Pháp luật

Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đổ lỗi cho nhau tại toà

TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.

Nóng: Ông Đinh La Thăng bị phạt 13 năm tù, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân / Sau tuyên án, ông Đinh La Thăng và đồng phạm được hưởng định mức ăn 0,7kg thịt/tháng và chế độ "đặc biệt" nào khác?

Sáng 11/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phần tranh luận trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ).

Bị cáo Đinh La Thăng.

Tự bào chữa của mình, bị cáo Đinh La Thăng tỏ rõ thái độ không bằng lòng với nội dung tự bào chữa của bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Theo lời bị cáo Thăng, việc thẩm định giá hợp đồng để triển khai Dự án Ethanol Phú Thọ là quyền của chủ đầu tư.

“PVC đồng ý thì làm, không đồng ý thì thôi. Anh Thanh nói, nếu Tập đoàn PVN không chỉ đạo thì PVC không làm. Xin lỗi anh Thanh, anh nói thế là tự tát vào mồm anh”, bị cáo Thăng đáp trả phần bào chữa của bị cáo Thanh trước đó. Tiếp tục bào chữa cho mình, bị cáo Thăng phân trần “Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong vụ án này có nhóm lợi ích, tôi xin được trao đổi lại, là nhóm lợi ích nào, lợi ích gì và từng người trong nhóm lợi ích được hưởng bao nhiêu tiền?”.

Vẫn lời bào chữa của bị cáo Thăng “Thưa HĐXX, nếu không có lần đầu tiên, không có chủ trương chỉ định thầu của Chính phủ thì làm sao có những dự án lớn thành công. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, tôi giữ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học thì phải biết các việc của cấp dưới, kể cả việc của Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) là đơn vị không nằm trong hệ thống Tập đoàn PVN thì có thỏa đáng không?”. Bị cáo Thăng phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới và phủ nhận việc giới thiệu liên danh nhà thầu với lý do, đó là thẩm quyền của chủ đầu tư.

Trước đó, tự bào chữa cho mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh kiến nghị HĐXX xem xét lại những nội dung bị cáo đã khai trong phần xét hỏi và giữ nguyên các lời khai này để làm căn cứ gỡ tội khi tham gia tranh luận. Bị cáo Thanh kiến nghị đại diện Viện KSND TP Hà Nội phân tích rõ những căn cứ được sử dụng để buộc tội bị cáo đã vi phạm quy định về đầu tư xây dựng, gây ra hậu quả thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho Nhà nước. Bị cáo Thanh mong đại diện Viện kiểm sát làm rõ mình đã chỉ đạo như thế nào và tại sao chỉ đạo.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Bị cáo Thanh lập luận, thời điểm liên quan việc dự án được xác định gây thiệt hại, bị cáo đang đi học một lớp do Tập đoàn PVN tổ chức nên chỉ tham gia điều hành một số công việc tại PVC. Bào chữa về lời khai trong quá trình triển khai gói thầu dự án Dự án Ethanol Phú Thọ, bị cáo Thanh cho rằng, vấn đề mà dự án gặp có phải là thiếu tiền và không liên quan đến vấn về về năng lực của nhà thầu hay không?. “Các công trình của Tập đoàn PVN giao, chúng tôi đều tham gia. Còn có được tham gia hay không là do chủ đầu tư quyết định”.

Bào chữa về cáo buộc của Viện kiểm sát trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi bàn bạc, thỏa thuận với bị cáo Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc- PVC Kinh Bắc) liên quan đến dùng tiền của dự án để mua khu đất 3.400 m2 ở thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), bị cáo Thanh phản bác cáo buộc của đại diện Viện kiểm sát. Bị cáo Thanh cho rằng, mình không bàn bạc với bị cáo Hồng như cáo trạng đề cập.

“Vụ việc liên quan đến PVC Kinh Bắc và Công ty Mai Phương là do vợ tôi bàn với những người khác, chứ tôi không liên quan. Đại diện Viện kiểm sát cần làm rõ, tôi có đưa tiền cho những người đó đi mua đất hay không? Và cá nhân tôi cũng không liên quan đến khoản nợ 3 tỷ đồng của Công ty Mai Phương”, bị cáo Thanh trình bày.

Trong phần luận tội các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên toà khẳng định, các bị cáo trong vụ án này hầu hết là người giữ vị trí chủ chốt, quan trọng trong tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn, tài sản quốc gia. Tuy nhiên, hành vi cố ý làm trái của các bị cáo trong vụ án này khiến cho dự án dang dở, làm lãng phí nguồn lực kinh tế xã hội đặc biệt nghiêm trọng.

Nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng lẽ ra đã có thể giúp giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước. Hành vi phạm tội các bị cáo còn xâm hại đến sự đúng đắn, liêm chính và trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp nhà nước nói riêng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tiền lệ xấu cho những hành vi sai phạm tương tự.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm bị đưa ra xét xử tại phiên tòa này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Vụ án này một lần nữa chứng minh hành vi phạm tội có tính chất “nhóm lợi ích” tiêu cực do những người có chức vụ quyền hạn, người đứng đầu trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề trên các mặt chính trị, kinh tế cần phải được xét xử nghiêm minh trước pháp luật, để bảo vệ luật pháp, bảo đảm vận hành nền kinh tế theo pháp luật và sự tuân thủ của các chủ thể khi tham gia các quan hệ kinh tế.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm