Tin tức - Sự kiện

PGS.TS Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một đời như bóng với hình

Những ngày này, bà Đặng Bích Hà không được khỏe. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chồng rất mực yêu thương, gắn bó, đã cùng nhau trải qua bao buồn vui, thăng trầm trong cuộc đời là một cơn chấn động quá lớn đối với bà.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân Đặng Bích Hà và hai con gái Hòa Bình và Hạnh Phúc. (Ảnh: Infonet)

PGS.TS Đặng Bích Hạnh, em gái của phu nhân Đặng Bích Hà cho biết: “Ngay sau khi biết tin anh Giáp qua đời, mấy chị em chúng tôi đến thăm chị Hà, cháu Hạnh Phúc đón chúng tôi và cho biết anh Văn sẽ được đưa về an táng tại Quảng Bình. Chị tôi đang nằm, nhưng khi em gái út của tôi cầm tay chị, chỉ đã mở mắt ngồi dậy: “Anh Văn mất rồi, buồn quá!”.

Qua câu chuyện, chị đã trở nên sinh động, như chị vẫn đã thế, trước khi nhận được tin nhắn anh Văn mất. Rồi chị lặng lẽ đọc hai câu thơ của Tản Đà: “Đời đáng chán hay không đáng chán/Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm”.

Người bạn tri âm suốt đời của chị đã ra đi, để lại trong đời chị một khoảng trống không ai lấp nổi. Chị ở đấy, không biết rằng xung quanh việc ra đi của anh, dư âm vẫn ngày càng lớn, trên thế giới, trong nước, trong dân…Cũng không biết được có nhiều người dân đang xếp hàng dài, rất trật tự đi vào 30 Hoàng Diệu để được thắp hương cho Đại tướng của họ”.

Bà Đặng Bích Hà là con gái đầu lòng của Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà văn,  nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tên của bà có nghĩa là “ráng biếc”, (nằm trong một hệ khác hẳn với tên những người em sau, tên thuộc hệ hoa).

PGS.TS Đặng Thị Hạnh tâm sự: “Có lẽ vì chị tôi là đưa con duy nhất của ba mẹ tôi sinh ra ở chính quê nội và ba tôi, chắc đã nghĩ tới những ráng đẹp mà ba tôi thường ngắm vào các buổi ban mai trên bầu trời quê nhà. Từ khi tôi lên 4 tuổi, gia đình tôi chuyển hẳn ra Hà Nội, thì ký ức chung với chị tôi bắt đầu xuất hiện, những thời điểm nhỏ li ti nhiều vô kể, đầu tiên là những ngày khai trường.

Chị em tôi thường đi mua sách vở ở hiệu Taupin và cùng tìm thấy niềm vui dễ chịu của mùi thơm giấy mới. Ngay sau khi mua sách, chúng tôi thường nhân tiện chạy từ phố Tràng Tiền ra Bác Cổ nhặt những bông hoa gạo cánh dày màu đỏ sẫm, bỏ vào vạt áo rồi lên xe tay về nhà. Cũng có nhiều ký ức chung “tội lỗi” hơn: những cuộc đi xe đạp giấu mẹ tôi ra phố Nhà Thờ để ăn thịt bò khô – điều bị mẹ tôi cấm đoán vì mẹ tôi nói đấy chỉ là da bò, thực ra chúng tôi chỉ thích ăn đu đủ nạo trộn với giấm hơi cay cay.

 Không hiểu sao phố nhà tôi có đủ các hàng quà: tào phớ, chí ma phù…nhưng không có thịt bò khô. Hai em gái tôi còn quá bé nên không đi xa được. Có một lần không may chúng tôi bị một cô em tóm được và nó tuyên bố: “Ta sẽ mách mẹ”. Thế là hết chuyện. Nhưng tên gọi “te re mách” còn lại từ đấy.

Mùa đông có những thú riêng. Khi ở phố Duvigneau, nay là đường Bùi Thị Xuân thuộc quân Hai Bà Trưng (Hà Nội), cũng chỉ hai chị em tôi là đủ lớn để được ngủ trên cái giường giáp phố. Nghe thấy tiếng rao “phá xá” (lạc rang) là chúng tôi chui ra khỏi chăn thò tay ra cửa sổ mua. Thực ra thế giới bí mật chung mà hai chị em tôi chia sẻ với nhau nhiều nhất là những cuốn sách truyện tiếng Pháp bé nhỏ, bìa có nhũ, giấy dày và ram ráp, chứa đầy những tranh đẹp, những cô công chúa, những hoàng tử và nhiều khi chỉ là con một ông chủ cối xay hay một cô chăn cừu bé nhỏ.

Thời kỳ này, ba tôi bị đau dạ dày nặng, có lẽ vì nỗi buồn do phong trào Bình dân đã tan vỡ và anh em đồng chí nhiều người đã đi xa, điều mà vào lúc ấy chúng tôi vẫn chưa hiểu hết được. Tôi và chị tôi vẫn vui mừng được đến Nhà hát Lớn xem hai vở kịch của Musset do một đoàn kịch Pháp đóng.

Trong vở “Các cô thiếu nữ mơ mộng điều gì”, hai cô tiểu thư Ninon và Ninette mặc váy dài trắng và hồng tựa trên ban công nhìn lên bầu trời xanh thẫm đầy sao, tại sao vòm sân khấu Nhà hát Lớn lại có thể lấm tấm sao và đẹp đến thế?

Tôi không bao giờ xác định được thời điểm của buổi diễn ấy cho đến cách đây dăm năm, một hôm chị tôi gọi điện nói rằng chị vừa soạn lại giấy tờ (thỉnh thoảng chị tôi lại soạn lại giấy tờ tranh ảnh trong các vali cũ không biết bao nhiêu lần mà kể, tất cả những thứ đó đã đi theo chị suốt cả cuộc kháng chiến chống Pháp). Chị tôi nói: “Hạnh ạ, cả một cuốn nhật ký chỉ còn lại một tờ, trên đó có ghi: “Hôm nay đi xem kịch Musset, sắp mở màn thì có còi báo động, Hạnh rất nerveuse (bứt rứt) vì sợ không được xem kịch, sau đấy may quá lại báo yên”.

Trong suốt thời gian dài ở Hà Nội, thật lạ tôi chỉ còn giữ lại một hình ảnh của anh Văn ngồi bên lò sưởi ngôi nhà phố Henri d’Orléans (nay là phố Phùng Hưng), anh đang vừa đọc sách vừa xát bàn tay vào lòng bàn chân, đấy là một cách tập dưỡng sinh của anh”.

Với PGS.TS Đặng Xuyến Như, em gái út của phu nhân Đặng Bích Hà nhận xét: Chị Hà giống mẹ tôi, đôn hậu, chân thành và giản dị. Chị là một người thông minh, hiểu biết rộng nhưng khiêm tốn. Và ai gặp chị cũng dễ nhận ra chị là người sôi nổi, vui vẻ.

 Năm 1994, trong một lần chị về quê cùng một đoàn làm phim tư liệu về quê hương, có một anh trong đoàn làm phim đã nhận xét rằng: Với tính tình của chị chắc anh Giáp luôn cảm thấy vui vẻ và yên ả bên chị.

Tình yêu của anh Giáp và chị Hà rất đẹp. Họ luôn yêu thương và trân trọng lẫn nhau. Là con gái lớn nhất trong gia đình nên chị luôn quan tâm đến các em và thường là nơi quy tụ chúng tôi, cho đến cả những năm gần đây. Chị rất nặng lòng với quê cha đất tổ, khoảng 10 năm trước, khi tuổi đã hơn 70 rồi, chị vẫn chủ động cùng các em lo việc sửa chữa nhà ông nội ở quê. Chị luôn nhắc mọi người sửa chữa sao cho vẫn giống như nguyên trạng thời trước để con cháu có thể giữ được kỷ niệm với quê hương.

Trong những ngày Tết, gia đình anh Giáp, chị Hà thường gửi thiếp chúc Tết đến gia đình các em. Chị Hà là người tình cảm nên chị viết thiếp chúc Tết hay lắm: Gửi Xuyến Như (tức là bé Zếnh của chị), chị vẫn nhớ như in kỷ niệm hồi em lên 2 tuổi, chị trông em mà không hiểu ham đọc sách thế nào, đã để em ngã oạch xuống đất, may mà em không hề hấn gì. Năm mới chúc em luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng…”.

Mỗi năm, nhà anh Giáp chị Hà ngập hoa, đặc biệt là hoa mai, đây là loài hoa mà cả đại gia đình tôi yêu thích, một phần vì chi mai (mai trắng) là tên của ba tôi, một phần vì hoa mai là biểu hiện của cốt cách thanh tao, trong sạch.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, em rể của bà Đặng Bích Hà từng ghi lại theo lời kể của bà (năm 1995) về cảm giác của mình khi lần đầu tiên được về quê chồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở làng An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình): Một nhược điểm của tôi là rất mơ hồ về địa lý. Thuở bé đã như vậy mà bây giờ vẫn như vậy. Có một bức thư tôi gửi cho anh Giáp từ hồi tôi còn nhỏ mà anh Giáp còn nhớ tới nay: “Anh Giáp ơi, khi ra Vinh anh nhớ ghé lại làng Quỳnh nhé”. Làng Quỳnh là quê ngoại tôi. Từ bé tôi đã gọi anh Giáp là anh và xưng tôi. Bức thư trả lời của anh: “Hà dốt quá! Hà không biết gì về địa lý cả. Từ Quảng Bình ra Vinh không thể rẽ vào làng Quỳnh được vì Quỳnh Đôi ở phía ngoài”.

Tôi nhớ bài học đầu tiên về địa lý là như thế. Tại sao tôi nói Quảng Bình đối với tôi rất gần? Vì từ hồi tôi còn nhỏ, cha tôi chơi thân với anh Giáp, hai người tổ chức một chuyến đi và mang tôi theo. Đầu tiên là vô Huế, sau ra Quảng Bình. Huế là nơi cha tôi dạy học và anh Giáp làm báo trước năm 1930, là năm mà cả hai người bị đế quốc Pháp bắt bỏ tù. Nói ít lời về chuyến vô Huế ấy: lúc đó tôi còn nhỏ nhưng cũng đủ khôn để nhớ ngôi nhà nơi cha mẹ mình đã ở, căn phòng khách nơi mình vẫn ngồi chơi. Lúc trở lại,  ngôi nhà đã có chủ khác.

Cha tôi và anh Giáp thuê một nhà trọ. Kỷ niệm tuổi thơ tôi ở Huế mờ nhạt cho đến khi cha tôi bị bắt. Mẹ tôi bồng em Hạnh mới sinh về và dắt tôi về Thanh Chương, quê nội. Quê nội tôi đang bị khủng bố trắng. Chạy về làng Quỳnh, quê ngoại. Đó là cuộc chạy loạn đầu tiên trong đời tôi. Trở lại chuyện ra Quảng Bình. Đi tàu qua bao nhiêu là đồi núi, ruộng đồng. Xuống một ga, đi đò dọc về quê anh Giáp. Lần đầu tiên tôi được đi đò dọc, lạ lắm, đi xa lắm. Tôi không nhớ được gì nhiều về con sông ấy, sau này mới biết nó tên là Kiến Giang.

Tôi thích cho tay xuống nước và chơi với dòng nước xanh trong. Đò cập bến vào một làng, sau này mới biết tên là An Xá, bây giờ làng vẫn còn giữ cái tên ấy. Thấy một người phụ nữ từ trên bờ bước xuống, lội xuống nước giơ tay ra đón tôi. Bà xốc tôi lên bờ, đi vào một con đường nhỏ. Mọi người đi theo như một đám rước.

Bà rất lạ dưới con mắt của tôi: ở nông thôn nhưng không ra nông thôn. Không mặc váy, búi tóc ngược, khuôn mặt rất hiền. Ngay sau đó, tôi biết đây là mẹ anh Giáp ra đón. Từ bờ sông qua vài nhà có vườn tược, đến một cái sân nhỏ, thấy bức bình phong bằng gạch, nhiều cây cảnh, bể cạn, hòn non bộ. Quanh nhà vườn quả xum xuê.

Ngôi nhà đại khái giống như nhà ông nội tôi ở quê nhưng nhỏ hơn. Một căn nhà rất mát ở gần bờ sông. Trước khi lên bờ, tôi còn ngoái lại nhìn dòng sông xanh, sát bờ thì màu lục sẫm. Có những cây dừa xõa tóc xuống dòng sông. Ngôi nhà của thầy mẹ anh Giáp lui vào phía trong ngõ, từ bờ sông đi vào, qua mấy nhà hàng xóm rồi mới tới.Trong vườn trông nhiều cam giấy rất ngọt, quả to và ngon, sai quả đến mức các con ăn thỏa thuê còn thừa đem ra chợ bán. Vườn trước có gốc mít cổ thụ. Mẹ chồng tôi kể lại, bà đẻ anh Giáp ngay dưới gốc cây ấy vào trận lụt năm Tân Hợi…”.

Cuộc hôn nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà như một mối nhân duyên trời đất. Bà là một hậu phương vững chắc, một điểm tựa tinh thần góp phần không nhỏ để Đại tướng, người Anh Cả của Lực lượng vũ trang Việt Nam có những quyết sách vĩ đại để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, mang lại tự do, hòa bình và yên ấm đến cho mỗi mùa xuân đất nước…

 

Trần Hoàng Thiên Kim - ANTG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo