Pháp lại rúng động vì làn sóng biểu tình Ngày thứ Ba đen tối
Ngày 26/1, nước Pháp đã có thêm Ngày thứ Ba đen tối khi liên tiếp bị xáo động vì những cuộc biểu tình đã được tuyên bố từ vài ngày trước của những người lái taxi, của những người kiểm soát hàng không, nhà giáo và những nhân viên làm bệnh viện.
Sự sống quá cách biệt của khu vực thủ đô Paris của những người rất giàu có, lương rất cao, căn hộ hàng mấy triệu euros so với đa số thành phần dân chúng tỉnh lẻ, thành phố nhỏ khiến cho tâm lý bất mãn chung tăng cao.
Mức thu thuế của tất cả các loại thuế đã bóp nghẹt sức tiêu thụ của thành phần đa số dân chúng.
Tuy tổng thống Pháp Hollande muốn kéo dài thêm tình trạng khẩn cấp quốc gia cho đến hết năm 2016 nhưng không ngăn cản được sự sôi sục trong dân chúng, nhất là hiện tại các đảng phái đang đi vào mùa tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.
Trong một cuộc thăm dò, đa số dân chúng đều không muốn đứng trước sự lựa chọn một lần nữa vào năm 2017 giữa hai ông Hollande và ông Sarkozy mặc dù cả hai chính khách này đều muốn ra tranh cử.
Tổng thống Pháp đương nhiệm có vẻ như không ghi nhận sự thất vọng rất lớn của dân chúng đối với ông ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, không những về tình hình hiện tại trên các bình diện kinh tế và chính trị, mà còn qua vụ bà tình nhân Valerie Trierweiler cũng chính thức bước vào cung điện Elysee trong tư thế một đệ nhất phu nhân của nước Cộng hòa Pháp.
Dù bà Trierweiler đã bị đưa ra khỏi cung điện La Lanterne vào cuối tháng một năm 2014, sau những trận "đánh ghen" với bà Segolene Royal (tình nhân cũ) và tổng thống vì một bà thứ ba là Julie Gayet, nhưng cho đến nay đời tư của tổng thống Pháp với minh tinh điện ảnh Julie Gayet vẫn còn là một câu hỏi trong dân chúng về một lối sống đặc biệt "parisien".
Những người lái taxi biểu tình từ sáng sớm ngày 26/1, cho đến khoảng 9h30 sáng thì đã có 20 người biểu tình bị bắt giữ.
Ông Thierrs Guicherd phản đối kịch liệt trên đài France Bleu bạo lực của chính quyền chống lại người biểu tình, trong khi mục đích biểu tình của họ chỉ là vấn đề kinh tế, của cái ăn miếng mặc.
Kể từ tuần vừa qua, những cuộc biểu tình liên tiếp của những nhà chăn nuôi của khu vực Bretagne, nơi nổi tiếng nuôi heo, bò, sản xuất sữa bò tươi của nước Pháp. Họ phẫn nộ, bức xúc vì chính sách cấm vận nước Nga trong vấn đề Syrie đã làm mất đi một thị trường xuất cảng của họ, tình tình tiêu thụ của thị trường nội địa giảm rõ rệt.
Các nhà phân phối lẻ vẫn giữ giá bán cao cho dân chúng tiêu thụ, trong khi họ đè giá mua vào đến mức dưới giá thành sản xuất, khiến cho những người chăn nuôi mắc nợ rất cao để nuôi những thú vật không bán ra được.
Trong khi đó những nhà giáo cũng xuống đường biểu tình chống lại chính sách cải tổ giáo dục của bà bộ trưởng Najat Vallaud-Belkacem. Chính sách này giảm bớt lớp học, giáo viên khiến cho người thất nghiệp tăng thêm và sự bất bình đẳng giầu nghèo của học sinh lại càng bị đào sâu thêm.
Học sinh tỉnh lẻ, thành phố nhỏ, vùng quê không còn được học sinh ngữ vì có khoảng 40% lớp sinh ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng La Tinh, tiếng Hy Lạp...) bị bỏ hẳn, trong khi tại Paris không có một lớp sinh ngữ nào bị loại bỏ. Hai trăm nhà giáo đã công bố thư ngỏ phản đối gửi tổng thống Pháp.
Trên bình diện y tế, những cải cách cho đến nay càng làm cho tình trạng săn sóc sức khỏe của đại đa số dân chúng đi xuống, ở đây, lại cũng vấn đề tập trung các bác sĩ, các bệnh viện chuyên khoa, các khả năng săn sóc về khu vực thủ đô Paris, trong khi thời gian chờ đợi một cuộc khám nghiệm tại bác sĩ tổng quát là hai tuần lễ, tại bác sĩ chuyên khoa là hai tháng.
Sự kiện này khiến cho dân chúng phải đi rất xa để khám bệnh hay căn bệnh không được chữa trị kịp thời, gây bức xúc rất lớn trong dân chúng.
Về tình hình khủng bố tại Pháp, bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve cho biết vẫn còn căng thẳng bị đe dọa, sự bất an còn kéo dài, và những sự đe dọa tung lên mạng Internet mới đây càng làm cho dân chúng lo âu thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo