Phá rừng làm thủy điện không có phương án trồng bù
16/27 tỉnh chưa chỉ đạo trồng rừng, chưa thu tiền, chưa phê duyệt phương án trồng rừng đền bù nhưng vẫn cho xây dựng thủy điện.
16 địa phương chưa có phương án trồng rừng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngày 7/11, từ năm 2006-10/2013, cả nước có 205 dự án thuộc 27 tỉnh thành có rừng chuyển đổi sang làm thủy với diện tích gần 20.000ha.
Trong đó, Tây Bắc có 22 dự án với diện tích 2.794ha; Đông Bắc 44 dự án với diện tích 1.306,6ha; Bắc Trung Bộ 22 dự án, với diện tích 4.343,5ha; Nam Trung Bộ 45 dự án với diện tích 2.314,3ha; Tây Nguyên 64 dự án, với diện tích 7.952,2ha; Đông Nam Bộ 6 dự án với diện tích 1.090,4 ha; Tây Nam Bộ 2 dự án với diện tích 5,0ha.
Mặc dù trước đó đã có quy định rất rõ tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP về việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác. Nghị định quy định đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư có diện tích chuyển đổi rừng làm thủy điện phải có phương án trồng rừng khả thi mới được khởi công công trình; đối với những tỉnh không còn đất trồng rừng thay thế thì phải nộp số tiền theo dự án trồng rừng thay thế được duyệt về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương để Bộ NN&PTNT bố trí cho tỉnh khác còn quỹ đất trồng rừng thay thế thực hiện.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2013 mới có 11/27 tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng hoặc thu tiền để trồng rừng, tương ứng với diện tích trồng rừng là 1.897,6ha/19.805,3ha, đạt 10%.
16/27 tỉnh chưa chỉ đạo trồng rừng, chưa thu tiền hoặc phê duyệt phương án trồng rừng nhưng vẫn cho xây dựng thủy điện gồm: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắc, Đăk Nông, Bình Phước và Bình Thuận.
Tình trạng phê duyệt dự án thủy điện bừa bãi, không có phương án trồng rừng thay thế là nguyên nhân khiến hơn 20.000ha rừng bị chuyển đổi làm thủy điện nhưng chỉ có 735ha, bằng 3,7% rừng được trồng lại (theo báo cáo của Bộ NN&PTNT).
Theo một cán bộ Cục Kiểm Lâm, những địa phương có phương án chuyển đổi làm thủy điện nhưng không có phương án trồng lại rừng thực tế còn nhiều. Nhưng danh sách cụ thể lại không được công bố.
Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương giải thích là do các địa phương không có quỹ đất để trồng bù rừng nhưng lại không chịu nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo quy định để bố trí phương án trồng rừng ở địa phương khác.
Ông Phạm Hồng Lượng, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định: "Cho tới nay chưa có một đồng tiền nào của chủ dự án làm thủy điện được gửi về Quỹ”. Nguyên nhân là vì chưa có một cơ chế, chế tài nào quy định việc xử lý, ép buộc doanh nghiệp, chủ đầu tư phải nộp tiền, số tiền cụ thể là bao nhiêu nên mới có hiện tượng có quỹ phát triển rừng mà rừng vẫn mất.
Lý giải việc không chủ đầu tư nào muốn bỏ tiền ra nộp để trồng rừng, ông Lượng cho rằng: Một là việc phê duyệt dự án thủy điện tại địa phương có nhiều bất cập; hai là các chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện không thực sự quan tâm tới việc trồng hoàn rừng.
Một lãnh đạo Tổng Cục đã ca thán, do các doanh nghiệp, chủ đầu tư không chịu trồng lại rừng nhưng cũng không nộp tiền về quỹ để họ trồng lại rừng. Nguyên nhân, có một phần thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương đã không đốc thúc các chủ đầu tư thủy điện trả tiền cho quỹ.
Trái ngược hoàn toàn với Bộ NN&PTNT, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng khẳng định: "Trong năm 2012, hầu hết các địa phương có các dự án thủy điện lớn, đều thu được hàng trăm tỉ đồng từ các dự án thủy điện. Những địa phương có thủy điện vừa và nhỏ như Sơn La, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng thu được hàng chục tỉ đồng. Số tiền này đều nộp về quỹ phát triển rừng".
Ông Phong còn nhấn mạnh, toàn bộ số tiền đó đều đã được chi trả cho người dân để trồng lại rừng. Chỉ một số ít chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính xin nợ đọng.
"Việc tại sao 20.000ha rừng chuyển đổi lại chỉ trồng được 1.000ha rừng là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Làm thế nào để tiền về quỹ là trách nhiệm của Bộ NN. Tại sao lại đẩy sang Bộ Công thương?", ông Phong đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, khẳng định lại lần nữa, ông Lượng cho biết, tới nay quỹ vẫn chưa nhận được một đồng tiền nào từ các chủ đầu tư để trồng hoàn rừng cũng như con số 300 tỉ từ EVN và các doanh nghiệp thủy điện chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trước thực tế đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chủ đầu tư dự án thủy điện phải trồng lại rừng theo đúng quy định.
Đối với những địa phương không có đất để trồng lại rừng thì yêu cầu chủ dự án nộp tiền vào quỹ phát triển rừng trung ương để Bộ NN&PTNT bố trí trồng rừng ở tỉnh khác.
Làm đẹp con số
Từ cuối năm 2012, Bộ NN&PTNT từng báo cáo Thủ tướng về việc chuyển đổi rừng để thực hiện các dự án thủy điện giai đoạn 2006-2012. Theo đó, trong 6 năm, có hơn 20.000 rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã bị mất.
Nhưng trong báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT thì có tới 205 dự án thủy điện trên 27 tỉnh thành và có tới 16/27 tỉnh thành không có phương án, không nộp tiền hoặc không trồng lại rừng.
Thực tế, theo rà soát của Bộ Công Thương, con số lại khác hơn rất nhiều. Cụ thể có đến 50.930 ha rừng các loại đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Hậu quả, diện tích rừng trồng thay thế chỉ được hơn 1.000 ha, bằng 2% diện tích rừng đã chuyển đổi.
Lý giải con số vênh nhau giữa Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT, ông Lê Thái Hà, Chánh văn phòng, kiêm phát ngôn Cục Kiểm Lâm (Bộ NN&PTNT) cho rằng vấn đề này đã được giải quyết, hai bộ đã ngồi lại với nhau và đã làm “đẹp” được các con số.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau khi hai bộ ngồi lại với nhau thì thấy các con số cũng không vênh nhau nhiều lắm, chỉ khoảng 10%. Giờ không còn vấn đề số liệu ai đúng, ai sai mà hiện giờ số liệu hai bộ đã khớp nhau, chúng tôi đã thống nhất được các con số”, ông Hà cho biết.
Nói vậy, hai bộ ngồi lại không vì làm thế nào để trồng lại diện tích rừng bị mất, cũng không để làm sao tiền chảy về quỹ mà thực tế, các bộ ngồi lại với nhau là để làm đẹp các con số, đẹp lòng Chính phủ hay để xoa dịu sức nóng của các đại biểu Quốc hội?
Khẳng định nắm rõ thực tế, nhưng ông Hà lại cho biết nó không thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT. Bộ NN&PTNT chỉ biết có bao nhiêu công trình, dự án như vậy, song về luận chứng kinh tế, đầu tư, phương án trồng hoàn rừng cụ thể lại do thủy điện và Bộ Công thương quyết định.
Theo quy định tất cả các dự án thủy điện khi được phê duyệt phải có phương án trồng hoàn rừng, tại văn bản chỉ đạo số 363/TB-VPCP ngày 31/10/2012 của Chính phủ cũng đã giao Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm hướng dẫn trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng dự án thủy điện.
Nhưng Bộ NN&PTNT lại không nắm được sơ đồ dự án, phương án trồng hoàn rừng của các chủ đầu tư mà thụ đồng ngồi chờ tiền tự chảy về Quỹ, liệu đã làm hết chức năng, thẩm quyền? Cứ cho là có tiền đi nữa thì, Bộ NN&PTNT sẽ dựa vào cơ sở nào để xây dựng phương án quy hoạch điều tiết trồng lại rừng?
Còn Bộ Công thương liệu có vô can khi hàng loạt các thủy điện được phê duyệt mà không có phương án trồng hoàn rừng? Khẳng định hầu hết doanh nghiệp đều đã nộp tiền, tại sao rừng mất, quỹ vẫn rỗng? Vậy số tiền đó đang ở đâu, đã được sử dụng thế nào?
Bức xúc trước tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đại biểu Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Nai yêu cầu: “Phải làm rõ trách nhiệm, không để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm kéo dài được”.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo