Ông Sáu ve chai tử tế
Như thường lệ, cứ 3 giờ sáng mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Ngọc (80 tuổi) lom khom dậy nhóm lửa nấu cơm đùm mang theo ăn cả ngày khi đi nhặt ve chai. Ông treo trên chiếc xe đạp cũ kỹ rồi dắt nó rời căn nhà trọ ở đường Tôn Đản, quận 4 vào lúc 5 giờ sáng. Qua nhiều chặng đường, điểm dừng chân của ông là Công viên 30-4. Những người dân quanh công viên hay gọi ông với cái tên thân thiết là “ông Sáu ve chai”.
Ông chọn công viên này làm chốn mưu sinh đã hơn 40 năm. Công viên với ông còn thân thiết hơn cả ngôi nhà đang ở vì phần lớn thời gian ông gắn bó nơi đây, niềm vui tuổi già của ông cũng có được từ đây.
Hằng ngày ông nhặt những lon nước ngọt, ly nhựa người ta uống vứt vương vãi, gom những tờ giấy báo người ta lót đất ngồi đã nhăn nhúm. Có khi ông còn bơm, vá xe đạp cho người qua đường. Nhiều lúc tôi tự làm xì bánh xe của mình để mang đến cho ông bơm nhưng cũng không dám xì nhiều vì sợ ông bơm không nổi. Mỗi lần bơm xe như vậy ông chỉ lấy 1.000 đồng bạc, đưa thêm ông cũng không lấy. Từ sáng đến tối ông chỉ kiếm được một hay nhiều nhất là hai bao ve chai nhỏ, tính ra không đến 20.000 đồng bạc.
Những buổi trưa ở công viên, ông có những người bạn hàn huyên. Họ là những sinh viên, cô bán vé số, người làm nhà hàng, người làm lao công cho công ty… Họ kể nhau nghe mấy chuyện thường ngày, san sẻ những trái xoài, hũ mứt gừng, bịch bánh ướt… Ông Sáu nói chính những câu chuyện, những món quà vặt ấy giúp ông ấm lòng giữa thành phố này kể từ năm vợ ông mất đi.
Ông Sáu đi bằng một chân giả làm bằng gỗ bởi bom mìn chiến tranh đã cướp đi một nửa chân trái của ông. Chân còn lại cũng phải nẹp sắt do một lần bị tai nạn. Đôi chân hay đau nhức làm cho việc đi lại của ông bị hạn chế rất nhiều, lúc nào cũng lom khom người, bước đi chậm chạp. “Người ta đi lại nhiều thì lượm quá trời luôn, còn mình ngồi một chỗ chờ ai uống nước xong thì lượm thôi. Ngồi canh vậy đó mà đến lúc người ta uống xong còn không giành lại mấy người lượm ve chai khác nữa” - ông cười nói.
Hỏi ai là bạn thân nhất của ông, ông cười móm mém chỉ vào chiếc xe đạp cũ kỹ chỉ còn trơ bộ xương, không sên, không yên ngồi. Ông không nhớ mua nó từ khi nào nhưng đã từ rất lâu rồi nó trở thành người bạn tri kỷ theo ông đi mưu sinh khắp mọi ngõ ngách Sài Gòn. Vì chân đau nên ông không thể đạp được mà chỉ ngồi lên chỗ yên xe được lót bằng xấp áo quần cũ và dùng sức của hai chân đẩy đi rất cực khổ.
Ông sợ nhất là mỗi ngày hai bận dắt xe đi về cầu Khánh Hội. Mỗi lần lên cầu, ông phải đẩy xe rất vất vả, miệng há hốc, mồ hôi nhễ nhại. Ông phải nghỉ mấy lần lấy sức mới đẩy chiếc xe qua đến dốc cầu bên kia. Có lúc người ta thương thì xuống đẩy phụ ông.
Ông thuê được một căn nhà nằm sâu trong hẻm đường Tôn Đản, quận 4, nhà chỉ đủ để một chiếc tivi nhỏ và chỗ ngủ của ông cùng con trai. Thứ đáng giá nhất trong nhà là chiếc tivi do phường tặng, giờ nó cũng có tuổi nên lúc xem được lúc không. Mọi ngõ ngách trong nhà được ông tận dụng để chứa ve chai.
Ông tự kê một cái bếp nấu củi trong nhà, chỗ nấu chỉ đủ một mình ông ngồi, mỗi lần nhóm lửa nấu được nồi cơm cũng mất gần một tiếng đồng hồ. Ông kể: “Mình có đến bốn thằng con trai nhưng nó chê mình nghèo nên bỏ theo vợ hết rồi, thằng thứ ba vợ nó chê nó nghèo nên mới về ở với tôi. Hằng ngày nó đi đạp xích lô ngoài Bến Thành còn không đủ nuôi thân. Nhà có hai người mà ai ăn người đó nấu”…
Tôi hỏi: “Sau này bác ngày một yếu, bác định lượm ve chai như thế này mãi sao?”. Ông Sáu chậm rãi đáp: “Còn sức thì còn làm, con cái nó không nuôi mình thì mình phải tự nuôi thân, khi nào làm không nổi thì nghỉ đi theo ông bà chứ nhất quyết không ngửa tay xin. Tôi chỉ mong ngày nào cũng có người uống nước để có ve chai mà lượm”.
Ông Sáu ve chai còn được mọi người ở đây gọi là ông Sáu tử tế vì đã từng giúp nhiều người tìm lại được những món đồ lỡ đánh rơi hoặc bị người ta lấy mất. Một cán bộ phường Bến Nghé trước đây (giờ đã nghỉ hưu) cho ông số điện thoại riêng để khi có chuyện gì cần hỗ trợ ai đó tìm lại đồ đánh mất thì họ giúp ông kết nối. Có lần thương một anh thanh niên lượm ve chai trong công viên vì trời mưa, bụng đói, không có tiền ăn, ông Sáu mang số tiền lượm ve chai cả tuần của mình, vỏn vẹn 50.000 đồng để giúp anh qua cơn đói. Sau nhiều tháng rồi, anh ve chai cũng chưa có tiền trả lại, ông Sáu không để bụng, nghĩ nếu có thì người ta đã trả cho mình rồi...
Ông mong dành dụm được tiền để thay cái chân giả đi cho đỡ đau vì chiếc chân giả ông đang mang đã quá lâu ngày gây cấn chân. Khi hỏi năm nay ông tính sẽ ăn tết như thế nào, ông cười bảo: “Tết cũng ăn như ngày thường. Mỗi ngày tôi đều tự tìm niềm vui sống để không hoài phí nên ngày thường cũng là tết rồi”. Cô Ba, người hay tập thể dục trong công viên, nói rằng tết ông vẫn lượm ve chai, không nghỉ ngày nào để dành tiền đến 15-7 mỗi năm làm mâm cơm đặt lên bàn thờ vợ…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất