Ông Phạm Bình Minh, di sản và thử thách
Nền ngoại giao Việt Nam đã quay lại với mô hình Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, từng được áp dụng cách đây ít năm trong nhiệm kỳ của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Sự “trọng thị” công tác đối ngoại một lần nữa đã được khẳng định trong chính sách của Đảng và Nhà nước, khi quá trình hội nhập vẫn đang được tiếp tục ngày càng sâu rộng.
Người đã được Chính phủ và Quốc hội đồng ý đặt lên vai trọng trách đó là ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, người đã có 32 năm trong ngành ngoại giao.
Di sản
Khi có tên trong danh sách được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ 10, năm 2006, ông Phạm Bình Minh còn khá vắng tiếng. Cũng không phải ai cũng biết ông là con trai của cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người từng có hai khóa Ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Phạm Bình Minh bắt đầu công việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 1981 thì từ tháng 1/1980 ông Nguyễn Cơ Thạch đã là Bộ trưởng Ngoại giao, một chức vụ ông giữ liên tục từ đó đến năm 1991. Cần nhắc lại, đó là giai đoạn đặc biệt khó khăn của Việt Nam trên nhiều phương diện, và ngành ngoại giao luôn được đặt trong tình trạng áp lực cao từ nhiều phía.
Nhưng đó cũng là thời kỳ mà một lực lượng nhân sự ngoại giao từ cấp chuyên viên đến lãnh đạo được tôi luyện, trở thành cốt cán cho những thập kỷ sau đó, cho tới ngày nay, trong số đó có ông Phạm Bình Minh.
Truyền thống gia đình rõ ràng là một yếu tố quan trọng trong hành trình của nhiều chính khách hiện nay. Nền chính trị Việt Nam hiện nay cũng có những chính khách là con của các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, và họ đã và đang xây tiếp truyền thống. Chính trị cũng như nhiều “chuyên ngành” khác, việc tiếp xúc sớm với môi trường công việc và con người trong đó là rất quan trọng để định hình những nhân cách và cá tính cụ thể. Ông Phạm Bình Minh, bởi vậy, không phải là một tiền lệ.
Tân Phó thủ tướng có lần từng kể, năm 1977, ông đã đăng ký dự thi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tuy nhiên do ảnh hưởng của cha, ông chuyển sang dự thi và được tuyển vào Học viện Quan hệ Quốc tế. Không quá khi nói rằng người cha Bộ trưởng đã có tiếng nói quyết định cho sự khởi đầu, nhưng sẽ là khập khiễng nếu nói rằng người cha Bộ trưởng đã nâng bước. Khi ông Nguyễn Cơ Thạch rời ghế Bộ trưởng năm 1991, ông Phạm Bình Minh chỉ mới được thăng làm Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, sau 10 năm lăn lộn với vai trò của một chuyên viên. Hành trình từ đó, như sự thừa nhận rộng rãi trong giới ngoại giao, chuyên môn là yếu tố quyết định.
Tháng 8/2007, ông Minh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và tháng 11 cùng năm ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Thường trực. Thêm một bước tiến quan trọng khác là tại hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10, ông được chuyển từ Ủy viên dự khuyết thành Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương từ ngày 13/1/2009. Tháng 8/2011, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13, ông được bầu làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chiếc ghế mà cha ông đã từng ngồi, trước đó. Và tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, ông Phạm Bình Minh đã chính thức được Quốc hội phê chuẩn làm Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, theo đề nghị của Thủ tướng.
Năm 2006, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Minh nói rằng cha ông đã “rất tâm huyết với nghề ngoại giao và mong mỏi có một người con nối nghiệp”. Ông cũng khéo léo nhấn mạnh rằng ảnh hưởng từ người cha chỉ là chuyện chuyên môn thuần túy. “Cha tôi nghỉ việc ở ngành ngoại giao từ năm 1991 và mất cách đây đã tám năm (tính ở thời điểm 2006 - PV) nên không thể nói tôi nhờ ông can thiệp này nọ vào công tác tổ chức nhân sự. Nhưng những kết quả tôi đạt được ngày nay phần nhiều nhờ tôi học từ cha mình. Ông vừa là người cha, vừa là người thầy của tôi và ảnh hưởng rất lớn tới phong cách làm việc của tôi”, ông Minh nói.
Thử thách
Sáng nay (14/11), câu chuyện ngắn ngủi bên lề của các phóng viên với ông Phạm Bình Minh tại hội trường Quốc hội vẫn là quanh vấn đề chính sách đối ngoại. Với chiếc sơ mi xanh “cắm thùng” thay vì áo vest, ông Minh tỏ ra khá vui vẻ khi cầm trên tay một tờ báo có đăng bài về các phát biểu của mình sau khi được bổ nhiệm.
Đáng tiếc, cuộc nói chuyện đã bị ngắt quãng bởi rất, rất nhiều những cái bắt tay chúc mừng từ nhiều đại biểu Quốc hội, khiến cho những câu hỏi về các ưu tiên trong chiến lược ngoại giao mà báo giới đang định hỏi, phải ngừng lại.
Trước đó, như VnEconomy đã đề cập, sau khi chính thức được bổ nhiệm, tân Phó thủ tướng đã có cuộc trao đổi nhanh với báo giới. Ông nhấn mạnh rằng công việc đối ngoại là “công việc trong thời gian tới chắc chắn nhiều, đòi hỏi cao”.
Được hỏi về biển Đông, ông nhấn mạnh rằng chủ quyền luôn là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là một trong những mục tiêu của công tác đối ngoại và ngoại giao đóng góp vào vấn đề bảo vệ chủ quyền, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới, để đảm bảo chủ quyền được trọn vẹn. “Ngoại giao phải đóng góp làm sao để duy trì được môi trường ổn định ở biển Đông”, ông nhấn mạnh.
Không nghi ngờ gì nữa, biển Đông sẽ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành ngoại giao trong nhiều năm nữa, bên cạnh nhiều vấn đề đối ngoại khác mà tân Phó thủ tướng phải quan tâm, chẳng hạn việc xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia khác. Như một sự tình cờ, nửa ngày trước khi Quốc hội phê chuẩn chức danh mới của ông Phạm Bình Minh, tại Phú Yên, các học giả trong và ngoài nước đã cùng thống nhất với nhau về “5 nội dung đồng thuận” trong hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 5 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”.
Đọc kỹ “5 nội dung đồng thuận” sẽ thấy, cho dù thiện ý của các nhà khoa học trong và ngoài nước là rất tích cực, song để hiện thực hóa, không có cách nào khác là thúc đẩy bằng con đường ngoại giao, nhiệm vụ đã được triển khai từ lâu nhưng chưa bao giờ dễ dàng, nhiệm vụ đang được Đảng và Nhà nước giao phó cho vị tân Phó thủ tướng!
Dường như đang có những thuận lợi. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia quốc tế rất am tường Việt Nam mới đây đã nói rằng việc Bộ Chính trị thông qua một nghị quyết quan trọng về hội nhập quốc tế vào tháng 4 và việc cất nhắc các ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh là “phù hợp cho mục tiêu này”. “Ông Vũ Đức Đam mạnh về khoa học, công nghệ, còn ông Phạm Bình Minh lại mạnh về đối ngoại, bao gồm cả các tổ chức quốc tế, quan hệ với Hoa Kỳ và vấn đề nhân quyền", ông Carl Thayer nói, hàm nghĩa rằng chính sách là quan trọng, nhưng con người thực hiện chính sách lại càng quan trọng.
Một hãng truyền thông khá nổi tiếng khác thì bình luận rằng: “Một điều chắc chắn là trong cương vị mới, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ có quyền lực đối ngoại tập trung hơn”.
Hai năm trước, ông Phạm Bình Minh từng gây chú ý trên cộng đồng mạng với bài phát biểu và phần hỏi đáp khá lưu loát bằng tiếng Anh với các ký giả quốc tế. Kiến thức vững vàng, phong cách tự tin và không cứng nhắc, thậm chí hóm hỉnh, là những điều mà nhiều người cảm nhận được từ đoạn phim dài một giờ, quay toàn bộ bài phát biểu và hiện vẫn còn lưu trên trang mạng YouTube.
Trong khi kinh nghiệm là thứ không thể thiếu ở mỗi vị trí lãnh đạo, ngoại giao lại là một lĩnh vực khá đặc thù: từ những sứ thần trong lịch sử đến một bộ trưởng ngoại giao hiện đại, đôi khi những lý do khách quan của thời cuộc lại ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc của họ. Nhiều người kỳ vọng, với 32 năm trải nghiệm trong ngành, tân Phó thủ tướng sẽ viết tiếp những trang vàng cho ngành ngoại giao, bình thản trước những thử thách, bằng tâm thế được hình thành và tôi luyện từ nhiều yếu tố khác nhau.
Như chính ông từng thừa nhận: “Cha tôi luôn dạy tôi phải học từ chính thực tế. Và quan trọng hơn, cha dạy tôi cách đứng vững trên đôi chân của mình, chính bằng kinh nghiệm và vốn sống của mình”.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo