Phân bón, thức ăn chăn nuôi sẽ không chịu thuế GTGT?
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, trong 4 năm qua Chính phủ nhiều lần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh các chính sách về thuế, dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu ổn định, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ chưa tổng kết, đánh giá tác động của các chính sách này đến nền kinh tế, hệ thống các doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Ảnh: TTXVN
“Theo Nghị quyết số 57/2013/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014, Quốc hội yêu cầu không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, ngay trong năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế này dự kiến mỗi năm giảm khoảng 5.700 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) khoảng 1.300 tỷ đồng và xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế khoảng 4.800 tỷ đồng là chưa phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội”, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra nói.
Về bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với công nghiệp hỗ trợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng danh mục thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm tính bao quát, toàn diện đối với ngành nghề, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần thiết ưu đãi, gắn với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới. Để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của luật và tránh tình trạng luật khung, luật ống, đề nghị quy định ngay trong luật danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hưởng chính sách ưu đãi này và làm rõ hơn về tiêu chí “sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật”.
Về bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng. Đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, vì đây là nhóm dự án thuộc nhóm được đặc biệt ưu đãi cả về thuế suất và thời gian ưu đãi thuế. Do vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về tiêu chí công nghệ. Theo đó, chỉ ưu đãi cho các dự án đáp ứng được tiêu chí về công nghệ theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật Khoa học công nghệ mà tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển.
Song cũng có ý kiến cho rằng, việc áp dụng thuế suất và thời gian ưu đãi 30 năm đối với các dự án đặc biệt cần thu hút đầu tư là quá dài, cần nghiên cứu thu hẹp thời gian ưu đãi. Đồng thời, bỏ tiêu chí đối với các dự án đặc biệt cần thu hút “dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, trong nước chưa sản xuất được hoặc công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng ở Việt Nam hoặc khu vực Đông Nam Á”, vì có thể sẽ dẫn đến việc thu nhận các dự án có công nghệ lạc hậu mà các nước khác có nhu cầu thay thế chuyển về đầu tư ở Việt Nam. Trong khi, đây vẫn là công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được hoặc lần đầu áp dụng tại Việt Nam và bỏ cụm từ: “công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định” để đảm bảo tính cụ thể của luật.
Cũng có ý kiến không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đề xuất của Chính phủ mới chỉ tập trung vào thu hút các dự án có số vốn đầu tư lớn nhưng không rõ về tiêu chí công nghệ, thời gian ưu đãi 30 năm là quá dài, lấy dự án điển hình để xây dựng chính sách chung là chưa phù hợp.
Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ trúng thưởng trong casino, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc không thu thuế TNCN đối với người trúng thưởng trong casino là không phù hợp với nguyên tắc của Luật thuế TNCN, tạo sự bất bình đẳng với cá nhân khác có nghĩa vụ nộp thuế. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên quy định đánh thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng trong casino.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% hiện nay sang đối tượng không chịu thuế GTGT.
Song, đa số ý kiến trong Ủy ban này không nhất trí việc cho phép khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định như Tờ trình của Chính phủ. Bởi lẽ, việc khấu trừ thuế trong trường hợp này không phù hợp với nguyên lý của thuế GTGT là chỉ khi có thuế GTGT đầu ra mới cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Bên cạnh đó, hiện nay, các dịch vụ xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đang được Nhà nước dành rất nhiều ưu đãi từ cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, giao đất, cho thuê đất, tín dụng, huy động vốn, lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp... nhằm mục tiêu để giảm giá dịch vụ cho người tiêu dùng.
Mặt khác, việc khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án xã hội hóa chưa có căn cứ đảm bảo người dân sử dụng dịch vụ này được hưởng lợi từ việc Nhà nước cho phép hoàn thuế GTGT đầu vào.
Có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, hàng hóa đầu vào để hình thành tài sản cố định, tuy không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng đã nộp thuế GTGT đầu vào. Do vậy, nên cho phép được hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa hình thành tài sản cố định thuộc các lĩnh vực này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 11/1/2025: SJC chính thức vượt mốc 86 triệu đồng
Giá ngoại tệ ngày 11/1/2025: USD tăng mạnh, Index gần chạm mốc 110
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang
Danh tiếng 'vua sầu riêng' thế giới gọi tên Việt Nam
Kinh doanh online hết thời trốn thuế
Giá heo hơi ngày 11/1/2025: Miền Bắc vươn lên dẫn đầu với mức 69.000 đồng/kg