Tin tức - Sự kiện

Ông Vũ Khoan: "Đừng nên chờ nước ngoài ưu đãi cho mình"

Để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được sức cạnh tranh trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Các doanh nghiệp đừng nghe chuyện TPP, APEC không thôi mà phải tìm hiểu nó là gì, nó đặt ra vấn đề gì với mình, mình phải lợi dụng cái nào, tránh cái nào? Doanh nghiệp cũng luôn phải có tinh thần tấn công, không nên thụ động, cũng không nên cầu trời để nước ngoài ưu đãi cho mình”.

Bên lề Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI” diễn ra ngày 15/11, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh những thành tựu Việt Nam gặt hái được trong 15 năm tham gia vào APEC và những lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. (Ảnh: Dantri)

PV: Ông có thể cho biết, APEC đã mang lại những điều gì cho Việt Nam trong 15 năm qua?

Nguyên PTT Vũ Khoan: APEC là tổ chức khu vực rất lớn, tên gọi của nó cũng nói lên nó là tổ chức hợp tác kinh tế. Chúng ta đã tham gia 15 năm nay. Phải nói tổ chức này bao gồm những nền kinh tế lớn, chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, hơn 60% thương mại toàn cầu. Trong này có nhiều đối tác chủ yếu của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật…những kinh tế lớn của thế giới đều nằm trong này. Cái chúng ta thành công trong việc mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư liên quan rất nhiều đến APEC. Phương hướng của APEC là tự do hóa thương mại do đó thuế suất của APEC cũng giảm xuống, trước bình quân hơn 16%, hiện tại khoảng trên dưới 5% và đang có xu hướng giảm. Đấy là thành tựu quan trọng nhất là chúng ta mở rộng thị trường, tranh thủ đầu tư với các thành viên trong tổ chức này.

Thành tựu thứ 2, APEC tuy là tổ chức kinh tế nhưng cũng có vai trò chính trị lớn trên thế giới, Việc tham gia vào APEC đã góp phần làm nâng cao vị thế quốc tế của chúng ta. Chúng ta nhớ lại sự kiện ấn tượng là Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 16 ở Việt Nam, trùng hợp với kết thúc đàm phán WTO, Hoa Kỳ đã dành cho ta chế độ thương mại thường xuyên, từ đó vị thế quốc tế Việt Nam tăng lên rõ rệt.

Tiếp nữa là hợp tác về khoa học công nghệ, hệ thống hợp tác về lĩnh vực này chúng ta có thể tranh thủ được. Đó là 3 điều chúng ta gặt hái được, đạt được, đó là thu hút đầu tư, nâng cao vị thế quốc tế và khoa học công nghệ.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng vận động của APEC trong thế giới và cơ hội mang lại cho Việt Nam?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Đây là thách thức rất lớn của APEC. Nếu trước đây những thể chế tự do hóa thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì APEC độc quyền, giờ xuất hiện nhiều thể chế, nổi bật nhất là là TPP - Hợp tác xuyên Thái Bình Dương , các thể chế thị trường tự do song phương khác. Thành ra APEC phải định vị như thế nào trong thể chế này, vì nó sẽ chồng lấn nhau, cạnh tranh nhau những cam kết nếu đi chậm thì cam kết khác sẽ mạnh hơn.

Đối với Việt Nam, không những chúng ta tham gia vào APEC mà tham gia hầu hết các thể chế  nên nó cũng đặt ra cơ hội cho chúng ta là mở rộng thị trường, mở rộng đầu tư đa dạng hóa quan hệ. Việt Nam đứng rất nhiều chỗ, chứ không phải chỉ một chỗ. Đó là cái lợi nhưng có thách thức.

Đó là những cam kết đó chồng chéo nhau, chúng ta nhận cam kết này thì có thể trùng hợp hoặc mẫu thuẫn với cam kết khác. Việc bây giờ là chúng ta phải làm sao có một thiết kế, có mạng nào đó để cái nọ bổ sung cho cái kia chứ không mâu thuẫn nhau.

PV: Vậy theo ông, vai trò của doanh nghiệp (DN) Việt Nam được thể hiện như thế nào trong APEC?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Trong APEC có thể chế ABAC, là diễn đàn của các nhà DN.  Phải nói trong các thể chế chúng ta tham gia, riêng trong APEC vai trò DN là rõ vì DN có thể chế riêng, song song với tổ chức của các nhà cầm quyền. Họ tham vấn cho bên cầm quyền, đồng thời cũng tiếp thu những quyết định của Chính phủ.

Thể chế này của APEC là đáng hoan nghênh, các DN Việt Nam cần chú ý, trong đó có 1 cái họ được hưởng lợi nhiều, đó là họ có thẻ xanh của APEC, được hoạt động khắp nơi, dễ dàng trong việc giao lưu buôn bán, kinh doanh. Các nhà DN Việt Nam cần chú ý nhiều đến APEC, còn ASEAN tiếng là vậy, rất gần gũi cho chúng ta nhưng không có thể chế như APEC. Tất nhiên trong quá trình hình thành cộng đồng ASEAN thì DN cũng tự do đi lại, giao thương.

PV: Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngoài việc tăng được xuất nhập khẩu, Việt Nam cũng chịu khá nhiều tác động. Rút kinh nghiệm, trong các hiệp định tới thì DN Việt Nam cần phải làm những gì, thưa ông?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Phải nhìn sự việc khách quan một chút. Tôi thấy báo chí hay nói câu có cánh là Việt Nam thua ngay trên sân nhà,  nhưng tôi thấy Việt Nam thắng rất nhiều. Nếu các bạn nhớ khi chưa gia nhập WTO, dệt may của chúng ta xuất khẩu rất ít, chỉ 1-2 tỷ USD, giờ là 16 tỷ USD, vậy chúng ta thắng hay thua?, trong khi đó còn tạo rất nhiều việc làm. Nên phải nói vế đó. Trước chúng ta đâu có có xuất khẩu hơn 100 tỷ USD thế này. Cái đó là chúng ta được ấy chứ. Trong trò chơi của thế giới thì không bao giờ được cả, bao giờ cũng có 2 chiều, có cái thì được, có cái thì thua, thua được hay không là sức cạnh tranh và sự chủ động của mình.

Rút kinh nghiệm từ WTO, tôi có kinh nghiệm chính là chúng ta chưa thật áp sát,  hiểu rõ những quy định, bày binh bố trận, trong nội bộ nâng cao khả năng của mình, xem cái gì mình có thể chiếm lĩnh thị trường thế giới, những thị trường trong nước phải bảo vệ. Cái phân phối, bán lẻ là trên đất mình, nhà cửa của mình, mình cũng không lo hệ thống phân phối của mình đến nơi đến chốn thì nên trách mình.

Cái đó mình phải học, phải làm, một góc độ khác nữa là DN và người tiêu dùng là chính, DN hoạt động như thế nào để thuận lợi cho người tiêu dùng, đấy mới là quan trọng. Nếu chúng ta thấy người ta vào, đưa  những thuận lợi cho người tiêu dùng thì người tiêu dùng chấp nhận. Sự chọn lựa đa dạng cho người tiêu dùng, họ mở ra có thể bán cho người Việt Nam, bán hàng Việt Nam, mình xuất khẩu tại chỗ, cớ sao mình lại quá bi đát như thế.

Đối với DN đúng là một thách thức mà họ phải tự vươn lên, nhưng đối với người tiêu dùng, sản xuất trong nước là không có gì thua thiệt . Không những trong nước mà họ làm chuỗi phân phối toàn cầu, như Metro, BigC có hệ thống trên toàn cầu. Mình đừng nên bị động quá. Phải nhìn nhiều chiều, rộng ra, không nên nói một chiều. Tôi cũng sốt ruột cho kênh phân phối nhưng phải nhìn nhiều chiều. Hội nhập làm gì, nếu để đất nước thua thì hội nhập làm gì? Hơn 100 tỷ xuất khẩu thì đâu phải thất bại.

PV: Thưa ông, trong Hiệp định TPP có một số vấn đề khá tốt cho tái cấu trúc kinh tế của Việt Nam như cạnh tranh công bằng giữa DN tư nhân và DNNN, sở hữu trí tuệ. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Thực ra TPP thuộc thế hệ thứ 4 trong liên kết toàn cầu. Thế hệ thứ 1 chủ yếu là hàng hòa, thế hệ thứ 2 là có dịch vụ, thế hệ thứ 3 có đầu tư, đến thế hệ thứ 4 có những vấn đề xã hội, vấn đề trí tuệ.. Đó là cam kết cao hơn trước. Đây cũng sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho ta. Như dệt may chúng ta đang rất quan tâm, thuế suất sẽ xuống 0%, vì vậy việc đầu tư của chúng ta vào dệt may thuận lợi hơn rất nhiều. Như tôi nói, cái gì cũng có 2 mặt, được cái này thì thách thức cái khác.

Còn bảo vệ sở hữu trí tuệ, tôi rất ủng hộ. Vì nếu mình không làm cho tốt thì trí tuệ của mình sẽ không phát triển, cái gì cũng đi copy thì sáng tạo làm cái gì, mình không có bằng sáng chế nào cả. Nhiều người nói với tôi tại sao lại khe khắt về vấn đề này như thế, cứ mượn của người khác phải không, theo tôi nếu thế thì làm sao dân tộc phát triển được.

PV: DN nhỏ, siêu nhỏ tổn thương lớn vì thiếu hiểu biết khi gia nhập WTO, theo ông thì DN Việt Nam cần phải làm những gì để cho lộ trình hội nhập trong những năm tiếp theo?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Khiếm khuyết của chúng ta, khi chuẩn bị gia nhập AFTA, WTO cũng vậy, bây giờ TPP cũng vậy. Chúng ta quan tâm, hào hứng trên tầm hứng khởi thôi, nhưng còn công tác tỉ mỉ để làm cho các DN hiểu thì làm còn kém lắm.

Nói đi phải nói lại, nhưng tôi thấy các DN cũng không chủ động quan tâm lắm, đôi khi mời đến cũng không đến, mở website cũng không ai xem…Nhà nước cũng làm chưa tốt nhưng các DN cũng chưa quan tâm, cái này phải hai chiều, phải rút kinh nghiệm. Các DN đừng nghe chuyện TPP, APEC không thôi mà phải tìm hiểu TPP, APEC là gì, nó đặt ra vấn đề gì với mình, phải lợi dụng cái nào, tránh cái nào? Tôi cũng nghĩ đây cũng là điểm chốt rút kinh nghiệm khi hội nhập.

Nếu DN không làm tốt thì không được hưởng bao nhiêu, mà còn phải chịu những cái thiệt không đáng có. Phải có tinh thần tấn công, không thụ động, cầu trời để người ta ưu đãi cho mình thì luôn luôn thua. Cứ phải nghĩ chẳng ai ưu đãi, phải vươn lên, có chuẩn bị thừa ra cũng được.

PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng lực cán bộ, đội ngũ doanh nhân khi tham gia vào sân chơi khu vực?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Đào tạo nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu then chốt của chúng ta. Trong đó đào tạo nhân lực DN, tất nhiên cái này mỗi DN cũng phải lo cùng Nhà nước. Nhưng theo quan điểm của tôi là đào tạo cái cần thôi, phải đa dạng theo hướng thiết thực, có nhiều cái thời gian qua không thiết thực lắm.

Đào tạo phải áp sát vào thực tế, áp sát vào cuộc chơi. Cái đào tạo tốt nhất là vứt DN vào thương trường, để DN tự lăn lộn thì sẽ trưởng thành. Cái khó của chúng ta ở trong nước chứ không phải trên thương trường.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Đoàn Huế (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo