Thị trường

Phấn đấu mỗi quý giảm 1% lãi suất

Hôm qua (12/3), Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi đồng loạt xuống 1% đối với VND. Trên thị trường, lập tức các ngân hàng hưởng ứng.

Sáng 12/3, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn một tháng trở lên từ 14%/năm xuống 13%/năm. Các mức lãi suất điều hành khác giảm tương tự. Liên quan đến thông báo này, năm giờ chiều cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chủ trì họp báo.

 

Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã tính cả việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động tăng thêm CPI. “Lạm phát hàng năm gồm các cấu phần: lạm phát lõi (tức lạm phát cơ bản), lạm phát do tác động giá cả bên ngoài, do điều hành...

 

Về lạm phát lõi, chính sách tiền tệ và tài khóa hoàn toàn có thể điều tiết. Mà theo tính toán, lạm phát lõi thường chiếm khoảng 1/2; (ví dụ năm 2011 CPI là 18,85% thì LP cơ bản là 9,95%).

 

Bên cạnh, ngoại trừ giá xăng dầu do tác động từ dầu thô còn trong nước, nông dân đang được mùa, nguồn cung lương thực thực phẩm ổn định. Giả sử lạm phát có lên trong một đến hai tháng tới thì đó cũng chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất. Khi đó Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có cách xử lý.

 

“Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế CPI ở mức 10%, Ngân hàng Nhà nước cũng đang đặt mục tiêu đưa lãi suất huy động về 10%/năm. Chúng tôi sẽ phấn đấu mỗi quý năm nay giảm 1% lãi suất. Nếu được như vậy, sẽ kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay về ngưỡng 14,5-16%/năm” - Thống đốc nói.

 

Cuối chiều cùng ngày, OceanBank là ngân hàng đầu tiên phát đi tín hiệu điều chỉnh lãi suất huy động VND từ 13/3 với lãi suất kỳ hạn từ 1/12 tháng là 13 % năm. Các kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất được áp dụng ở mức 12,8% và 12%/năm.

 

Theo một lãnh đạo ngân hàng An Bình: “Thông thường mọi người sẽ hiểu lãi suất hạ sẽ dẫn đến “cung” tín dụng tăng, dễ tiếp tục dẫn đến lạm phát. Nhưng hiện tại, bài toán hạ lãi suất đang có sự hỗ trợ của nhiều yếu tố như: Tốc độ cho vay tín dụng không bị đẩy lên cao, chưa kể thời điểm này cung tiền - thanh khoản của các ngân hàng hiện đang khá tốt”.

 

Ông Nguyễn Đức Hưởng, lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thì cho rằng, hạ lãi suất còn là cách để ngân hàng tự cứu mình. “Phải cứu các doanh nghiệp vì nếu họ chết và đổ bể hàng loạt, sẽ phát sinh nợ xấu ngân hàng và ngân hàng sẽ điêu đứng.

 

Còn nếu cứ để lãi suất huy động cao tức là đầu ra sẽ cao không kích thích được sản xuất kinh doanh bởi lúc đó có tiền, người ta chỉ chọn mỗi giải pháp gửi ngân hàng hưởng lợi”. Mức giảm lãi suất 1% có ảnh hướng đến nguồn huy động hay không? Theo ông Hưởng, đây là mức giảm khá từ từ.

 

Theo TPO

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo