Pháp luật

Bình Thuận: Đất đã có sổ đỏ bỗng nhiên bị người lạ chiếm đoạt

DNVN - Hơn hai năm qua, bà Trần Thị Thuỳ Hương cầu cứu cơ quan chức năng vì bị ông Lê Cường (cựu cán bộ Công an xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) ngang nhiên chiếm 1,2 ha đất mà bà Hương đã mua và có sổ đỏ từ năm 2006.

Bình Thuận: Thu hồi 2 dự án “đất vàng” ven biển TP Phan Thiết / Bình Thuận: Thu hồi dự án khu dân cư hơn 37 ha ở TP Phan Thiết

Theo bà Trần Thị Thuỳ Hương (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), khu đất có diện tích hơn 8,2 ha là đất trồng cây lâu năm tại xã Thuận Quý được UBND huyện Hàm Thuận Nam cấp sổ đỏ lần đầu ngày 23/8/2006 cho ông Võ Văn Trường.

Đến năm 2008 được chỉnh lý sang tên ông Ngô Văn Bảo Triệu; năm 2017 sang tên cho ông Nguyễn Văn Minh; năm 2018 thì sang tên cho bà Nguyễn Thị Tín. Sau đó, năm 2019, bà Tín đã chuyển nhượng cho bà Trần Thị Thuỳ Hương.

Khu đất của bà

Khu đất của bà Trần Thị Thuỳ Hương.

Khi mua xong đất, bà Hương phát hiện ông Lê Cường (cựu cán bộ Công an xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) đóng cọc mốc lấn chiếm 1,2 ha đất trên mảnh đất bà đã mua. Ngày 14/10/2021, bà Hương đã làm đơn cầu cứu UBND xã Thuận Quý. Đến ngày 20/10/2021, lãnh đạo UBND xã Thuận Quý cho đoàn kiểm tra và xác nhận vụ việc lấn chiếm đất trên.

Bà Hương chia sẻ: “Tôi đã nhận chuyển nhượng khu đất trên đúng theo quy định pháp luật. Hiện ông Lê Cường đã ngang nhiên xâm chiếm một phần đất này, tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nghiêm minh. Bởi hành vi chiếm đất trên của ông Lê Cường đã ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi”.

Trước sự việc trên, UBND xã Thuận Quý đã mời ông Lê Cường (người bị bà Hương tố cáo) lên làm việc vào ngày 2/11/2021 và 23/11/2021. Tại các buổi làm việc trên, ông Cường khẳng định, vào cuối tháng 5/2016, có nhờ ông Mai Văn Cương (thôn Kê Gà, xã Tân Thành) trồng trụ bê tông, trồng keo tràm… để giữ đất với diện tích hơn 1,2 ha (trong khu đất đã được cấp sổ cho bà Hương).

trồng trụ bê tông, trồng keo tràm

Ông lê Cường đã tự ý đóng trụ bê tông, trồng cây keo tràm trên đất bà Hương

 

Từ những việc trên, ngày 11/1/2022, UBND xã Thuận Quý đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Cường. Tại biên bản trên các cơ quan chức năng đã khẳng định ông Lê Cường có hành vi chiếm đất nông nghiệp của bà Trần Thị Thuỳ Hương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD) từ năm 2006. Và sau đó, UBND xã Thuận Quý đã gửi báo cáo lên UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND tỉnh đề nghị Chủ tịch tỉnh Bình Thuận ra quyết định xử phạt.

Và từ năm 2021 đến nay, trong tất cả các công văn, báo cáo từ UBND xã Thuận Quý, UBND huyện Hàm Thuận Nam… đều khẳng định ông Lê Cường chiếm đất của bà Hương.

Cọc bê tông do ông Cường tự ý đóng để lấn chiếm đất của người dân

Cọc bê tông do ông Cường tự ý đóng để lấn chiếm đất của người dân.

 

“Việc tự ý chiếm đất, việc tự ý trồng trụ bê tông và trồng keo lá tràm trên phần diện tích đất đã được cấp CNQSDĐ cho bà Trần Thị Thuỳ Hương của ông Lê Cường là vi phạm pháp luật. Đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng công trình làm mới trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết-Kê Gà, Bình Thuận của bà Trần Thị Thuỳ Hương. Hiện nay, UBND xã lúng túng trong quá trình lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với ông Lê Cường. Vì việc ông Lê Cường chiếm đất của bà Trần Thị Thuỳ Hương với diện tích 12.551,9 m2 là khung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trên đây là báo cáo việc chiếm đất của ông Lê Cường, UBND xã Thuận Quý kính gửi UBND huyện Hàm Thuận Nam xin ý kiến chỉ đạo”, trích Báo cáo số 173/ UBND ngày 3/12/2022 của UBND xã Thuận Quý gửi UBND huyện Hàm Thuận Nam.

Trao đổi với PV, lãnh đạo xã Thuận Quý khẳng định việc ông Lê Cường chiếm đất bà Trần Thị Thuỳ Hương là có thật. “Vụ việc này hiện đang phức tạp, khó giải quyết vì không thuộc phạm vi của xã Thuận Quý. Chúng tôi đã và đang xin ý kiến chỉ đạo cấp trên xử lý triệt để vụ việc này để tránh gây mất an ninh trật tự trên địa bàn xã”, lãnh đạo xã Thuận Quý khẳng định.

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về hành vi lấn, chiếm đất như sau:

 

* Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

* Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

- Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

- Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);

 

- Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Xử phạt hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất đai

Mức phạt tiền đối với hành vi lấn, chiếm đất phụ thuộc vào loại đất bị lấn chiếm, diện tích, khu vực và đối tượng thực hiện hành vi. Mức xử phạt đối với hành vi này được quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể: Từ 1 ha trở lên sẽ bị phạt từ 30 đến 70 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.

Hành vi lấn, chiếm đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

 

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 2 lần trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

 

Linh Ngọc - Hoàng Thơ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm