Ông Phan Đình Tân: Nghị định 145 chỉ thiếu...2 từ
Sau khi nghị định 145 quy định về tổ chức ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức của Bộ VHTTDL được công bố, luồng dư luận phản đối lại những nội dung của nghị định ngày càng nhiều. Để hiểu rõ hơn về nghị định này, Đất Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Đình Tân, phát ngôn Bộ VHTTDL.
Nghị định này chỉ thiếu...2 từ "Nhà nước"
PV: - Trong khoản 2, điều 24, chương 6 về hình thức tổ chức các buổi lễ theo nghị định quy định về tổ chức ngày kỷ niệm, nêu rõ: “Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo). Đáng nói là quy định này được áp dụng cho tất cả các đơn vị, không loại trừ tổ chức xã hội nào, kể cả đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài. Xin ông cho biết, dựa vào đâu để đưa ra được những quy định đó?
Ông Phan Đình Tân: Tại khoản 2 điều 1 của nghị định có nêu rõ là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức kinh tế dùng ngân sách nhà nước, chứ không có chuyện là quy định cả đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nghị định chỉ sai sót khi đáng lẽ phải viết là tổ chức kinh tế nhà nước, nhưng do viết thiếu hai từ "nhà nước", nên mới gây hiểu lầm. Tôi chỉ nói điển hình hiện nay có một số công ty, tập đoàn 90, 91 như Vinashin, đó là các cơ quan, công ty nhà nước chi tiền của ngân sách.
Còn các doanh nghiệp, đơn vị khác chúng ta không có nghị định để quy định, nhưng cũng khuyến cáo họ nên thấy rằng tiết kiệm sẽ thể hiện một nét văn hóa. Chúng ta không chỉ bắt buộc dành cho công ty nhà nước mà đối với công ty tư nhân cần cân nhắc chuyện đó, bởi vì khi công ty tư nhân đảm bảo cái quan trọng nhất là đồng lương cho công nhân thì không nói, nhưng có nhiều công ty rất phản cảm, công nhân kêu ca không có tiền, nhưng các phong trào cắt băng khánh thành của nhà hàng lại diễn ra rầm rộ.
Tôi khẳng định lại nghị định này chỉ bắt buộc đối với cơ quan nhà nước, còn các công ty tư nhân là tùy họ, họ hoạt động theo luật doanh nghiệp, không bắt buộc, chúng ta không có chế tài xử lý.
PV: - Khi đưa ra những quy định này, Bộ có lường trước sẽ vấp phải sự phản ứng từ dư luận?
Ông Phan Đình Tân: Mọi văn bản Luật, hiến pháp, Nghị định đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhân dân. Người ta thấy ngày lễ mất tiền mua hoa, nơ, logo, xong lúc về vứt bừa bãi, có người về không biết vứt ở đâu, đó chính là một sự lãng phí ghê gớm, cái đó cần nêu ra, cảnh tỉnh tất cả mọi người.
Ngày xưa thời còn khổ thì quần áo rách phải mặt trước lộn ra mặt sau mà mặc, nhưng bây giờ thiên về lãng phí quá. Tôi nghĩ có công ty lúc tổ chức các chương trình thì rất hoành tráng, trong khi đó công nhân còn kêu không có tiền trả lương.
Một văn bản ra đời, có những điều tốt, có những điều chưa hoàn thiện. Nghị định này cũng được soạn thảo, chấp bút mấy chục lần, hỏi ý kiến các Ban, bộ ngành, các tỉnh thành, nhân dân rồi trước khi ban hành lấy 1 vòng ý kiến thành viên chính phủ cho nên làm văn bản này không phải những cán bộ viên chức thừa thời giờ ngồi trong phòng máy lạnh nghĩ ra để làm.
Căn cứ nghị định 182/2001, nghị định 154/2004, tổng hợp lại những điểm chưa phù hợp, chưa làm được ở nghị định trước để thay đổi.
Đây là một sản phẩm của trí tuệ tập thể chứ không phải nhóm người, lao động tỉ mỉ chứ không hời hợt, tất cả mọi người đều làm vì cái chung cả. Nhiều ý kiến phản hồi có tích cực và tiêu cực, thậm chí còn phô trương, hãy gửi đến Bộ, đến nơi soạn thảo.
Tôi thấy cứ Nghị định nào ban hành ra là lại lên tiếng phản đối trong khi đó, ý kiến của những người phản đối làm sao có sự am hiểu bằng tập thể những người nghiên cứu đưa ra nghị định? Trong xã hội không có gì tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối, nên không tránh khỏi những sai sót, nên nếu có thiện chí thì chúng ta sẽ cùng bàn bạc, mọi người có ý kiến thì gửi về Bộ chúng tôi sẽ xem xét, có những cái tiếp thu được ngay, nhưng cũng có những thông tin không tiếp thu được thì chúng tôi bảo lưu để giải trình, đó là nguyên tắc soạn thảo văn bản.
Nghị định không phải là tư tưởng chủ quan duy ý chí của một người, nhóm người mà của cả tập thể cũng có những người có trình độ trí thức, đừng nghĩ những ý kiến góp ý của một số người cao hơn trí thức của những người soạn thảo nghị định, chắc gì người phản biện đã có tầm hiểu biết, kiến thức bằng người soạn thảo văn bản?
Đừng tuyệt đối hóa văn bản...
PV: - Vụ đã xem xét những phản ứng của dư luận thế nào? Là cơ quan soạn thảo nội dung Nghị định, Vụ đánh giá thế nào về tính khả thi của quy định này?
Ông Phan Đình Tân:- Tính khả thi của nghị định này được xem xét theo tính khả thi của những nghị định trước, đã có rất nhiều nghị định đã ra đời gặp rất nhiều phản đối từ dư luận, cho nên cái này khắc phục thêm, bổ sung thêm những cái chi tiết, cụ thể, thích nghi hơn với điều kiện thực tế hiện nay, trước khuyến cáo mọi người hát quốc ca, giờ thì bắt buộc.
Hi vọng tính khả thi của nghị định này sẽ cao, nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người, tính chân thành, chất phác, còn cái quy định mong mọi người đóng góp ý kiến để chúng tôi tiếp thu, sửa đổi.
PV: - Quy định này nhằm điều chỉnh việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm được “thống nhất, khoa học, tránh rườm rà, tốn kém từ trung ương đến địa phương, phù hợp với truyền thống dân tộc, pháp luật và thông lệ quốc tế”. Việc thực hiện này có phải nửa vời không khi mà rất nhiều lời đề nghị trước đây đã được đặt ra nhưng chưa làm được cho đến hiện tại, như rắc vàng mã, không lắp kính nhưng mua quan tài nghìn đô, đặt những bộ quần áo trăm triệu?
Ông Phan Đình Tân: - Không nên tuyệt đối hóa mọi văn bản đưa ra, có những văn bản có biện pháp chế tài rất cao, nhưng không bao giờ tuyệt đối được. Ví dụ có nghị định bắt buộc mọi người đi trên đường phải đội mũ bảo hiểm nhưng tôi chắc chắn nhiều người vẫn không đội mũ, mặc dù công an bắt là phạt, nhưng công an có đủ hết để phạt không?
Đừng hi vọng một văn bản có thể cải thiện cả xã hội, đừng nghĩ rằng kể từ nay các hành động sẽ nghiêm túc hơn.
PV: - Xin ông cho biết, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát và xử lý vi phạm? Và trong trường hợp có vi phạm, đối tượng bị xử lý sẽ là ai?
Ông Phan Đình Tân: - Chúng tôi có đoàn thanh tra Bộ căn cứ xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động văn hóa.
Còn vấn đề giám sát thì làm sao nói trước, ngay bố mẹ giám sát con học hành ra sao còn khó, nói gì đến giám sát toàn xã hội? Khó khăn đương nhiên sẽ có, nhưng chúng ta cố gắng làm được đến đến đâu thì làm. Đừng nghĩ đến chuyện ra nghị định các tiêu cực sẽ hết. Có nghị định xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 103 ngày 6/11/2009.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cột tin quảng cáo