Ông Phạm Quang Nghị: Vụ “ném xác xuống sông Hồng” quá sức tưởng tượng
Đây là chia sẻ của ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội bên hành lang kỳ họp Quốc hội.
“Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc mà ngay cả mặt lý trí để xử lý hậu quả sau khi sự việc xảy ra cũng vượt quá ngưỡng mà mọi người suy nghĩ được, nên mức độ gây chấn động xã hội quá lớn. Vấn đề ở đây không chỉ là mức độ vi phạm phẩm chất đạo đức của một người thầy thuốc, mà ngay cả về lý trí, xử lý hậu quả sau khi bản thân gây ra cũng có một cái gì đó vượt ngưỡng mọi người có thể suy nghĩ được, dẫn đến chấn đông dư luận”, ông Nghị nói.
Bí thư Thành ủy cũng khẳng định, việc xử lý phải rất đồng bộ, kiên quyết để không những giải quyết được việc này mà còn có giá trị giáo dục, cảnh báo, răn đe các lĩnh vực khác trong tương lai không xảy ra theo hướng đó.
Báo chí ngoài việc thông tin, miêu tả, phân tích nguyên nhân thì làm sao cũng phải có định hướng cho dư luận xã hội, người ta nhìn nhận vấn đề này với phạm trù đạo đức và để những việc khác sau này không lặp lại nữa. Ví dụ một người thầy thuốc khi gây ra hậu quả ấy thì mình phải có hướng xử lý như thế nào chứ không thể hành động như vừa rồi được.
Chia sẻ quan điểm về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, ông Nghị cho biết: “Sáng nay, tôi đọc một tờ báo, có nói đại thể trách nhiệm thuộc về tất cả. Hệ thống quản lý, cơ chế chính sách hiện nay về các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, cấp phép như thế nào, thực hiện kiểm tra cấp phép ra sao? Đôi khi cấp phép một đằng nhưng những người thực hiện ở cơ sở y tế lại chuyển sang việc khác. Cơ sở này thì chưa được cấp phép để làm kỹ thuật thẩm mĩ nhưng lại tự ý mình làm. Dù người bác sĩ này có tay nghề chuyên môn vững thì cũng phải có một hệ thống trang thiết bị phù hợp, rồi những người giúp việc am hiểu về chuyên môn thì mới làm được việc chứ không thể một mình anh ta làm được. Nếu việc đó xảy ra trong một bệnh viện hiện đại thì chưa chắc đã xảy ra chết người, vì lúc đó người ta sẽ có những phương tiện hiện đại để cấp cứu kịp thời.
Báo chí và dư luận cũng ít đề cập đến sự cẩn trọng khi lựa chọn dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người. Đây là việc quan trọng, nhưng sự lựa chọn này xem ra cũng bất cẩn. Hà Nội là địa bàn xảy ra việc này, nhưng nhiều cơ quan ban ngành phải cùng có trách nhiệm xử lý. Thậm chí cả cơ chế chính sách lâu nay tạo ra sự thông thoáng để người dân lựa chọn dịch vụ y tế cũng phải tính lại xem giới hạn đến đâu là vừa, cái gì được cái gì không được phép. Luật cho phép bác sĩ được làm việc ngoài giờ. Nhưng cần quy định làm ngoài đến mức độ nào, loại dịch vụ y tế nào thôi, chứ không thể chỉ với một con dao, mấy dịch vụ mà người thầy thuốc có thể làm được mọi thứ”.
Trong khi đó, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định, trung tâm Cát Tường hoạt động nhiều tháng liên tục mà các cơ quan chức năng nói không biết là bất thường.
“Qua sự việc này cần phải tăng cường công tác quản lý hơn nữa, các phòng khám, bệnh viện tư ở địa bàn nào thì địa phương nơi đó có trách nhiệm thẩm tra, không có phép phải kiên quyết dừng hoạt động. Đối với các bệnh viện, vấn đề đặt ra là phải quản lý cán bộ công nhân viên chặt chẽ hơn; cũng cần phải có quy định bác sĩ ra làm ngoài, làm tư, dù cho phép nhưng bệnh viện, cơ quan chủ quản phải biết được là ngoài công việc chính, ngoài giờ hành chính người đó có phòng khám tư bên ngoài”, bà Mai nêu quan điểm.
Cũng theo bà Mai, sau những vụ việc xảy ra với ngành, khi giám sát tối cao về lĩnh vực này vừa qua, vấn đề quản lý đối với ngành y tế luôn phải được đặt lên hàng đầu.
“UB Các vấn đề xã hội trong quá trình làm việc với Bộ trưởng Y tế về việc thực hiện lời hứa khi chất vấn tại Quốc hội vừa qua cũng đã yêu cầu Bộ trưởng phải làm tích cực hơn, phải có hoạt động thanh kiểm tra sát sao mạnh mẽ hơn, phải tạo nên sự thống nhất quan điểm chứ cứ để lâu lâu lại nổi lên một vụ việc như này, thì thực sự, dù là ít nhưng không thể chấp nhận được”, bà Mai nói thẳng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo