Phá rừng ở Quảng Nam: 60 cây pơ mu bị "đốn hạ" trong 1 tháng?
Tin tức trên báo Lao động, sáng nay 22/7, cán bộ điều tra Zơ Râm Thắng (công an huyện Nam Giang, Quảng Nam) - Người trực tiếp kiểm tra vụ việc ngay sau khi nhận được tin báo từ phía người dân cho biết, nguồn thông tin phía cơ quan công an nhận được về vụ phá rừng hôm 8/7 vừa qua là từ phía người dân trong tổ quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ Nam sông Bung.
Cụ thể, ngày 8/7 sau khi kiểm tra và phát hiện vụ phá rừng pơ mu, người dân đã trình báo cơ quan chức năng. Ngay trong ngày, đoàn công tác công an huyện Nam Giang đã đến hiện trường, kiểm tra và phát hiện 28 khối gỗ pơ mu được tập kết gần cột mốc 717.
Tuy nhiên, mãi đến ngày 14/7, tức gần một tuần sau đó, tổ công tác gồm công an huyện Nam Giang, Viện Kiểm sát, Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam sông Bung mới có mặt kiểm tra thực tế tại tiểu khu 351 thì phát hiện 60 gốc pơ mu bị "đốn hạ".
Cũng theo vị cán bộ này, ngày 5/6, người dân trong tổ công tác quản lý bảo vệ rừng có đi kiểm tra định kỳ thì không phát hiện điều gì bất thường. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng sau, tính đến ngày 8/7, khi kiểm tra thì phát hiện gỗ Pơmu bị tàn phá. Thắc mắc về vấn đề này vị cán bộ cho biết không có đủ thẩm quyền để phát ngôn thêm.
Cũng trong ngày 22/7, ông Đinh Văn Thu (Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đã có văn gửi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; giám đốc Công an tỉnh; chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh; cục trưởng Cục Hải quan… khẩn trương xử lý vụ việc phá rừng tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang). Báo Pháp luật TP. HCM thông tin.
Ông Đinh Văn Thu cho rằng vụ việc phá rừng, khai thác gỗ (pơ mu) trái phép xảy ra tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong địa bàn quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của khu vực biên giới.
Tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ. Sự việc gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt. Vì vậy cần phải truy cứu và xử lý nghiêm túc các sai phạm và làm rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao giám đốc công an tỉnh lập chuyên án, xây dựng kế hoạch để huy động lực lượng, khẩn trương tổ chức điều tra, củng cố chứng cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm.
Ông Thu cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Sở NN&PTNT và UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các tập thể, cá nhân liên quan báo cáo giải trình về trách nhiệm quản lý, thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tạm thời đình chỉ công tác đối với các cá nhân có dấu hiệu sai phạm để chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo