Phần lớn tiến sĩ làm việc ở những lĩnh vực không thể có sáng chế
Phân tích con số 24.000 tiến sĩ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ - Nguyễn Quân nhận định, con số này là tổng hợp tất cả số lượng những tiến sĩ đào tạo từ khi thành lập nước đến giờ. Hiện giờ chỉ còn khoảng một nửa số 24.000 tiến sĩ đang làm việc. Thêm vào đó, nhiều người về hưu hoặc bỏ nghề đi làm doanh nghiệp, quản lý. Chỉ có 24% tiến sĩ làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; 76% còn lại thuộc các lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp, triết học …Đây là những vực không thế có sáng chế.
Năm 2014, Việt Nam có hơn 100 bằng sáng chế và hơn 2.000 bài báo quốc tế. Con số này thấp hơn rất nhiều lần so với Hàn Quốc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nguyên nhân của thực trạng chúng ta có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ đông đảo (có đánh giá là hàng đầu Đông Nam Á) nhưng lại ít sáng chế là do chưa tạo được môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học.
Bộ trưởng bộ Khoa học công nghệ nhìn nhận: “Đối với người làm khoa học thì môi trường hoạt động khoa học công nghệ của họ mới là quan trọng. Họ phải có phòng thí nghiệm, thư viện tốt, đồng nghiệp giỏi và được tự do sáng tạo. Họ làm những việc mà xã hội cần chứ không phải làm những việc mà họ muốn. Chúng ta chưa làm được điều này.”
Bên cạnh đó, công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn yếu kém. Có tình trạng, nhiều nhà khoa học ở các viện nghiên cứu tuy có trong tay 3 – 4 sáng chế nhưng không dám công bố hay đăng ký bảo hộ sáng chế vì sợ bị đánh cắp. Họ lặng lẽ chuyển giao cho doanh nghiệp để có thêm thu nhập. Còn việc công bố quốc tế thì lại gặp phải khó khăn về tài chính vì phải đi thuê các công ty quốc tế làm thuyết minh, mô tả.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 600 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc tất cả các bộ ngành địa phương nhưng không một đơn vị nào lọt vào Top 500 viện nghiên cứu thế giới. “ Hệ thống các viện nghiên cứu của chúng ta thành lập nhiều năm nay nhưng tư duy quản lý của chúng ta rất cũ, không tiếp cận với nền kinh tế thị trường. Ngay cả những nhà khoa học được đào tạo ở các nước phát triển nhưng chưa từng làm việc lâu dài ở các nước đó thì cũng không thể có được tư duy của những người làm khoa học trong kinh tế thị trường.” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Tuy vậy, bức tranh khoa học công nghệ Việt Nam không phải quá xám xịt. Trên thực tế chúng ta cũng có rất nhiều thành tựu khoa học công nghệ cũng không phải thấp kém so với khu vực và thế giới như vac-xin Rota điều trị tiêu chảy xếp thứ 4 thế giới; giàn khoan tự nâng xếp thứ 10 thế giới và thứ 3 châu Á. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO năm qua chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 71/143 nền kinh tế (vượt 5 bậc so với năm 2013) và thứ 4 ASEAN.
V-KIST và ước mơ Top 10 viện khoa học hàng đầu thế giới
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ ngành công nghiệp chiến lược của đất nước, Chính phủ đã thống nhất chủ trương thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) với những cơ chế, chính sách đặc thù. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với V-KIST. Dự kiến V-KIST sẽ được triển khai xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên diện tích 20 ha với tổng kinh phí khoảng 70 triệu USD.
V-KIST được xây dựng theo mô hình của viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Viện KIST đóng góp 30% giá trị gia tăng của công nghiệp Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ. Và sau 50 năm từ con số 0 họ đã trở thành một trong 10 viện nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng có ba yếu tố dẫn đến thành công của viện KIST. Đó là họ có một đạo luật riêng để tạo môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học. Yếu tố thứ hai là được người lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc đỡ đầu thậm chí trực tiếp điều hành. Và yếu tố thứ ba là họ có đội ngũ cán bộ khoa học giỏi. Do có chính sách tốt nên thu hút được các nhà khoa học người Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trên thế giới.
Bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng viện Khoa học Công nghệ theo mô hình của KIST và cũng học tập ba yếu tố thành công của KIST…Mục tiêu là sau 50 năm nữa chúng ta sẽ có một viện nằm trong top 10 của thế giới hoặc là top 10 của khu vực. Chứ đừng để như hiện nay, tất cả các viện nghiên cứu ở các trường đại học của chúng ta chẳng có viện nào lọt vào Top 500 thế giới.”
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Phát hiện mới về nguyên nhân tuyệt chủng của loài 'quái vật' biển cổ dài
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc