Tin tức - Sự kiện

PAPI 2012: Người dân phải hối lộ khi xin việc, làm sổ đỏ

Theo Báo cáo về Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2012) công bố ngày 14-5 tại Hà Nội, người dân phải hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực Nhà nước, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như khi khám bệnh.
PAPI được thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Chương trình do Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp thực hiện.
 
Chuyển biến tích cực
 
Năm 2012, 13.747 người dân được phỏng vấn trực tiếp để xây dựng nên chỉ số PAPI. Dấu hiệu tích cực của PAPI 2012 là điểm số của bốn trong sáu trục nội dung tăng nhẹ, cho thấy có dấu hiệu cải thiện trong đánh giá của người dân về khu vực hành chính công song còn khiêm tốn. Bốn trục nội dung có mức tăng nhẹ về điểm là: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Công khai, minh bạch; Cung ứng dịch vụ công và Trách nhiệm giải trình với người dân.
 
Nhìn chung, người dân đánh giá có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn về hiệu quả quản trị và hành chính công trong năm 2012 so với năm 2011. Nếu xét về địa phương, khoảng một nửa số tỉnh/thành phố có mức gia tăng về điểm, cụ thể, phần lớn các tỉnh/thành phố có mức điểm thay đổi trong khoảng ±5%.
 
Trong biểu đồ PAPI 2012 ở nội dung "sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở", năm tỉnh đứng đầu là Bình Định, Thái Bình, Bình Phước, Hà Nam và Hà Tĩnh, trong đó, Bình Định là tỉnh đứng đầu trong năm 2011. Ngoài ra những địa phương có sự cải thiện đáng kể nhất là Thái Bình, Bình Thuận, Tây Ninh với mức điểm ở trục nội dung tăng khoảng 15%.
 
Năm tỉnh cuối bảng là Đắk Lắk, Đồng Tháp, Phú Yên, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây cũng là các tỉnh nằm trong nhóm 1/3 tỉnh cuối bảng trong năm 2011. Những địa phương có mức điểm giảm mạnh nhất là Sơn La, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Lạng Sơn với mức giảm từ 15-20%.
 
 
Chỉ số tổng hợp PAPI 2012 
 
Phí “bôi trơn” phổ biến
 
PAPI 2012 cũng cho biết, đa số người dân cho rằng quan hệ thân quen với người có chức có quyền là yếu tố quan trọng khi xin việc vào khu vực Nhà nước. Chỉ có ¼ số người được hỏi cho biết quan hệ thân quen là không quan trọng, trong khi gần 50% số người được hỏi cho biết quan hệ thân quen là quan trọng hoặc rất quan trọng và khoảng ¼ còn lại trả lời họ không biết.
 
Phát hiện của PAPI còn cho thấy tham nhũng vặt và hối lộ là những vấn đề còn thường trực ở nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, người dân đánh giá hiện trạng tham nhũng vặt có chiều hướng gia tăng. Người trả lời đồng tình với những nhận định phải đưa hối lộ, “lót tay”. Cụ thể: Khi xin việc vào khu vực nhà nước (44%, tăng đáng kể so với tỉ lệ 29% trong năm 2011); Khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện (42%, tăng so với 31% trong năm 2011); Khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (32%, tăng so với 21% trong năm 2011) và 17% số người được hỏi cho biết họ đã phải trả chi phí không chính thức khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, người dân còn cho biết, chi phí không chính thức khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trung bình là 123.000đ, song ở một vài trường hợp điển hình, con số này còn lên tới 104 triệu đồng.
 
Tuy nhiên ở góc độ sự chịu đựng của người dân với tham nhũng, PAPI lại cho thấy một góc độ mới, đó là mức độ chịu đựng hối lộ, tham nhũng vặt là tương đối lớn, cho thấy hiện tượng người dân cũng chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ để giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà với hy vọng nhận được chất lượng dịch vụ công tốt hơn.
 
PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở sáu nội dung chính: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo