăng trưởng dư nợ cho phân khúc khách hàng cá nhân, MB dẫn đầu thị trường với tỷ lệ 66%.
Thị phần sẽ vào tay ai?
Lý giải việc đổ xô đi bán lẻ của những ông lớn, ông Toại nhận định, thực tế lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam rất tiềm năng, điều này thể hiện rất rõ qua động thái của các tập đoàn, ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam đều nhắm tới lĩnh vực bán lẻ. Hiện nay chiến lược của ngân hàng ngoại cũng nhắm vào lĩnh vực bán lẻ. Vậy nên các ngân hàng trong nước cũng không thể bỏ qua lĩnh vực tiềm năng này.
Những ông lớn quốc doanh như BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank… thì cho rằng lợi thế sẽ đến từ mạng lưới giao dịch rộng khắp, hệ thống khách hàng doanh nghiệp lớn cùng với tiềm lực tài chính mạnh.
Với BIDV, ngoài lợi thế về sản phẩm cho vay mua nhà, bất động sản, ngân hàng sẽ khai thác được khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đây vốn là địa bàn của MHB (ngân hàng sáp nhập với BIDV). Khai thác hiệu quả khu vực này, BIDV sẽ tăng được thị phần bán lẻ và đẩy mạnh phân khúc nông nghiệp nông thôn.
Còn Vietinbank và Vietcombank thì đẩy mạnh bán lẻ theo chiều dọc, đó là đẩy mạnh khai thác từ khách hàng lớn. Riêng Vietinbank, việc nhận PGbank về sẽ có thêm phân khúc mục tiêu để khai thác, cụ thể là Petrolimex (cổ đông lớn của PGBank). Theo đó, Vietinbank sẽ xây dựng những sản phẩm, dịch vụ đặc thù nhằm khai thác 2.000 trạm xăng toàn quốc, mạng lưới khách hàng của Petrolimex và hơn 5 triệu khách hàng của PJICO, công ty liên kết của Petrolimex.
Mục tiêu mở rộng bán lẻ của Vietcombank là xây dựng những sản phẩm dặc thu để tăng cường bán chéo sản phẩm bán lẻ cho cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp đang có quan hệ giao dịch với Vietcombank. Thời gian qua, Vietcombank đã tiếp cận và triển khai bán hàng tại một số doanh nghiệp lớn như: PVEP, PVI, BVH…
MB cũng đặt kế hoạch sẽ phát triển thêm 3 triệu khách hàng mới trên nền tảng mối quan hệ hợp tác với cổ đông chiến lược Viettel để cùng phát triển các ứng dụng ngân hàng hiện đại.
Cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ của các ngân hàng ngày càng gay cấn bởi ngân hàng nào cũng có lợi thế riêng. Tuy nhiên, câu chuyện ngân hàng đi bán lẻ vốn không dễ dàng vì bề ngoài sản phẩm có vẻ là giống nhau nhưng bên trong mỗi gói sản phẩm đó là sự khác nhau về quy trình.
“Nói cùng là bán lẻ, nhưng quy trình của mỗi ngân hàng là khác nhau. Trên thực tế, lợi thế sẽ đến với ngân hàng được xây dựng theo mô hình bán lẻ, vì đây sẽ là yếu tố giúp ngân hàng tiết giảm được chi phí hoạt động kinh doanh”, ông Toại bình luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo